Vốn có nhưng khó giải ngân?

(ĐTTCO) - Trong 2 ngày cuối tuần qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về kế hoạch và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, 2018 và ngân sách. 
Một trong những vấn đề đáng chú ý trong các thảo luận là chậm giải ngân vốn đầu tư cơ bản. Điều đáng quan ngại, năm 2017 giải ngân vốn đầu tư công được nhìn nhận là chậm nhưng năm nay tốc độ giải ngân thậm chí còn chậm hơn rất nhiều.
Tạo rào cản làm tăng chi phí đầu tư
Năm 2017, chi đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giải ngân chỉ đạt 86,3% dự toán, thấp hơn so với năm 2016 (91,1%). Vốn trái phiếu chính phủ chỉ giải ngân được 41,2%, thấp hơn so với năm 2016 (67,4%). Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN thấp: đạt 16,4% dự toán, thấp hơn mức 22,3% cùng kỳ năm 2017; một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, trong đó có dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Hậu quả để lại, theo nhiều đại biểu, có thể làm tăng chi phí đầu tư sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. 
Câu chuyện giải ngân chậm vốn đầu tư dường như đang thực sự tạo ra nhiều lực cản. Một số liệu được đưa ra trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các bộ Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục - Đào tạo, cho biết năm 2018, các bộ trên có trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư lần lượt là 5.260 tỷ đồng, 337 tỷ đồng và hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4, tỷ lệ giải ngân của các bộ chỉ đạt tương ứng 1,36%, 6,28% và 17%. Còn vốn nước ngoài cả 3 bộ chưa giải ngân được đồng nào.
Vốn có nhưng khó giải ngân? ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo đang tạo sự lãng phí, tốn kém, vừa đội vốn lớn, vừa chậm phát huy hiệu quả, các công trình, tăng nợ công. Tình trạng này diễn ra lâu nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu, chưa có cơ quan, người đứng đầu chịu trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, có một nghịch lý, trong khi Bộ Tài chính ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, tốc độ giải ngân đầu tư công ngày càng chậm. Những bất cập hiện nay có một phần nguyên nhân do quy định tại Luật Đầu tư công.
Theo một số đại biểu, quy định hiện nay khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được, như mỗi dự án phải thẩm định về vốn, có vốn mới có căn cứ để phê duyệt dự án, phải có dự án mới được bố trí vốn. Quy trình để chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, điều chỉnh dự án qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian. 

Khẩn trương khắc phục
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa nhận, mức giải ngân vẫn đang còn ở mức thấp, mặc dù Thủ tướng đã thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan về những quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm, nguyên nhân chủ quan rất lớn.
Đó là nhiều đơn vị Trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt đối với việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 70 của Chính phủ (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công). 
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, rà soát tình hình giải ngân tại các đơn vị trung ương, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm, để tìm ra những nguyên nhân cốt lõi, từ đó tháo gỡ. Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện. Công khai kết quả giải ngân của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để theo dõi giám sát.
Các hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng chưa được khắc phục kịp thời. Những nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này nếu không được khắc phục, theo nhiều chuyên gia sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo trong năm 2018. Khắc phục bất cập cùng với quy trách nhiệm người đứng đầu rõ ràng đang là những giải pháp cần phải được thực hiện quyết liệt hơn.

Các tin khác