Trắng trời thung lũng cò

(ĐTTCO) - Từ hàng trăm năm trước, Thung Nham đã là nơi làm tổ của hàng ngàn con cò, vạc, diệc… người dân nơi đây luôn trân trọng và bảo vệ đàn chim, cò và môi trường sinh thái. Sau khi được nâng lên thành Khu du lịch sinh thái Thung Nham, là một trong những tuyến điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An, cảnh quan hùng vĩ nơi đây với đàn cò trắng chập chờn đang là điểm nhấn thu hút du lịch của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Trắng trời thung lũng cò ảnh 1
Từ hàng trăm năm trước, Thung Nham đã là nơi làm tổ của hàng ngàn con cò, vạc, diệc… người dân nơi đây luôn trân trọng và bảo vệ đàn chim, cò và môi trường sinh thái. