Không chỉ phục hồi, còn phải bảo vệ

(ĐTTCO) - Hồi giữa tháng 3, khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, khách sạn Sài Gòn Ban Mê đã nhận được cơn mưa lời khen cho hành động đẹp để bảo vệ du khách. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Một du khách không may trở thành F0 đã bị một khách sạn từ chối lưu trú, đã đến với Sài Gòn Ban Mê và được tiếp nhận, hỗ trợ điều trị. 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc khách sạn Sài Gòn Ban Mê, chia sẻ: “Làm nghề dịch vụ, du lịch tiêu chí hàng đầu là phải bảo vệ khách hàng. Khi đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, nếu không hỗ trợ cho họ lưu trú thì họ ở đâu? Trường hợp này họ còn là F0 lại càng phải được tạo điều kiện để ổn định tâm lý và bảo vệ sức khỏe”.
Thời gian qua, TP Buôn Ma Thuột trở thành địa điểm du lịch “mới nổi” được yêu thích, khi số chuyến bay đến địa phương này đã lên đến gần 20 chuyến mỗi ngày, tương đương với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài thức ăn ngon và rẻ, khung cảnh tự nhiên hoang sơ, thú vị, sự hiếu khách và niềm nở của người dân Buôn Ma Thuột cũng là điểm cộng trong mắt nhiều du khách, và hành động từ khách sạn Sài Gòn Ban Mê đã góp phần gìn giữ, bảo vệ thương hiệu cho vùng đất này.  
Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho du khách, những doanh nghiệp chân chính đang gồng mình để hồi phục sau đại dịch, cũng sẽ được chính quyền bảo vệ. Cần hiểu vấn đề ở đây không phải là bảo vệ ai, du khách hay doanh nghiệp mà bảo vệ cái đúng, hài hòa lợi ích, và để có thể thành công yếu tố minh bạch cần phải đặt lên hàng đầu.
“Mới đây khi có thông tin ban đầu về việc một nhóm du khách cho rằng mình bị "chặt chém" khi ăn hải sản tại Nha Trang, chúng tôi cử ngay đoàn kiểm tra xuống nắm tình hình, đồng thời tiếp nhận ý kiến của cả du khách. Sau đó, cơ quan chức năng cũng đã công bố công khai với báo chí về việc mức giá bán như vậy là phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi mong muốn mọi người có cách nhìn nhận thấu đáo và cũng đã nỗ lực giải quyết, công bố nhanh nhất có thể” - ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết.
Khi du khách quốc tế vẫn đang từng bước quay trở lại, du khách nội địa tiếp tục đóng vai trò then chốt trong sự phục hồi của ngành du lịch các địa phương. Thẳng thắn mà nói, nếu các địa phương không có các giải pháp để bảo vệ ngành du lịch của mình, nguy cơ mất khách rất dễ xảy ra. Sự dịch chuyển có thể đi từ địa phương này sang địa phương khác, hoặc có thể từ trong nước đi ra nước ngoài. 
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, người luôn xuất hiện tại những “điểm nóng” liên quan đến du lịch, cho biết thực tế những sự vụ xuất hiện trên mặt báo nếu có giải quyết, ít nhiều cũng có thể để lại những ấn tượng không đẹp cho một số người. 
Theo ông Kiệt, cần dự báo được những rủi ro có thể xuất hiện trong ngành du lịch, từ đó có những giải pháp bảo vệ dài hơi và căn cơ hơn. Hiện nay nhiều sản phẩm du lịch phát triển theo xu hướng (trend) rất nhanh chóng. Nghĩa là, một mô hình  hay sản phẩm du lịch nếu thu hút được du khách sẽ được triển khai hàng loạt ở nhiều nơi để tận dụng triệt để. Đồng thời, sẽ có sự so sánh, đối chiếu, phản hồi liên tục, và nếu có những “trend” không phù hợp sẽ có những phản ứng tiêu cực.
Nói đơn cử, mô hình cà phê “sống ảo”, nghĩa là các quán cà phê được xây dựng thiết kế trên khuôn viên rộng lớn và tăng cường các mô hình (concept) thiết kế, tiểu cảnh để khách hàng chụp hình vốn nở rộ không chỉ tại Đà Lạt còn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, vẫn có vài quán cà phê sống ảo với concept không phù hợp với cảnh quan tại địa phương và có thể ảnh hưởng đến cảnh quan chung. 
“Bản thân tôi cũng đã nhiều lần góp ý với các mô hình du lịch có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực, chẳng hạn không phù hợp với cảnh quan, thẩm mỹ để các DN, chủ đầu tư chỉnh sửa. Bảo vệ du lịch suy cho cùng là sự bảo vệ những nét đẹp tiêu biểu nhất của văn hóa, con người và cảnh quan của địa phương” - ông Lê Anh Kiệt chia sẻ. 

Các tin khác