Sau kỳ tích, nhiều ngổn ngang

(ĐTTCO) - Khép lại năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ khi đón được hơn 13 triệu lượt khách quốc tế. 
Song đằng sau thành tích đó vẫn còn rất nhiều tồn tại chưa được giải quyết. Đó là lý do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành du lịch, trình duyệt vào quý I-2018. 
Nhiều dấu ấn
Điểm sáng đầu tiên của ngành du lịch trong năm 2017 chính là kỳ tích tăng trưởng gần 3 triệu lượt khách quốc tế so với năm 2016. Theo thống kê, toàn ngành đã đón trên 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,1% so với năm 2016; khách du lịch nội địa đạt 73,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD.
Năm 2017 cũng là năm ngành du lịch Việt Nam nhận được những đánh giá, giải thưởng quan trọng như: Đánh giá của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về phát triển du lịch trong năm 2017. Tổng cục Du lịch được nhận giải thưởng thương hiệu xuất sắc thế giới, do tổ chức thương hiệu châu Á-Thái Bình Dương trao tặng… Điều này minh chứng thương hiệu du lịch Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới. 
Năm 2017 cũng là năm có những thay đổi trong chính sách của ngành du lịch, khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi sau 10 năm ban hành và triển khai để tạo điều kiện cho du lịch phát triển và hội nhập vào tháng 6. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 08. 
Cũng trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu trong thời hạn 1 năm. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác văn hóa thể thao và du lịch năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Những thành quả ngành du lịch đạt được hôm nay là nhờ sự nỗ lực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong nhiều năm qua, trong đó phải kể đến các chính sách về visa, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, về môi trường… Do đó, trong năm tới ngành du lịch cần nỗ lực hơn nữa và cần có sự chung tay của các cấp, các ngành”. 
Sau kỳ tích, nhiều ngổn ngang ảnh 1 Khách du lịch quốc tế gia tăng, nhưng đang có dấu hiệu mất cân đối. Ảnh: L.THANH 
Lời giải cho từng điểm nghẽn
Tuy có nhiều dấu ấn trong năm qua, song thực tế ngành du lịch Việt Nam vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề như thiếu sản phẩm có chất lượng, yếu và thiếu về nhân lực cho ngành, chưa biết cách khai thác để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn, chưa có những thương hiệu du lịch mạnh… Vì thế câu chuyện tái cơ cấu ngành lại được đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết. 
Một trong những băn khoăn đầu tiên những người tâm huyết với ngành du lịch hay bàn tới chính là khách đến nhiều nhưng chi tiêu chẳng bao nhiêu. Theo kế hoạch năm 2018, Việt Nam sẽ thu hút khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Song nhìn lại những đề án phát triển ngành lại không thấy có chiến lược nào để kích thích khách chi tiêu nhiều hơn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, khách đến Việt Nam chủ yếu chi tiêu cho các nhu cầu đi lại, ăn, ở (chiếm khoảng 60% tổng chi tiêu) chứ chưa có chỗ vui chơi, mua sắm để tiêu tiền. 
PSG.TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đánh giá: “Vẫn chưa có một trung tâm mua sắm dành riêng cho khách quốc tế tại các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, mà ở đó những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Thiếu trung tâm mua sắm, thiếu cả những tuần lễ giảm giá lớn để thu hút du khách, nên dù muốn chúng ta cũng khó có thể quảng bá Việt Nam là điểm đến cho các tour mua sắm kích cầu. Khách quốc tế đến mua đã ít, du khách trong nước còn canh ra nước ngoài săn hàng giảm giá”.
Giám đốc một DN lữ hành trong lần chia sẻ với ĐTTC đã nhấn mạnh đến vai trò của những tổ hợp vui chơi giải trí dành cho du khách, nhất là sau 12 giờ đêm ở nhiều TP du lịch lớn của Việt Nam còn thiếu nghiêm trọng. “Nếu khách chỉ đến ngắm cảnh, chụp hình, ăn uống rồi về nghỉ làm sao móc hầu bao được của họ. Mình cứ nhìn sang các nước láng giềng mà học tập, chưa thể làm hay hơn hãy cứ làm giống như họ là được” - vị này bày tỏ. 
Một điểm nghẽn khác nữa của ngành du lịch là các chính sách chưa có tác động mạnh mẽ. Ngay như thời điểm Luật Du lịch sửa đổi được thông qua, tưởng như sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch phát triển và hội nhập, nhưng theo đánh giá của nhiều DN du lịch “luật chưa ra đã lạc hậu”. Như chính sách miễn visa du lịch, Việt Nam mới bỏ visa cho 22 nước và 5 nước phát triển chỉ gia hạn hàng năm, con số này quá khiêm tốn. Rồi chuyện quảng bá du lịch Việt Nam làm được gì khi chi phí quá ít và hình thức quảng bá lại chưa mang về hiệu quả. 
Nhìn vào tỷ trọng khách trong năm 2017 có thể thấy, lượng khách châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đang chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế. Điều này làm dấy lên lo ngại việc mất cân đối lượng khách, có thể xảy đến tình trạng ngành du lịch bị thiệt hại khi nguồn khách này có biến động, và thực tế này đã từng xảy ra khi lượng khách Nga sụt giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển du lịch tại một số điểm đến như Mũi Né, Phan Thiết. Câu chuyện nhân lực cho ngành còn thiếu và yếu cũng là vấn đề nói đến trong suốt nhiều năm qua. Đơn cử như quy định siết quản lý hướng dẫn viên du lịch theo Luật Du lịch sửa đổi cũng gây nhiều tranh cãi.
Trước muôn vàn vấn đề ngổn ngang của ngành du lịch, yêu cầu bức thiết chính là phải tái cơ cấu lại ngành. Nhưng làm như thế nào, giải quyết tận gốc từng vấn đề ra sao mới chính là cái cần quan tâm chứ không phải đặt chỉ tiêu, hô hào khẩu hiệu chung chung rồi mọi thứ đâu vẫn vào đó. 
 Đề án tái cơ cấu ngành du lịch nhất thiết phải nêu được một số điểm nóng, vấn đề nóng và có lộ trình tập trung giải quyết dứt điểm, trong đó tập trung tái cơ cấu DN, nguồn nhân lực gắn với hệ thống đào tạo, hệ thống quản lý nhà nước, thị trường du lịch. Ngoài ra, đề án nên định hướng hình thành những sản phẩm du lịch quốc gia gắn với khu du lịch trọng điểm, từ đó có kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản ngay từ đầu.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Các tin khác