Đìu hiu du lịch mùa Covid

(ĐTTCO) - Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân du xuân, đến các điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh… Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những điểm đến hấp dẫn, quen thuộc đều vắng bóng du khách.
Đìu hiu du lịch mùa Covid ảnh 1
Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân du xuân, đến các điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh… Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những điểm đến hấp dẫn, quen thuộc đều vắng bóng du khách.
Hạ Long, Cát Bà vắng vẻ
Được xem là thiên đường du lịch biển ở phía Bắc, nhưng vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đảo Cát Bà (Hải Phòng) những ngày này vô cùng vắng vẻ. Anh Nguyễn Văn Duy (quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) vừa có chuyến du lịch Cát Bà cho biết không ngờ điểm du lịch nổi tiếng này lại vắng vẻ đến vậy. Các điểm tham quan ở Cát Bà như các bãi đẹp, khu pháo đài, hay công viên giải trí đều có chung thực cảnh vắng lặng. Từ sáng đến tối ở các điểm trên chỉ lẻ tẻ vài ba người đến ngắm cảnh rồi lại đi trong vội vã. Những ngày sau Tết ở đồng bằng Bắc bộ có thời tiết nắng đẹp, nhiệt độ ban ngày dao động 24-280C, rất phù hợp đi ngắm cảnh, tắm biển. Vậy nhưng nhìn các bãi biển trên đảo Cát Bà nước trong xanh, nắng vàng, cát trắng lại không một bóng người khiến mọi người xót xa, lạ lẫm không quen.  
Khi đến những làng chài nổi tiếng trên vịnh Lan Hạ của đảo Cát Bà, nơi thường xuyên đón đông đảo du khách tham gia tour trải nghiệm hiện cũng bình yên, khác thường. Chị Nguyễn Thị Phương, một chủ nhà thuyền ở đây cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay chỉ có lèo tèo vài ba du khách ghé thăm, mua hải sản, chủ yếu người bản địa ở Hải Phòng…
Bên phía tỉnh Quảng Ninh, hiện nay tuy dịch đã tạm lắng nhưng do giáp ranh với Hải Dương nên công tác chống dịch ở đây vẫn rất căng thẳng. Chúng tôi liên hệ với mấy khu nhà nghỉ, khách sạn view biển ở Hạ Long và Tuần Châu hỏi tình hình thì đều được cho biết gần 1 tháng nay đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh. Chị Trang, một chủ nhà nghỉ ở Hạ Long cho biết: “Nhà tôi có 20 phòng đơn và đôi, vị trí đẹp nên rất hiếm khi trống phòng. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến nay thỉnh thoảng mới có 1-2 khách tới đặt phòng còn lại để trống. Do không có nguồn thu nên tôi buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, lúc nào hết dịch tùy tình hình lại tuyển”.
Do lượng khách hủy tour trước hoặc phải chịu ảnh hưởng của dịch không thể đi, nên các bến thuyền ở Hạ Long, Tuần Châu cũng rất đìu hiu. Những con thuyền du lịch xếp thành hàng dài, buồn thiu, lặng lẽ neo đậu bên bờ biển. Một số chủ thuyền du lịch ở các điểm du lịch tại Quảng Ninh đang lâm vào cảnh sống dở, chết dở do những cú đấm liên tiếp của 3 đợt dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay. 
Khu tâm linh đóng cửa, không khai hội
Người xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, với hàng loạt lễ hội diễn ra dịp mùa xuân ở miền Bắc. Với hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ, các tỉnh phía Bắc là nơi thu hút đông đảo du khách đi chơi xuân, dự hội đầu năm. Nhưng dịp Xuân Tân Sửu 2021 này không còn nữa. Có nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như: Chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử, hội Lim đã không tổ chức khai hội. Vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) bị hủy bỏ. Và theo thông báo mới nhất Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Phú Thọ) năm nay cũng sẽ cắt phần hội, chỉ tổ chức phần lễ đơn giản, gọn nhẹ.
