Kéo Cô Tô gần lại

(ĐTTCO) - Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi đã quyết định đến Cô Tô. Một hành trình không hề dễ dàng khi từ Hà Nội đến Cô Tô phải mất đến gần 10 giờ, chúng tôi nói vui gần bằng thời gian bay từ Hà Nội tới Paris.
 Lý do bởi thời tiết xấu khiến tàu ra đảo bị hoãn mấy tiếng ở cảng Cái Rồng (Vân Đồn- Quảng Ninh). Biết so sánh là khập khiễng nhưng để thấy khoảng cách địa lý đến hòn đảo xinh đẹp này không quá xa nhưng hành trình thực tế rất gian nan.
Bãi tắm đẹp nhất miền Bắc
Đầu tiên phải nói đến trải nghiệm nhớ đời của chúng tôi khi con tàu cao tốc chở 200 khách cứ nhồi lên, nhồi xuống, chao nghiêng trên những con sóng dữ dằn. Nhiều hành khách say sóng, mặt xanh lét hoặc sợ hãi la lối nhưng nhìn vẻ bình thản của người lái tàu tôi hiểu hành trình ra đảo như thế này là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Trước đây, tàu ra đảo Cô Tô chỉ có vài chuyến mỗi ngày nhưng vài năm trở lại đây, vào dịp cao điểm, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu liên tục với thời gian di chuyển từ 55-75 phút/chuyến.
Nếu muốn đi rẻ hơn có loại tàu gỗ, đi mất khoảng 3 tiếng. Khi cập bến, thị trấn Cô Tô hiện ra sầm uất hơn nhiều so với hình dung trước đó. Lẽ ra chúng tôi không cần phải mang theo nhiều đồ ăn đến thế bởi các nhu yếu phẩm ở đây tương đối đầy đủ.  

Có nhiều phương tiện để du khách khám phá Cô Tô, có thể bằng xe máy, xe đạp hoặc xe điện. Cơ động và chủ động nhất có lẽ là thuê xe máy với giá thuê 200.000 đồng/ngày. Từ khi con đường xuyên đảo với mức đầu tư 119 tỷ đồng hoàn thành, việc đi lại trên đảo đã trở nên khá dễ dàng. Ngoài khu thị trấn có màu sắc của đô thị hóa, toàn bộ hòn đảo hầu như còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên.
Người dân ở đây không trồng cấy vì không hiệu quả bằng cách nghề chài lưới hay làm du lịch. Thỉnh thoảng nếu có nhìn thấy một vài vạt rau vuông vức như căng dây và xanh mướt, ắt đó là của một doanh trại bộ đội trên đảo.
Từ trung tâm thị trấn đến bãi đá Cầu Mỵ, bến tàu đi Cô Tô con và các bãi tắm đều khoảng 7-10km. Các bãi tắm ở Cô Tô đều rất đẹp. Bãi Hồng Vàn làm người ta mê mẩn vì bãi tắm trải dài, cát mịn, nước trong vắt với những con sóng dịu dàng như ve vuốt, còn bãi Vàn Chảy lại khiến du khách “phải lòng” bởi những con sóng nhảy, biết đùa giỡn tưng bừng.
Nhiều người còn cho rằng Vàn Chảy là bãi tắm đẹp nhất miền Bắc, bởi ngoài việc biển trong vắt và bãi phẳng phiu, bãi tắm này nằm ở góc đảo hướng ra phía Tây, có thể vừa tắm vừa ngắm hoàng hôn trên biển. Tắm xong, du khách có thể thưởng thức tiệc nướng của các nhà hàng với cung cách hết sức bình dân hoặc quay về thị trấn. 

