Đừng tạo thêm sức ép DN lữ hành

(ĐTTCO) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 đang được Tổng cục Du lịch lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, đã nâng mức ký quỹ kinh doanh lữ hành.
 Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt Tours, cho rằng việc nâng mức ký quỹ sẽ đẩy nhiều DN du lịch nhỏ vào chỗ khó khăn hơn. 
PHÓNG VIÊN: - Ông có ý kiến gì trước khả năng tiền ký quỹ của các DN sẽ lên tới con số 850 triệu đồng nếu tham gia cả 3 mảng kinh doanh lữ hành? 
 Dự thảo Nghị định đã nâng mức ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa lên 100 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) 250 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) 500 triệu đồng. Nếu DN kinh doanh cả 3 mảng trên, số tiền phải đóng lên tới 850 triệu đồng. DN ký quỹ tại hệ thống ngân hàng thương mại, phải duy trì suốt thời gian hoạt động và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa DN và ngân hàng.
Ông NGUYỄN VĂN MỸ: - Theo quy định hiện tại, tiền ký quỹ sẽ được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp; DN không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời hoặc khi DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Hiện nay, DN đang thực hiện ký quỹ theo Nghị định 180/20/NĐ-CP, với mức 250 triệu đồng nếu chỉ kinh doanh inbound, nếu chỉ làm outbound hoặc làm cả outbound lẫn inbound mức ký quỹ chung 500 triệu đồng. 
Dự thảo nghị định mới quy định nộp quỹ lên tới 850 triệu đồng. Đối với DN lớn có thể không phải là số tiền lớn, nhưng với những DN nhỏ là một gánh nặng, nhất là khi muốn đa dạng hóa loại hình kinh doanh, thậm chí còn trở thành rào cản cho các DN muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Việc tiền gửi vào ký quỹ gần như “nằm chết” tại tài khoản ngân hàng. Theo tôi, trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, các cơ quan chức năng phải tăng cường giải pháp hỗ trợ DN, việc tăng ký quỹ dù với bất cứ lý do gì cũng là hạ sách, đẩy DN vào thế khó. 
Nếu cho rằng tăng ký quỹ để hạn chế việc làm ăn chụp giật của một số DN lữ hành, giúp môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh hơn, cần đem lên bàn cân một vài con số. Với mức ký quỹ 850 triệu đồng cho 3 loại hình kinh doanh lữ hành, DN lữ hành cố tình lừa thì những tour đi xa với mức giá khoảng 100 triệu đồng/khách, chỉ một đoàn có khoảng 20 khách DN cũng đã có thể ôm 2 tỷ đồng bỏ trốn.
Còn nếu cho rằng khi dùng tiền ký quỹ để xử lý các trường hợp xảy ra tai nạn cho du khách, hoặc các trường hợp khẩn cấp mà DN không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời, liệu con số đó có đủ nếu xảy ra sự cố? Việc so sánh ký quỹ với những quốc gia  khác cũng khập khiễng, bởi mỗi nơi mỗi khác. Quan trọng hơn, việc ký quỹ không phải là cách để giải quyết gốc rễ của việc DN lữ hành làm ăn chộp giật. 
Đừng tạo thêm sức ép DN lữ hành ảnh 1 Khách du lịch nước ngoài tham quan Dinh Thống Nhất. Ảnh: P. LONG 
- Vậy theo ông cần những giải pháp nào để giải quyết vấn nạn làm ăn chộp giật của DN lữ hành hiện nay?
- Cách tốt nhất là phải làm chặt ngay từ khâu cấp phép, rồi kiểm tra, giám sát, xử phạt trong trường hợp vi phạm. Phải mạnh tay khiến những người muốn làm gian dối cũng không làm được. Đơn cử như điều kiện cấp phép cho DN làm dịch vụ kinh doanh lữ hành quốc tế theo Luật Du lịch hiện hành, phải có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Theo tôi, con số 3 là quá ít, tại sao không nâng điều kiện khắt khe hơn, đó là chưa kể trường hợp một số DN thuê thẻ để cho đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của DN nếu cơ quan quản lý kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ sẽ hạn chế những sai phạm, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro cho khách du lịch. Từ đó những DN làm ăn chân chính cũng có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cuối cùng, khi xảy ra sai phạm phải mạnh tay rút giấy phép, “cấm cửa” vĩnh viễn không cho kinh doanh trong mảng du lịch, lữ hành nữa… Chúng ta hãy làm tốt những điều đó trước khi đưa thêm ra những quy định đẩy DN hoạt động khó khăn hơn. 
- Luật Du lịch 2017 từng được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều thiếu sót của luật 2005 vốn bị xem đã lạc hậu, nhưng dường như những quy định mới chưa làm các DN hài lòng?
- Thực tiễn thời gian qua, luật mới chưa ban hành đã lạc hậu so với sự phát triển của ngành du lịch, chứ chưa bàn đến câu chuyện tương lai. Những ý kiến như internet đang phát triển mạnh khắp thế giới, nhưng Luật Du lịch không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến là một thí dụ thấy cho sự lạc hậu này. 
Kinh doanh trong bối cảnh hiện nay các DN trong lĩnh vực du lịch, lữ hành phải đương đầu với nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc bị nhái thương hiệu cũng khiến nhiều DN hết sức đau đầu. Không có ngành nào hàng giả, hàng nhái lại dễ thực hiện và ngang nhiên như trong ngành du lịch.
Tất nhiên, khó khăn không phải lý do để các DN chân chính từ bỏ cuộc chơi, chúng tôi vẫn đi trên hành trình này. Nhưng mong những chính sách quản lý của Nhà nước có thể hỗ trợ tốt nhất cho các DN. Vì DN có mạnh, cả ngành du lịch mới phát triển mạnh mẽ hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác