Vinatex xin “tháo gông” để phát triển

(ĐTTCO) - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có văn bản gửi Thủ tướng ý kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN dệt may trong tiếp cận, giải ngân vốn vay; giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại DN; chính sách thuế hỗ trợ DN dệt may và bày tỏ sự không đồng tình với những kết luận được cơ quan thanh tra đưa ra. 
 
Đề xuất dùng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm vốn vay

Đại diện Vinatex cho biết, năm 2015 tập đoàn tham gia Chương trình cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty, được ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) cho vay số tiền 100 triệu USD từ nguồn vay thông thường, 5 triệu USD từ nguồn vay đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay. Song đến nay Vinatex mới được giải ngân 61 triệu USD, phần còn lại chưa được giải ngân do vướng mắc về tài sản đảm bảo.
Thực tế, Vinatex đã nhiều lần đề xuất được dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận. Chính vì vậy đối với khoản vay chưa được giải ngân, Vinatex vẫn phải thanh toán phí cam kết với ADB gây nhiều lãng phí, đồng thời không giải ngân được nguồn vốn vay, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinatex và các DN thành viên.

Vì vậy, Vinatex kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nêu trên của ADB. Bởi Vinatex là công ty mẹ, nên tài sản chính là cổ phiếu của tập đoàn tại các DN thành viên. Hơn nữa, cổ phiếu mà Vinatex đang sở hữu tại các DN thành viên như: Tổng công ty may Việt Tiến, TCT CP Dệt may Hòa Thọ, CTCP Dệt may Huế… trên thị trường có giá cao gấp nhiều lần so với mệnh giá, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao trong nhiều năm liên tiếp.

Xin thoái hết vốn nhà nước và ưu đãi thuế

Liên quan đến việc huy động vốn, Vinatex đề nghị Chính phủ cho phép thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại tập đoàn. Thực tế Vinatex chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ đầu 2015, khi đó vốn điều lệ của tập đoàn khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 53,49% vốn, tương ứng khoảng 2.675 tỷ đồng. Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN thì Vinatex không thuộc đối tượng nhà nước năm giữ vốn.
Do vậy để tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế, Vinatex phải đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp, không theo thang bảng lương do Nhà nước quy định hiện nay mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời thu hút những cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp năm giữ cổ phần, phát triển thị trường để hỗ trợ tập đoàn phát triển.

Ảnh minh họa: L.THANH 
Một bất cập của ngành dệt may hiện nay là 70% vải phục vụ may mặc trên thị trường đang nhập khẩu, tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương của ngành công nghiệp dệt may.
Để khắc phục tình trạng này, Vinatex kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến 2035 tầm nhìn 2050 cho các ngành thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng gần 40% giá trị xuất khẩu cả nước, từ đó có nhiều cơ hội tiếp tục đóng vai trò là ngành xuất khẩu trọng yếu. Theo đó, đưa ra những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.

Về nhóm ưu đãi thuế, Vinatex kiến nghị Chính phủ có chính sách thu hút công nghệ tiên tiến vào ngành dệt may, như hoàn thuế TNDN đã thu nếu DN đem lợi nhuận sau thuế làm vốn mở rộng sản xuất theo công nghệ hiện đại. Hiện nay các quy định pháp lý DN phải đảm bảo sàn tối thiểu, chưa khuyến khích DN áp dụng công nghệ tiên tiến. 

Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa (trong phạm vi 3% hao hụt cho phép) đã nhập khẩu về để gia công, Vinatex kiến nghị Chính phủ cho phép không phải kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) nhằm khuyến khích DN trong nước tiết kiệm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay trên thị trường nội địa.
Mặt khác, Vinatex kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn hàng nhập lậu, tiểu ngạch, trốn thuế trong lĩnh vực dệt may, do tình trạng hàng nhập lậu vải và nguyên phụ liệu dệt may tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho DN nội địa.

Dùng tiền bán đất mở rộng đầu tư

Trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng, Vinatex bày tỏ không đồng tình với kết quả thanh tra tập đoàn thời gian qua. Chẳng hạn cơ quan thanh tra xác định Bộ Tài chính cấp cho tập đoàn 507 tỷ đồng vốn nhà nước là chưa chính xác. Thực chất đây là khoản tiền tập đoàn này thu được từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất Công ty dệt 8/3 và Hanosimex tại Hà Nội.
Chủ trương này đã được Thủ tướng cho phép Vinatex, Công ty dệt 8/3 và Hanosimex dùng để xây dựng dự án trọng điểm, và dự án nhà máy tại địa điểm mới khi thực hiện di dời nhà máy khỏi khu vực trung tâm Hà Nội. Đây là chủ trương của thành phố Hà Nội và Công ty Dệt 8-3, Hanosimex đã thực hiện di dời nhà máy tới địa chỉ mới.
Do đây là tiền cấp phát cho các dự án thực hiện di dời, ổn định sản xuất cho người lao động, có tính đặc thù, khác dự án thông thường nên Vinatex kiến nghị chỉ thực hiện tăng vốn nhà nước khi công trình đã đưa vào sử dụng, tăng tài sản, hoặc quyết toán vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng cho rằng những kết luận của cơ quan thanh tra về việc tập đoàn này góp 22,5 tỷ đồng  đầu tư vào Công ty Đầu tư Phong Phú để làm dự án Đồng Mai là chưa rõ ràng. Theo cơ quan thanh tra, việc góp vốn này không thực hiện bằng hợp đồng kinh tế, việc đầu tư không hiệu quả, để Công ty Đầu tư Phong Phú chiếm dụng vốn.
Nhưng thực tế tại thời điểm 2008 chưa có các quy định cấm đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đây là một dự án đầu tư có tiềm năng. Hiện Công ty Đầu tư Phong Phú đã tiến hành đầu tư nhiều hạng mục, dự án vẫn đang thực hiện. Phía Công ty Đầu tư Phong Phú cũng đã đồng ý cho Vinatex rút vốn đầu tư và khoản lãi tương ứng với thời điểm góp vốn. Do vậy Vinatex kiến nghị Thủ tướng không xem xét trách nhiệm của Vinatex trong khoản đầu tư này.

Các tin khác