Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên

(ĐTTCO) - Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc) từng là một cố đô hết sức hưng thịnh, là quê hương của ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang và có Bạch Mã Tự, ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc. 
(ĐTTCO) - Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc) từng là một cố đô hết sức hưng thịnh, là quê hương của ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang và có Bạch Mã Tự, ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc. Chính vì vậy, đây không chỉ là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc và Phật giáo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Cùng với Trường An, Nam Kinh và Bắc Kinh, Lạc Dương là tứ đại cố đô của Trung Hoa. Vào thời Trung Cổ, Lạc Dương là một trong những đô thị nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Tính đến nay, thành phố có lịch sử hơn 3.000 năm và là kinh đô của 13 triều đại phong kiến, sở hữu 13 di sản thế giới. Tuy nhiên, Lạc Dương lại không nổi tiếng bằng Athen của Hy Lạp hay La Mã của nước Ý, dù cũng là những đế chế hùng cường vào thời đó, bởi những di sản hầu như đã bị phá hủy nhiều mà tất cả hiện nay chỉ còn là tàn tích và được phục dựng lại. Có lẽ vì vậy, người ta gọi Lạc Dương là “kinh đô bị lãng quên”. 

Thiên Đường và Minh Đường
Võ Tắc Thiên, hay còn gọi Thiên Hậu, Võ Hậu, là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tại Lạc Dương ngày nay có di tích gọi là Minh Đường và Thiên Đường, nằm trong quần thể hoàng cung của Võ Tắc Thiên. Lạc Dương cực kỳ thịnh vượng vào thời nhà Đường, vì vậy khi lên ngôi hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã dời kinh đô từ Trường An về Lạc Dương và đổi tên thành Thần Đô. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 1 Bản vẽ hoàng cung ngày xưa.
Quần thể hoàng cung nơi Võ Tắc Thiên trị vì giang sơn rộng gấp 6 lần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Một năm trước khi chiếm đoạt ngai vàng (689), Minh Đường được hoàn thành nhằm chứng tỏ cho triều thần biết giang sơn này sẽ thuộc về ai. Mỗi ngày sử dụng mấy vạn công nhân, toàn bộ gỗ quý ở vùng Giang Nam và Lĩnh Nam được cống nạp và ngân khố quốc gia gần như khánh kiệt bởi đó là những kiến trúc hết sức hùng vĩ và sang trọng. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 2 Chùa Bạch Mã.
Minh Đường mà chúng ta thấy ngày nay không giống như bản cũ lúc Võ Tắc Thiên trị vì, bởi nó chỉ cao 20m, trong khi Minh Đường thời xưa của Võ Hậu cao gần 90m, là tòa tháp cao nhất thế giới vào thời đó. Thiên Đường và một tháp phù đồ cao 70m ở bên cạnh Minh Đường là nơi để thờ Phật. Tuy nhiên cả hai công trình này từng bị hỏa hoạn trong một lần tổ chức nghi thức cúng tế do một cao tăng gây nên và phải tốn thêm nhiều ngân khố để trùng tu. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 3 Minh Đường và Thiên Đường.
Giá vé để tham quan Minh Đường và Thiên Đường là 120 NDT (400.000 đồng), du khách nên đến sớm để có thể theo dõi những màn trình diễn tái hiện Võ Tắc Thiên lâm triều hay các tiết mục âm nhạc hoàng cung triều Đường. Ngoài ra, vào buổi tối tại quảng trường Hoàng cung môn sẽ có màn trình diễn âm thanh và ánh sáng vô cùng hoành tráng mà du khách không nên bỏ lỡ.

