Phải kiên trì cho kích cầu lần 2

(ĐTTCO) - Sau 2 đợt dịch nhu cầu và xu hướng của khách du lịch nội địa đã thay đổi. Không khó để nhận ra sau 2 đợt dịch liên tiếp, nhiều người dân cảm thấy bức bối, muốn giải tỏa bằng những chuyến du lịch, song vẫn còn e ngại dịch bệnh dù dịch đang được kiểm soát tốt. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đó là chưa kể thời điểm này học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường, nên xu hướng và nhu cầu du lịch cũng sẽ có thay đổi. Du khách sẽ ưu tiên chọn những điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ và lượng khách đi trong thời điểm này cũng sẽ không đông như cao điểm hè.
Thông thường, để du khách đưa ra quyết định đi du lịch có 2 yếu tố tác động, là yếu tố bên trong (sức khỏe, thời gian, sắp xếp công việc, con cái, tài chính…) và yếu tố bên ngoài (dịch vụ, phương tiện, giá cả…). Trong đó, yếu tố 1 khá yếu, còn yếu tố 2 tuy rất hấp dẫn với các chương trình giảm giá nhưng chưa thực sự khiến du khách yên tâm, vì thời điểm trước đã có trường hợp giảm chất lượng, cắt dịch vụ để giảm giá. 
Phải kiên trì cho kích cầu lần 2 ảnh 1PHAN ĐÌNH HUÊ,
Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt
(Viet Circle)
Về phần các công ty lữ hành sự hào hứng tham gia đợt kích cầu lần thứ 2 này chắc chắn không thể như lần 1, nhất là với những công ty hăng hái đi đầu. Ở đợt kích cầu lần thứ nhất, khi các DN lữ hành dồn hết nguồn tài chính nhằm vực dậy mình và ngành, họ lại bị mắc kẹt vốn khi dịch quay lại. Theo đó, khách muốn hoàn tiền tour 100% nhưng tiền lại bị kẹt khi đặt cọc ở hàng không, lưu trú, dịch vụ vận chuyển, ăn uống… DN đã khó lại càng khó hơn. 
Một khảo sát gần đây của Sở Du lịch TPHCM, đã chỉ ra con số đáng buồn cho ngành du lịch: khoảng 95% DN lữ hành tại TPHCM phải dừng hoạt động, 5% còn lại phải làm thêm những mảng khác như tư vấn, đào tạo mới có thể duy trì. Tính cho đến nay hầu hết DN trong mảng lữ hành đều không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí ngay cả việc muốn vay lại tiền ký quỹ của chính mình DN, rồi sở cũng kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. 
Chính vì những thay đổi này, chiến dịch kích cầu du lịch lần 2 phải rất kiên trì mới có thể thuyết phục du khách quay lại. Các địa phương nếu có kích cầu tốt nhất nên nhắm vào khách nội vùng, không nên quá kỳ vọng khách từ nơi xa tới vì tâm lý sợ dịch vẫn đang hiện hữu. Đợt hai này việc tung ra các gói kích cầu giảm giá cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì sức khỏe DN đang suy giảm, lượng khách chưa nhiều, nếu tung những gói lớn rủi ro kèm theo rất lớn. 
Với kế hoạch mở cửa đón khách nước ngoài, trước tiên phải xác định hướng đến những quốc gia gần mình như Nhật Bản, Hàn Quốc… Và nên hướng khách đến những loại hình du lịch nghỉ dưỡng hoặc du lịch thể thao (chơi golf). Vì trong các khu nghỉ dưỡng không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, lại không quá đông người nên rủi ro dịch bệnh cũng ít hơn. Hiện nay chúng tôi đang tư vấn cho Tập đoàn Vabis đưa khách Hàn Quốc theo chuyến bay thuê bao vào chơi golf ở Hà Tĩnh và Nghệ An trong tháng 12 tới. Việc từng bước mở cửa đón du khách quốc tế còn giúp giải bài toán việc làm cho DN du lịch. Vì như tôi đã nói nếu để nhân viên, người lao động nghỉ quá lâu khi muốn họ quay trở lại làm việc không đơn giản. 
Trong việc hút khách du lịch quốc tế chúng ta đang có lợi thế lớn là thành tích chống dịch Covid -19 rất tốt. Vì lẽ đó, khi mở cửa thị trường khách quốc tế trong khả năng có thể, dù có xảy ra dịch bệnh vẫn có thể kiểm soát được. Đây chính là cơ sở quan trọng để bước sang năm sau khi dịch được kiểm soát ở nhiều quốc gia, khi có thể có vaccine và du khách trở lại với những hành trình khám phá, Việt Nam sẽ là một trong những đất nước được du khách ưu tiên. 

Các tin khác