Một điểm đến không thể không nhắc tới là Cô Tô con, một đảo nhỏ không có người dân sinh sống, chỉ có vài người sang làm dịch vụ mùa du lịch. Bãi tắm Cô Tô con vắng teo, cây rừng chờm ra tận bãi cát.
Ăn uống ở Cô Tô cũng như nhiều vùng biển khác, các hải sản tôm, cá, cua, mực, ghẹ đều tươi roi rói, nhưng nổi tiếng của vùng biển này là ốc móng tay, một loại nghêu sò dài có thịt rất giòn, ngọt. Ngoài ra còn có sá sùng, sá sùng khô, “đắt nhưng xắt ra miếng” vì chỉ cần cho vài con vào vị ngọt sâu của nồi nước dùng đã khác hẳn. 
Kéo Cô Tô gần lại ảnh 1
Hiền hòa, thân thiện
Đến Cô Tô nhiều người thích leo lên ngọn hải đăng được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Để lên hải đăng, chúng tôi thuê xe máy ở chân dốc với giá 50.000 đồng/lượt, tự thuê xe đi cũng thế, có người chở cũng giá như thế, không cần giấy tờ gì, chỉ cần trả tiền nhận xe.
Cảm giác không đội mũ bảo hiểm, ngồi trên con xe máy già cỗi ì ạch leo ngược con dốc ngoằn ngoèo dưới tán rừng già vừa thích thú vừa thật hoang mang. Mất thêm 5.000 đồng/người để leo qua một cái cầu thang xoáy trôn ốc, bạn sẽ được lên đỉnh hải đăng và mãn nhãn với toàn cảnh Cô Tô tứ bề mây trời xanh ngắt.Nghe nói ngọn đèn biển này sang năm sẽ được xây lại với một cầu thang lên và một cầu thang xuống. 
Cô Tô hiện có khoảng hơn 3.000 dân. Vào khoảng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều người từ các tỉnh đông dân đã đến Cô Tô sinh cơ lập nghiệp theo phong trào xây dựng vùng kinh tế mới.
Những người đến Cô Tô đều là dân vùng biển như Quảng Xương (Thanh Hóa), Thái Thụy (Thái Bình)... nên rất dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới trên đảo. Chả thế mà đến Cô Tô lắm lúc người ta lại cứ ngỡ mình đang ở Thanh Hóa khi nghe được cái chất giọng Quảng Xương đặc sệt. Thậm chí đến cái món thuốc lào cũng rất “nặng đô” đúng chất xứ Thanh. 
Ông chủ khách sạn nhỏ chúng tôi nghỉ rất điển hình cho người dân di cư đến đây. Sinh năm 1974, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa, đến Cô Tô khi còn là thanh niên trai tráng, chưa vợ con, được Nhà nước cấp đất, cấp nông cụ, lương thực để khai hoang. Rồi sau đó ông lấy vợ, cũng là dân Thanh Hóa ra.
Lúc đầu, ông sinh sống bằng nghề đi biển. Ông đi thuyền nhỏ ra tận Bạch Long Vĩ đánh cá. Ông đánh một cách rất thô sơ bằng cách lặn sâu hàng chục mét để xiên cá. Lúc đó cá còn nhiều nên kiếm sống cũng dễ dàng. Dần dà, cá ít đi, tuổi nhiều lên, tích lũy được chút vốn liếng, ông bỏ nghề đánh cá chuyển sang làm du lịch. Phải đến 2013, khi có điện lưới quốc gia Cô Tô mới phát triển du lịch.
Tốc độ phát triển du lịch tỷ lệ thuận với giá đất ở thị trấn nhỏ xíu này. Ở khu trung tâm, cách đây vài năm, người ta chỉ cần vài trăm triệu đồng đã mua được 1 lô đất, đến nay vị trí đẹp đã lên 3-4 tỷ đồng/lô. 
Từ chỗ chỉ có ít khách du lịch ưa mạo hiểm khám phá, giờ đây có lúc Cô Tô có tới 10.000-12.000 khách, gấp 3-4 lần số dân bản địa. Đông là vậy nhưng giống như nhiều hòn đảo khác, Cô Tô rất bình yên, gần như không có tình trạng trộm cắp. Xe máy cứ việc để ngoài không sợ mất. Thậm chí bà chủ khách sạn nơi chúng tôi ở vì bận cùng lúc làm nhiều việc vừa check-in, check-out cho khách, vừa quán xuyến bếp núc, vừa bán hàng nên ở quầy hàng luôn treo một cái túi nhỏ đựng tiền, khách có thể tự lấy chai nước, bao thuốc, đá viên đã niêm yết giá và bỏ tiền vào túi.

Các tin khác