Lung linh “vịnh Hạ Long trên núi”

(ĐTTCO) - Được ví như vịnh Hạ Long trên núi, hồ Thác Bà là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Hồ Thác Bà có tới 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, nhấp nhô trên mặt nước, nếu nhìn từ trên cao rất giống với vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đây cũng chính là nguyên nhân vì sao hồ Thác Bà được ví như vịnh Hạ Long trên núi.
Được ví như vịnh Hạ Long trên núi, hồ Thác Bà là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Hồ Thác Bà có tới 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, nhấp nhô trên mặt nước, nếu nhìn từ trên cao rất giống với vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đây cũng chính là nguyên nhân vì sao hồ Thác Bà được ví như vịnh Hạ Long trên núi.
Biển nước mênh mông, rừng xanh ngút ngàn
Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà năm 1971. Hồ có diện tích rộng khoảng 28.800ha, riêng mặt nước rộng gần 20.000ha, chiều dài 80km. Ngoài những đảo lớn nhỏ còn có hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Sông Chảy là con sông cung cấp nước chủ yếu cho hồ Thác Bà. Ngoài ra còn một số sông, ngòi khác như ngòi Hành, ngòi Cát... cũng đóng góp một lượng nước nhất định. Nhiều sông, ngòi đổ nước về tạo ra lượng phù sa cực lớn giúp cho hệ sinh thái trong hồ rất phong phú, đa dạng.
Lung linh “vịnh Hạ Long trên núi” ảnh 1
Như có sự sắp xếp của tự nhiên, các đảo trong hồ có kích thước khá đều nhau và được phủ kín cây xanh. Màu xanh lá cây chính là màu chủ đạo trong hồ. Nước trong lòng hồ rất trong. Nếu nhìn từ trên cao, chúng ta có thể thấy mặt nước có màu xanh do phản chiếu sắc màu từ cây xuống. Tuy nhiên, nếu đi thuyền dạo quanh hồ vào những ngày trời trong xanh, chúng ta có cảm giác nước có màu xanh nước biển, do sự phản chiếu màu xanh da trời. Với lượng cây xanh khổng lồ, hồ Thác Bà góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường. Đặc biệt, hồ giúp cho nhiệt độ mùa hè giảm 1-2oC; tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700-2.000mm, tạo điều kiện cho thảm thực vật phát triển xanh tốt. Vì vậy, hồ Thác Bà được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh Yên Bái, đồng thời là niềm tự hào của người dân địa phương.
Để có thể phóng tầm mắt hết cỡ chiêm ngưỡng cảnh quan hồ Thác Bà, du khách có thể leo lên núi Cao Biền. Đây là dãy núi lớn và dài nhất trong hồ Thác Bà. Từ đây, vẻ đẹp lung linh huyền ảo mang một tông xanh rì sẽ hiện lên trước mắt. Hồ Thác Bà còn có một quần thể hang động đá vôi dày đặc như động Xuân Long, động Thủy Tiên, hang Bạch Xà, thác Ông - thác Bà... trong đó, nổi bật nhất là động Thủy Tiên và hang Cẩu Quây nằm sâu trong lòng núi đá khoảng 100m với vô số nhũ đá lấp lánh. Đặc biệt, hang Cẩu Quây còn được gọi là hang “chín sọt” nằm ở xã Xuân Long (huyện Yên Bình). Hang Cẩu Quây còn giữ được nét hoang sơ của tạo hóa, mang nhiều vẻ đẹp kỳ vĩ, bí ẩn và rất giống với động Thiên Cung ở Hạ Long (Quảng Ninh). Trải nghiệm hồ Thác Bà thích hợp nhất là bằng tàu thủy. 
Nhiều hệ thống di tích, lễ hội
Xung quanh khu vực hồ Thác Bà có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, tạo nên một vùng văn hóa đa dạng ở Yên Bái như dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Phù Lá, Cao Lan... Người dân ở đây sinh sống lâu đời và vẫn giữ được bản sắc văn hóa và lễ hội của riêng dân tộc mình. Trong đó, một số lễ hội rất hấp dẫn như Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian. Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Tày được tổ chức vào ngày 9 tháng 10 âm lịch khi tiết trời sang thu. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò cùng nhau giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. 
Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm Làng văn hóa Ngòi Tu, thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, nơi có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Dao quần trắng. Ở đây có sẵn các dịch vụ du lịch phụ vụ du khách như nhà sàn nằm giữa rừng cọ, trải nghiệm nghề đan rọ tôm truyền thống, thưởng thức ẩm thực người Dao và ngắm những thiếu nữ Dao má đỏ hây hây trong trang phục dân tộc rực rỡ. Ngoài ra, vào dịp cuối năm, huyện thường tổ chức lễ hội “Âm vang hồ Thác Bà” với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đua thuyền, chọi trâu, phiên chợ quê, hội trại học sinh…
Lung linh “vịnh Hạ Long trên núi” ảnh 2
Một địa điểm du khách không thể bỏ qua chính là Nhà máy thủy điện Thác Bà - công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam được hoàn thiện năm 1971. Thủy điện tuy không phải công trình phục vụ du lịch nhưng rất thu hút khách bởi đây là một công trình lịch sử, mang biểu tượng về khả năng chinh phục thiên nhiên, đào sông lấp bể của con người. Tiếp đó, du khách có thể tham quan đền Mẫu Thác Bà, một địa điểm tâm linh nổi tiếng. Với không gian yên bình, cổ kính, đền Mẫu Thác Bà được công nhận là di tích văn hóa lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004.
Ngoài du lịch, hồ Thác Bà còn là địa điểm cách mạng, bởi hồ là nơi làm việc của cơ quan đầu não tỉnh, nơi che giấu, bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, hồ Thác Bà lại gánh trọng trách làm nhiệm vụ thủy điện cung cấp cho miền Bắc phát triển kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Lung linh “vịnh Hạ Long trên núi” ảnh 3
Với tiềm năng du lịch lớn, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồ án nhằm mục tiêu phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ. Theo Đồ án, Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà là một cụm du lịch tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn như trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm du lịch sinh thái, trung tâm vui chơi giải trí.... Dự báo quy mô khách du lịch đến Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025 đạt 385.000 khách, năm 2030 đạt 1,5 triệu khách, năm 2040 đạt 4,5 triệu khách. Hứa hẹn, đây sẽ là một “thủ phủ” du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc bộ trong tương lai. 

Các tin khác