Thủy sản cần chiến lược dài hơi

(ĐTTCO) - Ngành thủy sản năm nay dự kiến cán đích với kim ngạch hơn 9 tỷ USD, trong đó cá tra dự báo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017. Tuy nhiên để ngành thủy sản có thể phát triển bền vững cần tháo gỡ nhiều nút thắt, nhất là với 2 nhóm sản phẩm chủ lực tôm và cá tra. 

Niềm vui cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra tháng 10 tiếp tục tăng mạnh 54% đạt 255 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng lên trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nguồn cung thiếu là những yếu tố khiến giá trung bình xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, đánh giá năm 2018 cá tra có mức tăng trưởng ngoạn mục về giá, khôi phục lại mức giá của thời điểm 2004-2005. Lợi nhuận mang đến cho toàn chuỗi, kể cả nhà nhập khẩu cũng có lợi. Không chỉ xuất khẩu chính phẩm, phụ phẩm từ cá tra cũng được đánh giá mang lại giá trị không nhỏ.
“Đây là cơ hội tốt cho ngành cá tra khôi phục lại vị thế của mình, nhưng cần xây dựng chiến lược dài hơi cho toàn ngành, vì nếu không chúng ta dễ bước vào chu kỳ của điểm rơi mới” - bà Khanh nhấn mạnh. 
 Trong những năm qua, thủy sản luôn có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng. Con tôm, cá tra, 2 sản phẩm chủ lực liên tục ghi những kỷ lục. Song để ngành thủy sản phát triển bền vững cần sự chung tay của DN, hiệp hội, người nuôi trồng, cơ quan chức năng.
Ông Trương Đình Hòe, 
Tổng Thư ký VASEP
 
Theo bà Khanh, năm nay giá cá tra tăng, lợi nhuận trong khâu nuôi lớn sẽ khiến các quốc gia khác quan tâm đến mô hình nuôi cá tra của Việt Nam. Vì thế, cần xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam khác biệt và độc đáo. Đặc biệt cần có mức giá cá tra hợp lý phù hợp với sự chịu đựng của thị trường trong tương quan giá với các loài cá thịt trắng khác, tránh sự gia nhập của các nước khác vào nuôi cá tra.
“Chúng ta phải khảo sát thị trường, đánh giá lại nhu cầu thị trường để sản xuất cái thị trường cần” - bà Khanh chia sẻ. 
Thực tế hiện nay ngành cá tra Việt Nam đang đứng trước khá nhiều thách thức, như thiếu cá giống, phương thức kỹ thuật nuôi truyền thống, thủ công. Hay trong chế biến các DN đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động, công nghệ chậm thay đổi, chi phí tăng.
Đánh giá chung về thực trạng nuôi trồng thủy sản hiện nay trong đó có cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận định thách thức tổng thể của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh, trong đó chất lượng con giống và nguồn cung con giống không ổn định.
Cụ thể, tỷ lệ sống thấp, trại ươm giống quy mô nhỏ, khó quản lý; chi phí con giống, thức ăn, hóa chất, nhiên liệu đều cao nên giá thành sản phẩm cao. Đó là chưa kể việc quản lý sử dụng kháng sinh chưa đạt hiệu quả, khó khăn trong áp dụng các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, đang khiến thủy sản xuất khẩu Việt Nam khó vượt qua các hàng rào kỹ thuật để chinh phục các thị trường khó tính.
Thủy sản cần chiến lược dài hơi ảnh 1 Chế biến thủy sản tại Caseamex. 
Thấp thỏm con tôm
Nằm trong nhóm xuất khẩu chủ lực với cá tra, nhưng con tôm ít khả quan hơn, dù giá tôm thế giới đang có xu hướng phục hồi. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đạt gần 3 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 2 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái và chiếm 69%, tôm sú chiếm 31% với 682 triệu USD, giảm 7%. 
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ bắt đầu khởi sắc nhờ thuế chống bán phá giá tôm POR12 giảm mạnh so với POR11, thêm tác động tăng cho giá trị xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu tôm cuối năm sẽ cán đích ở mức gần 3,8 tỷ USD, tương đương hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái.
Trong khi giá tôm thế giới đang giảm khá sâu, ở trong nước các DN còn chịu gánh nặng rất lớn về chi phí, nhất là chi phí kiểm soát dư lượng kháng sinh. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… kiểm soát rất gắt gao về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm.
Để kiểm soát vấn đề này, Minh Phú phải đầu tư các phòng lab kiểm kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí 10 tỷ đồng/phòng. Hiện chi phí kiểm kháng sinh cho 1 ký tôm nguyên liệu 6.000 đồng, quy ra 1 ký thành phẩm 9.000 đồng, làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác.
“Việc kiểm soát kháng sinh nếu không làm quyết liệt, chi phí sẽ ngày càng cao” - ông Quang cảnh báo. 
Yếu tố nữa cũng đang làm giảm cạnh tranh của tôm Việt Nam là màu sắc tôm. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu tôm rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ thích tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi tôm nuôi từ Việt Nam khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. Để giải quyết vấn đề này có 2 giải pháp.
Thứ nhất, nước biển nuôi tôm phải có độ mặn 25/1.000 trở lên. Thứ hai, sử dụng Astaxanthin để tạo màu sắc cho tôm nuôi. Theo đó, trộn Astaxanthin vào thức ăn để tăng màu sắc cho tôm. Tuy nhiên, vấn đề về tạo màu sắc cho tôm nuôi có sử dụng Astaxanthin cần được nghiên cứu thêm để tạo ra được Astaxanthin có nguồn gốc hữu cơ, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Các tin khác