Bạch Mã Tự - ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc
Chùa Bạch Mã  theo truyền thuyết là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng trên đất nước Trung Quốc. Ngôi chùa này được xây dựng năm 68 sau Công nguyên, dưới thời Hán Minh Đế triều Đông Hán, tại kinh đô Lạc Dương.  Chùa được xây bên ngoài tường thành cố đô triều Đông Hán, khoảng 12-13km phía Đông thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay. Sẽ mất khoảng 40 phút đi bằng xe buýt Số 56 từ ga Lạc Dương để đến Bạch Mã Tự. Mặc dù ngôi chùa này nhỏ hơn nhiều so với các ngôi chùa khác tại Trung Quốc, nhưng nó được hầu hết các tín đồ xem là "cái nôi của Phật giáo Trung Hoa”. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 4 Cận cảnh tượng Phật trước hang đá Long Môn cao 17m.
Ngôi chùa được Hán Minh Đế cho xây dựng để làm nơi trú ngụ và giảng pháp của 2 nhà sư Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa Mātaṇga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaratna) từ đất Nguyệt Chi (nay thuộc phía Bắc Afghanistan và một phần Tây Bắc Ấn Độ) đến truyền bá Phật pháp tại Trung Quốc. Cái tên Bạch Mã được cho là để chỉ việc các kinh Phật mà 2 nhà sư đem vào Trung Quốc được tải trên một con ngựa trắng. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 5 Tượng Phật trước hang đá Long Môn.
Bạch Mã Tự trải qua ngàn năm tuổi, nhưng kiến trúc và sắc màu của nó vẫn sừng sững bất biến, thách thức thời gian. Nó mang theo dấu ấn cho sự khởi phát của Phật pháp gieo duyên miền đất Trung thổ. Dù trải qua bao cuộc binh biến, Bạch Mã Tự vẫn hiên ngang kiên cố, như chứng nhân của lịch sử và các giá trị của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa 2 quốc gia được xem là nền văn hóa lớn của khu vực: Trung Hoa và Ấn Độ. 
Có thể thấy rằng Bạch Mã Tự không hổ danh là một ngôi chùa cổ nhất Trung Quốc, là nơi đầu tiên dung chứa kinh Phật. Hơn thế, nó là một kiệt tác kiến trúc với sự khéo léo trong bài trí, thiết kế hoàn hảo, tinh xảo của trí tuệ con người thời đó. Đó cũng là kho tàng nghệ thuật kiến trúc bền vững với thời gian.

Hang đá Long Môn
Hang đá Long Môn là di sản thế giới cách trung tâm Lạc Dương 15km, có chiều dài hơn 1km, với khoảng 100.000 bức tượng trong hơn 2.300 hang động. Những bức tượng được điêu khắc sớm nhất vào thời Bắc Ngụy (thế kỷ thứ 5), trong khi một số thuộc nhà Tùy và Đường. Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, người Nhật đã cướp phá địa điểm này và đưa nhiều bức tượng về Nhật Bản. Nhiều hiện vật quan trọng của Long Môn hiện đang ở trong bảo tàng Nhật Bản. Các hiện vật chính tại Long Môn đã bị các nhà sưu tập cổ vật phương Tây săn lùng trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, số khác bị phá hủy trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Những hang động ở đây được tạc nhiều nhất vào những năm trị vì của Cao Tông và Võ Tắc Thiên. 
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô bị lãng quên ảnh 6 Lễ hội Hoa Mẫu đơn.
Nổi bật nhất trong quần thể hang đá Long Môn chính là tượng Phật do chính Võ Hậu ban chiếu tạc tượng. Có lần Võ Hậu nghe tin Đức Phật hiện thân ở Phụng Tiên Tự gần Long Môn thạch động, nên đã cho người chọn nơi có loại vân đá đẹp nhất để chạm khắc nên một tượng Phật cao 17m có tên là Đại Nhật Như Lai Phật cùng với nhiều vị La Hán đứng kế bên. Tuy nhiên, người đời lại cho rằng gương mặt của bức tượng rất giống với gương mặt của Võ Tắc Thiên, bởi bà muốn cho triều thần và bá tánh biết bà chính là hiện thân của Đức Phật nhằm cai trị thiên hạ. Lúc đó người dân truyền tai nhau lời đồn từ trong hoàng cung đưa ra rằng Võ Hậu phải trích một ít ngân khố quốc gia từ số tiền chi cho việc son phấn của bà đủ để dùng trong 25 năm mới tạc nên được hang động Phụng Tiên có tượng Đại Nhật Như Lai Phật.
Cùng với hang Mạc Cao và hang đá Vân Cương, hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Theo tài liệu xưa ghi lại, hang đá Long Môn được bắt đầu xây dựng từ thời Hán Văn Đế (khoảng năm 471-477) và phải trải qua hơn 400 năm mới được hoàn thành. Tính đến nay nó đã có hơn 1.500 năm lịch sử. Giá vé tham quan hang đá Long môn là 90 NDT (290.000 đồng). 

