Vào mùa du lịch hè: Vừa làm, vừa lo

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh chưa mở cửa cho khách quốc tế, khách nội địa một lần nữa trở thành cứu cánh cho ngành du lịch. Toàn ngành đang dồn lực cho kỳ nghỉ 30-4 và cao điểm hè sắp đến. Làm nhưng vẫn canh cánh bởi dịch Covid-19 đã mang đến bài học: mọi chuyện đều có thể xảy ra. 
Vào mùa du lịch hè: Vừa làm, vừa lo
Giá đã xuống đáy
Kỳ nghỉ lễ 4 ngày sắp tới đang là cơ hội vàng cho ngành du lịch. Lướt qua các trang web của các công ty lữ hành đều thấy những thông tin khuyến mại, giảm giá sốc cho các tour du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Chưa hết, nhiều doanh nghiệp (DN) còn kèm theo nhiều gói quà tặng, bốc thăm trúng thưởng nhằm kéo khách trở lại. Ngoài những điểm đến quen thuộc, dịp này du khách còn có cơ hội trải nghiệm những nơi lưu trú đẳng cấp 5-6 sao theo chuẩn quốc tế với mức giá cực hợp lý mà trước đây thường chỉ dành cho khách nước ngoài hoặc giới nhà giàu.
Chung tay cùng DN, ngành du lịch các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị các chương trình kích cầu, tung sản phẩm mới để đón khách dịp lễ và hè. Hy vọng lại được nhen nhóm trở lại cho ngành du lịch. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông du lịch Việt, cho biết hiện mức giá các DN lữ hành đưa ra đã xuống đến đáy. Các đơn vị như lưu trú, nhà hàng, vận chuyển… đều chung tay đưa ra những mức giá hòa vốn thậm chí lỗ để cứu mình, cứu ngành.
Điều đáng mừng, người dân đang rất ủng hộ ngành du lịch. Lượng khách đăng ký đi tour những ngày gần đây tăng lên đáng kể, nhiều người còn sẵn sàng cho kế hoạch hè sắp tới. 
Thế nhưng mừng đó nhưng cũng lo nhiều. Cách đây ít ngày, khi ngành du lịch và khách du lịch đang hào hứng cho các chương trình lễ 30-4, thông tin một số người nhập cảnh trái phép về Phú Quốc mắc Covid-19, sau đó di chuyển bằng máy bay tới một số tỉnh/thành, đã khiến nhu cầu mua tour chậm lại hẳn, thậm chí có khách còn muốn hủy tour. May mắn dịch đã không lan rộng, DN có thể an tâm phần nào, du khách cũng trở lại nhộn nhịp hơn. 
“Nói lo còn đỡ chứ DN như đang ngồi trên lửa. Covid-19 đã mang đến bài học là mọi chuyện đều có thể xảy ra và khi đó DN thường không kịp trở tay” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty du lịch Lửa Việt, bộc bạch và cho biết phần lớn DN đều không dám giữ phòng, giữ vé nhiều. Mọi thông tin về Covid-19 phải cập nhật từng ngày.

Yêu cầu an toàn và chất lượng
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh hiện nay cùng công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịp nghỉ lễ và hè sắp đến sẽ là bước đà giúp phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới.
Sau 3 lần bùng dịch, việc siêu khuyến mại giảm giá, kích cầu đã không còn xa lạ với du khách. Nhiều du khách cũng khẳng định đây là cơ hội tốt để trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp trước đây chưa từng được thử qua. Thế nhưng cứ mãi nói chuyện giảm giá có phải là cách hay.
Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng thời điểm này khách sẽ không quan tâm nhiều đến giảm giá vì thực tế giá đã xuống đáy, cái họ cần là chất lượng. Nếu cứ giảm mãi sau này giá rất khó lên lại, đó là chưa kể tâm lý lo ngại giảm giá sẽ giảm chất lượng. Thay vì giảm giá DN du lịch nên tặng thêm sản phẩm, dịch vụ. 
Thực tế, việc giảm giá kéo theo giảm chất lượng là có thật. Cụ thể, năm ngoái trong chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT và DL phát động, đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết, thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm lung lay niềm tin của du khách.
Vì thế, các chương trình giảm giá, kích cầu du lịch dịp này cần đồng nghĩa với tăng chất lượng phục vụ. Có vậy mới lấy lại được niềm tin của du khách, từ đó cứu ngành du lịch trong nước.
Bên cạnh chất lượng, an toàn cũng là điều du khách quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay. Nếu các DN lữ hành làm tốt, đây chính là yếu tố then chốt kéo du khách từ việc thích tự du lịch sang du lịch theo tour.
Theo đánh giá của một số chủ DN, đi du lịch tự túc khách sẽ được tự do nhưng vấn đề an toàn trong dịch không có gì đảm bảo. Trong khi đó, sau mấy đợt dịch các công ty du lịch đã coi đây là yếu tố tiên quyết trong hành trình của mình, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trong lựa chọn điểm đến và sự đồng hành cùng khách trong suốt tour du lịch. 

Băn khoăn hộ chiếu vaccine 
Trong bối cảnh vaccine đang được triển khai tiêm ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ngoài tái khởi động ngành du lịch nội địa, việc mở cửa trở lại đón khách quốc tế cũng là vấn đề rất được quan tâm. Bởi lẽ ngành du lịch những năm gần đây phụ thuộc lớn vào khách quốc tế.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc mở cửa dần du lịch quốc tế bằng hộ chiếu vaccine. Hoặc Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT và DL chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế.
Ngành du lịch đang kỳ vọng với những kế hoạch và các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, du lịch quốc tế có thể từng bước mở cửa vào tháng 7 tới. Việt Nam sẽ có khoảng 1-2 tháng thí điểm trước khi hoàn thiện quy trình mở rộng thêm cánh cửa đón khách quốc tế vào cao điểm tháng 10 như thông lệ trước đây. 
Dù vậy cũng không ít băn khoăn về hộ chiếu vaccine, như vaccine đã thực sự bảo vệ được người tiêm trước những biến chủng mới của Covid-19 hay chưa. Hiện trên thế giới đã có nhiều loại vaccine được cấp phép và đưa ra thị trường nhưng mức độ an toàn vẫn còn hiển hiện.
Tại hội thảo mới đây bàn về việc từng bước mở cửa đón khách quốc tế, TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng: “Cùng với chứng chỉ đã tiêm vaccine cần có chứng chỉ về kháng thể mới đủ điều kiện nhập cảnh không cần cách ly. Kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời có những chính sách linh hoạt, cởi mở, ngành du lịch chắc chắn sẽ bứt phá”.

Các tin khác