Du lịch an toàn không chỉ khẩu hiệu…

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting, cho rằng sau 2 đợt dịch liên tiếp cùng với mùa cao điểm du lịch nội địa đã qua, chiến dịch kích cầu du lịch lần 2 cần phải xác định rõ mục tiêu mới có thể thành công. Nếu dùng mục tiêu của lần 1 áp cho lần này, khả năng thất bại sẽ rất cao. 

Một góc Bãi Dài, Phú Quốc.
Một góc Bãi Dài, Phú Quốc.
PHÓNG VIÊN: - Ngành du lịch rất cần được kích cầu để hồi sinh. Vậy theo ông mục tiêu của kích cầu du lịch lần 2 nên theo hướng nào? 
Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC: - Để xác định mục tiêu kích cầu ngành du lịch cần xem những thay đổi trong xu hướng và nhu cầu du lịch của du khách. Về nhu cầu từ nay đến cuối năm khách vẫn đi du lịch, nhưng xét quy mô toàn thị trường tăng trưởng sẽ không như kỳ vọng, quy mô sẽ khó bùng nổ như đợt kích cầu lần 1. Nguyên nhân ngoài tác động của dịch bệnh làm kinh tế khó khăn, du khách cũng thắt chặt chi tiêu, quan trọng hơn thời điểm này khách có xu hướng để dành cho mùa mua sắm, du lịch Tết Nguyên đán vào tháng 2 sang năm. Về xu hướng dễ dàng nhận thấy trong thời điểm hiện tại và sẽ kéo dài trong 1, 2 năm tới khách sẽ ưu tiên đi gần nhà, nhóm nhỏ. 
Du lịch an toàn không chỉ khẩu hiệu… ảnh 1Ông ĐẶNG MẠNH PHƯỚC.
Với những thay đổi rõ nét như vậy của du khách, ở góc nhìn cá nhân tôi nghĩ nếu lần thứ nhất mục tiêu là tăng trưởng đột biến lượng khách nội địa để bù đắp lượng khách quốc tế, lần 2 chỉ nên kích cầu để giúp DN duy trì hoạt động, thương hiệu trên thị trường. Như vậy vừa chống dịch an toàn, vừa chọn điểm, chọn khách cũng kỹ hơn. Do vậy việc tung ra các gói giảm giá cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Lần thứ nhất hầu hết DN đều chấp nhận cắt giảm mạnh lợi nhuận để giảm giá, kéo khách. Nhưng đến nay sau 9 tháng sức khỏe của DN ngày càng suy giảm, nếu tiếp tục chạy theo các chương trình giảm giá lớn sẽ không khả thi. 
- Vậy phát triển sản phẩm để thu hút du khách phải được nâng tầm? 
- Một khảo sát cách đây chưa lâu của chúng tôi đã cho kết quả rất đáng quan tâm, đó là khoảng 92% du khách nội địa có xu hướng chuyển qua du lịch tự túc, tức vai trò của DN lữ hành đang ngày một giảm. Vậy vấn đề mấu chốt để thu hút khách quay lại với DN chính là phát triển sản phẩm. Phải đa dạng hóa để có những sản phẩm khác biệt, thu hút và khiến khách phải mua.
Song đa dạng hóa sản phẩm không phải việc của ngày một ngày hai, phải đầu tư nghiên cứu phát triển. Trong bối cảnh khách du lịch đang trở thành trung tâm, chúng ta phải làm mọi thứ để đáp ứng yêu cầu của khách. Nhưng muốn làm được cần có thời gian và kinh phí. Giai đoạn này lời khuyên đa dạng hóa sản phẩm đúng nhưng khó khả thi, trừ những DN có thế mạnh về sản phẩm. Còn đa phần DN không thể vừa vận hành, vừa phát triển sản phẩm trong thời điểm khó khăn như hiện nay. 
Việc chúng ta phải làm trong tương lai là đầu tư vào công tác nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng. Phải kéo khách du lịch nội địa về với du lịch trong nước. Trước khi dịch xảy ra khách nội thường thích chọn đi nước ngoài, hiện tại do không được đi quốc tế nên mới chọn đi trong nước. Liệu khi du lịch quốc tế mở cửa chúng ta còn đủ hấp dẫn với chính du khách của mình. 
- Bên cạnh chiến dịch kích cầu nội địa, việc mở cửa đón khách quốc tế cũng rất được quan tâm. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này? 
- Nhìn lại lịch sử phát triển du lịch Việt Nam những năm gần đây chúng ta phụ thuộc lớn vào khách quốc tế. Do đó, đón khách quốc tế trở lại không còn là muốn hay không muốn, mà nó là giải pháp sinh tồn. Cái quan trọng là chuẩn bị chiến lược đón khách như thế nào. Không phải là chúng ta mở lại đường bay, thông báo chúng tôi an toàn họ sẽ tới. Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch tốt, nhưng hành vi, xu hướng, nhu cầu của du khách còn thay đổi rõ nét, ở những quốc gia dịch ảnh hưởng nghiêm trọng khách sẽ còn nhiều thay đổi hơn. 
Từ thực tế trên, ngành du lịch phải có sự chuẩn bị chủ động. An toàn không chỉ là tuyên bố, phải là quy trình, bộ quy chuẩn như các nước trong khu vực đang làm. Chúng ta phải có bộ quy chuẩn thống nhất cho điểm đến là Việt Nam. Việc này không chỉ để đón khách, còn chứng minh cho Chính phủ, nhân dân rằng khi mở cửa đón khách chúng ta có đủ biện pháp đảm bảo.
Theo dữ liệu về xu hướng du lịch trở lại của khách quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khu vực khách đến Việt Nam nhiều) sẽ quay trở lại du lịch vào đầu quý II-2021. Muốn đón khách ngay từ bây giờ chúng ta cần chuẩn bị không chỉ an toàn mà còn cả năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Nếu cứ làm theo cách cũ rất khó phát triển. Những năm qua du lịch Việt Nam tăng trưởng theo hướng tự nhiên, tức nhờ lợi thế thiên nhiên văn hóa nên thu hút du khách, trong khi chúng ta vẫn thiếu những chiến lược cho sản phẩm cốt lõi và thị trường mục tiêu. 
- Hiện một thực tế sẽ phải đối mặt là thiếu hụt nhân sự ngành du lịch trong tương lai vì nhiều DN buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Theo ông có giải pháp gì cho thách thức này? 
- Đúng là trong năm sau khả năng cao chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nguồn cung nhân sự cho ngành du lịch. Nó còn nhiều thách thức hơn khủng hoảng cầu. Ngành du lịch khá đặc thù, nếu chúng ta không có giải pháp, khi khách tăng trở lại sẽ rất khó khăn. Về lý thuyết chúng ta hay nói DN phải duy trì, phải giữ chân nhân viên, nhưng khi doanh thu không có DN cũng không còn giải pháp khác buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Nghỉ lâu thì khó kéo họ quay lại. Vì vậy lúc này phải trông cậy vào các cơ quan nhà nước hỗ trợ cả về tài chính, đào tạo nhân sự. Mặt khác nguồn nhân lực phải được hỗ trợ đào tạo, chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường phục hồi. 
- Xin cảm ơn ông.
 Ngành du lịch các nước dường như đang quay về vạch đích, ở đó ai xuất phát sớm người đó sẽ thắng, áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn hơn. Chúng ta không thể đánh đổi sự an toàn của hơn 90 triệu dân, nhưng nếu cứ ngồi chờ đến khi nào dịch qua đi ngành du lịch sẽ chết. 

Các tin khác