Sau Tết Nguyên đán, do tình hình dịch bệnh ở Hà Nội phức tạp nên cơ quan chức năng đã quyết định đóng cửa các khu tâm linh. Chúng tôi đã đến Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc, Văn Miếu Quốc Tử Giám đều thấy cảnh tượng cửa đóng, then cài. Du khách đi lễ chỉ có thể bái vọng từ phía ngoài. Loa phát thanh ở các điểm du lịch tâm linh tại Hà Nội liên tục kêu gọi người dân không tập trung đông người, không nhét tiền lẻ lên tường, cổng đình, chùa để tránh mất mỹ quan.
Một số đền, đình, chùa ở các tỉnh thành khác hiện không có dịch vẫn mở cửa cho du khách, phật tử. Tuy nhiên lượng khách đến cũng sụt giảm hẳn. Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động, Bắc Giang) dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân những năm trước thường đón vài vạn du khách/ngày, nay mỗi ngày chỉ vài ba trăm du khách. Đặc biệt du khách hầu như không sử dụng xe điện công cộng hoặc cáp treo đông người để lên chùa Thượng, chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh).
Người đi lễ chùa cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an, đeo khẩu trang kít mít, mặc áo mưa, đeo găng tay phòng dịch. Ai nấy đều chỉ lướt nhanh qua các cửa đền, cửa phủ vái vội cái rồi đi. Hầu hết các khu, điểm du lịch tâm linh còn mở cửa đều bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang dự bị để phục vụ du khách. Khách đến tham quan đều phải thực hiện khai báo y tế, được kiểm tra thân nhiệt để bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Sapa lặng lẽ, Bản Giốc yên bình
Ngoài một số vùng núi, rừng, làng bản vùng sâu xa phù hợp với đi phượt ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Bắc (Sapa, Mộc Châu), Đông Bắc (Bản Giốc, hồ Ba Bể) đều có sự sụt giảm nghiêm trọng lượng du khách ghé thăm. Sapa điểm du lịch nổi tiếng nhất Tây Bắc năm nay có cảnh tượng đúng như tiêu đề của truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”. Những con phố ở thị xã trẻ Sapa vốn ồn ào, huyên náo suốt ngày đêm bởi những đoàn du khách trong và ngoài nước tới chơi, nay vắng lặng, yên ả. Các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Sapa hầu như không có khách đặt phòng, gọi bữa. Một số chủ nhà đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng cố gắng duy trì đợi dịch qua.
Những quy định khắt khe như người từ vùng dịch đến phải cách ly tập trung, còn không phải vùng dịch phải khai báo y tế đã khiến cho các điểm du lịch nổi tiếng tại Cao Bằng như thác Bản Giốc, Hồ Thăng Hen gần như vắng bóng khách ngoại tỉnh. Anh Hà Cương, youtuber du lịch ở Cao Bằng vừa đi thác Bản Giốc về cho biết, du khách ngoại tỉnh đến Bản Giốc năm nay giảm 70-80%, chỉ lẻ tẻ vài ba nhóm ít người hoặc đi cá nhân. Điểm tham quan Bản Giốc năm nay chủ yếu đón du khách nội tỉnh Cao Bằng. Dịch vụ tham quan thác Bản Giốc, sông Quây Sơn bằng thuyền cũng bị hạn chế hoặc ít người lựa chọn bởi du khách đều lo sợ sự tập trung đông người. Công tác phòng chống dịch của ban quản lý cũng hết sức nghiêm ngặt. Mọi du khách đến Bản Giốc và các điểm tham quan khác ở Cao Bằng bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế.
Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) cũng chịu chung số phận. Hầu hết nhà nghỉ, quán ăn ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu vẫn chưa mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Các điểm tham quan như: rừng thông Bản Áng, Ngũ Động Bản Ôn, đồi chè Trái Tim, thác Dải Yếm… chỉ có vài khách du lịch bụi đơn lẻ hoặc nhóm dưới 5 người. Những đồi chè, đồng cải đẹp mê hồn ở Mộc Châu thường xuyên đông du khách vào dịp mùa xuân, nay có khi cả cánh đồng chỉ 1 người đứng chụp ảnh. 

Các tin khác