Tương lai xuất khẩu khi thanh long lên sàn thương mại

(ĐTTCO) - Năm nay, vào dịp trái cây thu hoạch cũng chính là lúc dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, ngay lập tức quả thanh long được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chọn là loại quả “mũi nhọn” để xuất khẩu (XK) đã như một điểm nhấn đáng chú ý cho bức tranh xuất khẩu rau quả trong những tháng quý 2 và 3.
Tương lai xuất khẩu khi thanh long lên sàn thương mại
Thanh long là một trong các trái cây chủ bài của XK rau quả nước ta trong nhiều năm nay, song XK chưa năm nào suôn sẻ vì chuyện thất thường của thị trường, chưa kể năm nay còn chịu thêm “cú bồi” dịch Covid-19. 
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ  thanh long nhiều nhất của Việt Nam, nhưng nay đang siết chặt kiểm dịch và đóng/mở cửa khẩu thất thường, cùng với đó là cước phí vận chuyển tăng khiến nhiều doanh nghiệp chưa quen XK chính ngạch với thị trường này càng thêm lúng túng. 
Cũng cần nói thêm, hiện nay Trung Quốc cũng đã trồng thanh long tương đương diện tích với ta, và trình độ công nghệ sinh học, năng suất, chất lượng lại có phần nhỉnh hơn. Thêm vào đó thanh long của Việt Nam còn bị cạnh tranh gay gắt bởi Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… Tất cả đã khiến XK thanh long đã gian nan nay lại càng khốn khó. 
Để gỡ nút thắt, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giữa 2 tỉnh trồng thanh long là Bình Thuận và Long An với các tham tán thương mại tại nhiều thị trường các châu lục. 2 tỉnh nói trên là trọng điểm về trồng và XK thanh long. Với thổ nhưỡng thích hợp, được chăm sóc bằng công nghệ mới, đây cũng là 2 địa phương cho ra những trái thanh long với năng suất cao và chất lượng tốt, song đều gặp trục trặc về đầu ra, nhất là XK. 
Vụ thanh long năm nay, Bình Thuận trồng gần 34.000 ha, thu 650.000 tấn quả. Nhưng trong 8 tháng đầu năm, tỉnh mới XK được vỏn vẹn 3.000 tấn sang Trung Quốc và theo đường tiểu ngạch là chính. Từ trái thanh long đã chế ra nước ép, siro, rượu vang, song do quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm mới là thăm dò khách, XK còn hạn chế. 
Tại Long An, với 12.000 ha, đã cho 330.000 tấn quả, nhưng về XK cũng không ngoại lệ, từ kim ngạch, địa bàn, phương thức thì tương tự hoặc khiêm tốn hơn Bình Thuận. Mặc dù có sấy khô, sấy dẻo, nước ép, nhưng đa phần bán nội địa, họa hoằn mới XK. 
Trong hội nghị trực tuyến, theo báo cáo của tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, 6 tháng đầu năm 2021, thanh long của Việt Nam XK vào Australia tăng đột biến, đạt 3 triệu USD, được các siêu thị bán lẻ với giá 4,9 USD/quả, 14 USD/kg, ngoài ra còn bán cả thanh long sơ chế. Điều này đã minh chứng loại trái cây này ngày càng được biết đến và tiêu thụ nhiều tại thị trường này. 
Song đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cũng đưa ra khuyến cáo, thanh long vào đây, không chỉ bằng giá cạnh tranh mà chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ riêng việc loại quả này nhạy cảm với độ ẩm, hễ dính nước mưa là dễ bị nấm mốc, nên cần biện pháp khắc phục. Sắp tới, thương vụ tại Australia sẽ tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại chuyên đề về thanh long. 
Tương tự, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho hay, từ năm 2009, mỗi năm Việt Nam XK khoảng 2.000 tấn với giá cạnh tranh (chiếm 80% thị phần thanh long thị trường Nhật Bản). Nhưng những tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây của Nhật Bản còn chặt chẽ hơn cả thị trường EU, nên phía Nhật đã đưa ra những hướng dẫn quy cách đóng gói, yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long… Đáng chú ý người Nhật còn muốn tìm hiểu về ngọn ngành cách trồng, thu hoạch, cách ăn… thanh long của Việt Nam.    
Theo báo cáo từ các tham thán thương mại Việt Nam ở các thị trường khác, tuy sản lượng thanh long XK sang các thị trường hiện còn khiêm tốn, nhưng dư địa khá rộng trong tương lai gần.
Như vậy, có thể thấy rằng thanh long Việt Nam đã không còn phụ thuộc vào mình thị trường nội địa Trung Quốc với mức độ bấp bênh rủi ro như nhiều năm nay mà trong tương lai đang rộng cửa XK.
Song để hiện thực hóa tiềm năng đó còn nhiều việc phải làm. Phải thận trọng nếu muốn quảng canh, tốt nhất với diện tích hiện hữu cần tăng hàm lượng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, đổi mới chất lượng, sản phẩm phải đạt chuẩn quốc tế. Từng nhà vườn, doanh nghiệp chế xuất phải đáp ứng đòi hỏi của khách hàng về từng lô hàng của mình. 
Cuối cùng, đó là xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường, ở khâu này, Bộ Công Thương cần phải vào thực hiện rốt ráo hơn.

Các tin khác