Xứ thanh long làm du lịch

(ĐTTCO)-Bình Thuận được biết đến là nơi không chỉ phát triển mạnh về du lịch mà còn là vùng trồng chuyên canh thanh long lớn nhất cả nước. Từ nhiều năm qua, ý tưởng về mô hình “Du lịch cộng đồng gắn với sản xuất thanh long” đã được nhen nhóm. Cuối năm 2019, mô hình trên được Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Hàm Mỹ thực hiện.
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm tham quan vườn thanh long
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm tham quan vườn thanh long

Chúng tôi tìm được nhà ông Nguyễn Văn Chín (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) lúc lão nông này đang đón tiếp một đoàn khách Tây gần chục người. Sau khi thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử, cải lương, du khách được ông Chín hướng dẫn tham quan vườn thanh long. Tại đây, du khách được tìm hiểu các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây thanh long từ vườn cây nhỏ: ra hoa, chong đèn và cho trái chín, thu hoạch, bảo quản và khách được trải nghiệm như một nông dân thực thụ.

Du khách người Nga tên Viktoryia Nanumiam đã không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Thật tuyệt vời! Chúng trông như một trang trại xương rồng trên một sa mạc nào đó”. Nhiều vị khách phương xa khác cũng bày tỏ sự thích thú khiến cho không gian trong vườn thanh long nhộn nhịp hẳn lên. Ngay sau đó, nhiều câu hỏi của nhóm khách du lịch liên tục được đặt ra, như: “Chúng được trồng như thế nào?”, “Sao lại phải thắp đèn cho chúng vào ban đêm?”… Ông Chín vừa giải thích, vừa “cầm tay chỉ việc” cho những vị khách đang háo hức. 

Sau trải nghiệm ở vườn, du khách quay trở lại nhà ông Chín để thưởng thức những trái thanh long chín đỏ và các sản phẩm được chế biến từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, rau câu thanh long, nước ép, sinh tố, rượu thanh long, chè thanh long… “Loại trái này không chỉ ngon, ngọt mà chúng còn rất đặc biệt. Tôi đã chụp rất nhiều hình cây thanh long. Về nước, bạn bè tôi sẽ phải ghen tị và đòi tới đây cho mà xem”, anh Anatoly Kototych, đến từ Nga, chia sẻ.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, trong năm 2020, ngành du lịch địa phương sẽ xây dựng và nhân rộng ít nhất 3 điểm tham quan vườn thanh long. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp, nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Với diện tích khoảng 30.000ha, sản lượng hàng năm đạt gần 600.000 tấn, tỉnh Bình Thuận được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long của cả nước. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU); nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” được 12 nước đồng ý bảo hộ.

Các tin khác