Xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), nghệ thuật lãnh đạo DN, hay số hóa trong hoạt động kinh doanh, sản xuất là những giá trị cốt lõi cần được duy trì và phát huy. Đây là vấn đề được nhiều doanh nhân thành đạt chia sẻ tại hội thảo CEO Talks "Đòn bẩy triệu đô", do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. 

Xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp ảnh 1
CAO THỊ NGỌC DUNG, Chủ tịch PNJ:

Lấy con người làm trọng tâm

Tài sản lớn nhất của PNJ là con người, là văn hóa, không phải là tiền. Khi chúng ta có tiền nhưng không có tầm nhìn, không phát triển, kết nối được người tài cũng không thể phát triển được. Trong công ty, các thành viên phải xem nhau là gia đình, và để làm được điều này phải trên nền tảng tin tưởng và truyền những cảm hứng niềm tin cho nhau. Hầu hết công nhân của PNJ đều nhận biết được sứ mệnh của họ trong PNJ là gì.
Với người lãnh đạo, họ phải là những người biết phát hiện được người tài và đào tạo người tài, bởi 20% người tài từ ở ngoài còn lại 80% được đào tạo từ trong công ty. Với nhân viên, chúng tôi chú trọng phát triển họ bao gồm cả Nhân - Tâm - Trí, không chỉ xem nhân viên như người lao động bình thường.
Vì thế phải tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, mỗi người trong DN phải xem nhau như người thân, đó là văn hóa gia đình. PNJ tự hào về việc đã xây dựng được môi trường làm việc với quan hệ như vậy. Phải có những câu chuyện chứa đựng cảm hứng và niềm tin vào tầm nhìn, vào sứ mệnh công ty đặt ra. 
Trong 3 năm, 5 năm hay nhiều năm nữa, yếu tố con người vẫn luôn là trọng tâm. Hiện tại chúng tôi rất tự hào về công ty có nền tảng văn hóa con người bền vững, trong từng giai đoạn luôn được rà soát lại, xem còn phù hợp với thực tế hay không?
Cứ mỗi 5 năm sẽ đánh giá lại, thậm chí có lúc mời cả tư vấn nước ngoài để đánh giá. Đặc biệt, để có môi trường làm việc và nhân lực của mình đủ tri thức bước vào thời kỳ mới, chúng tôi xác định phải số hóa tại DN, mà đầu tiên là phải có con người số hóa. 
Xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp ảnh 2
Ông HOÀNG NAM TIẾN, Chủ tịch FPT Software:

Không chuyển đổi số sẽ thất bại

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam có thể cạnh tranh với các cường quốc trên thế giới. Riêng về giới DN, nếu không đổi mới công nghệ, cụ thể không chuyển đổi số, sẽ tụt hậu. Lấy thí dụ đơn giản từ nghề làm vàng, bạc, đá quý.
Dù những người thợ lành nghề nhất, giỏi nhất trong nghề này cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc vì máy in 3D. Loại công nghệ này có thể làm đẹp, chất lượng và chính xác hơn nhiều lần các thợ lành nghề. Thậm chí có dự báo trong vòng 5 năm nữa, sẽ có hàng triệu công nhân may, da giày, kim hoàn lành nghề mất việc.
Vì thế, sự chuyển hóa, chuyển đổi số là cấp thiết, vươn lên từ thay đổi căn bản quan điểm về nhân lực.
Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi mọi hình thái, DN nào nhanh hơn sẽ chiến thắng, nhưng không phải theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” như hiện nay. Trong cuộc cách mạng 4.0, DNNVV hoàn toàn đủ khả năng thực hiện so với các DN lớn, lâu đời. DN nhỏ dễ dàng thay đổi qua công nghệ 4.0 vì họ không có gì để mất, trong khi với DN lớn có quá nhiều việc phải làm.
Thực ra, chuyển đổi số là văn hóa số, không quan trọng phải lựa chọn công nghệ gì. Mọi việc liên quan đến việc chuyển đổi số phải xuất phát từ người lãnh đạo, phải nhìn được những tiềm năng của công nghệ số. Nếu không chuyển đổi số chắc chắn sẽ có rất nhiều DN thất bại. Thế giới phẳng có thể đặt tất cả lên lòng bàn tay mình.
Xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp ảnh 3
Ông PHAN CÔNG CHÍNH, Chủ tịch GESO:

Xác định rõ chiến lược, hướng đi

 Ngoài yếu tố con người, chiến lược, hướng đi của DN cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu phải xác định được, bởi nó quyết định sự thành bại của DN. Chiến lược sẽ giúp chúng ta đi đến mục tiêu hoặc dẫn đầu cuộc đua trên thương trường. Rất nhiều DN thất bại vì đi quá nhiều vào chi tiết, cứ nghĩ mình có tiền sẽ phát triển đột phá, thành DN triệu đô, dẫn đầu thị trường. 
Có 5 bước để DN thành công bền vững. Thứ nhất, xác định được chiến lược, định hướng mình phải đi. Thứ hai, xác định được đối thủ của mình. Thứ ba, định giá trị DN bằng sơ đồ so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Thứ tư, thông điệp ấn tượng dễ nhớ và cuối cùng là thực thi chiến lược thành công. 
Về đầu tư con người, phải có quy trình và phải xây dựng được văn hóa, nhất là đối với doanh nhân trẻ, để phát triển được cần có sự hợp lực của nhiều người. Lấy thí dụ trong cuốn sách “Phát triển để trường tồn”, nếu chúng ta đặt lên chiếc xe gồm những người đồng tâm hiệp lực với nhau, dù xe chạy chậm nó cũng đến đích.
Dù vậy, định hướng đi đúng kế hoạch cho chiếc xe sẽ đỡ tốn xăng, đỡ phải đi đường vòng, nhanh đến đích đạt mục tiêu, dẫn đầu cuộc đua. Còn nếu kế hoạch sai, con đường sẽ khó khăn gấp bội.
Xây dựng giá trị cốt lõi doanh nghiệp ảnh 4
Ông NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG, CEO master Trainer Brian Tracy Training Việt Nam:

Truyền cảm hứng cho nhân viên 

Khi nói về cách quản trị kinh doanh, xây dựng văn hóa DN hay chuyển đổi số, là việc cần thiết phải làm. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là yếu tố con người, bởi dù chúng ta có suy nghĩ được tầm vĩ mô nhưng không có yếu tố con người trong đó sẽ không thể làm được gì. Và những người tôi đánh giá cao nhất phải là những người thuộc thế hệ Y (Millennials - những người trẻ thuộc thập niên 90).
Có 3 phương pháp người lãnh đạo giỏi, đặc biệt là lãnh đạo đội ngũ nhân sự thuộc thế hệ Y cần phải đạt được. Thứ nhất, họ cần được khen ngợi. Song cách khen ngợi như thế nào mới là điều quan trọng, bởi những người trong độ tuổi này rất thích được khen ngợi bằng sự chân thành.
Thứ hai, tạo cho họ được con đường cơ hội nghề nghiệp để thăng tiến, nếu không cho họ được điều này chắc chắn họ sẽ bỏ mình để tìm người lãnh đạo khác. Cuối cùng, hãy trao quyền cho họ được quyết định một số thứ trong khuôn khổ công việc của mình.
Tóm lại, người lãnh đạo giỏi phải là người truyền được cảm hứng cho nhân viên mình. Người lãnh đạo phải có được tầm nhìn xa, phải tạo niềm tin vào nhân viên của mình. Nếu chúng ta tin và tạo được niềm tin của nhân viên, họ sẽ sát cánh cùng chúng ta mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào. 

Các tin khác