Lễ hội hoa mẫu đơn
Hoa mẫu đơn là quốc hoa của Trung Quốc, nhưng có thể nói hoa mẫu đơn tại Lạc Dương mới là đẹp nhất, và có lễ hội hoa tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa này vào tháng 4 hàng năm. Đây là loài hoa biểu tượng cho sự vinh hoa, phú quý, sắc đẹp và sự lãng mạn.
Được biết, việc trồng hoa mẫu đơn ở vùng đất Lạc Dương bắt đầu từ triều nhà Tùy vào hơn 1.500 năm trước, đến đời nhà Đường là thời kỳ hưng thịnh nhất, sang đến triều nhà Tống thì loài hoa mẫu đơn được phong là Hoa Vương. Hiện có hơn 1.200 giống hoa mẫu đơn với chủng loại phong phú. Vào ngày 21-9-1982, Lạc Dương đã lấy hoa mẫu đơn làm biểu tượng hoa của thành phố và cùng thời điểm đó, họ đã quyết định tổ chức Lễ hội Hoa Mẫu đơn vào tháng 4 hàng năm. 
Một số địa điểm ngắm hoa mẫu đơn tuyệt vời tại Lạc Dương như: công viên Mẫu đơn Quốc gia, Công viên Vương thành, công viên thực vật di chỉ Tùy Đường. Vào dịp Lễ hội Hoa Mẫu đơn (1-4 - 5-5), giá vé thắng cảnh ở các công viên từ 10 - 50 tệ tùy thời điểm (khoảng 35.000 - 170.000 đồng). Được tổ chức từ năm 1983, đến nay Lễ hội Hoa Mẫu đơn đã trở thành hoạt động lễ hội lớn nhất thành phố Lạc Dương và là một trong 4 lễ hội lớn nhất Trung Quốc. Trong suốt lễ hội, khách tham quan sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng hoa, đèn lồng, tranh và triển lãm thư pháp truyền thống của Trung Quốc...
Chuyện kể rằng có lần Võ Đế dạo vườn ngự uyển cuối đông, thấy hoa lá trơ trọi bèn truyền cho thượng quan uyển nhi tấu một bài thơ như sau: Lai triều du thượng uyển/Hỏa tốc báo xuân trị/Bách hoa liên dạ phát/Mạc đãi hiểu phong xụy. Kỳ lạ thay sáng hôm sau cả vườn ngập tràn hoa, Võ Tắc Thiên lấy làm tự mãn vì còn sai khiến được cả tạo hóa, duy thấy một cây mẫu đơn cứng đầu vẫn không hoa lá, máu giận sôi người bà cho đày loài hoa mẫu đơn này xuống Giang Nam, không cho trồng ở Lạc Dương nữa, lạ lùng thay xuống Giang Nam thì hoa lại khoe sắc tuyệt đẹp. Vì vậy người đời ca tụng loài hoa thà chịu cảnh phong trần lưu lạc chứ không khuất phục giam cầm nơi cung vua phủ chúa. 
Thành phố Lạc Dương, cái nôi của Phật giáo và văn minh Trung Hoa, chắc chắn còn rất nhiều điều lý thú khác để tìm hiểu. Đến Lạc Dương không chỉ để sống vào thời khắc hiện đại của chế độ đương thời mà còn là để cảm được một tinh hoa của thời phong kiến phồn vinh. 

Các tin khác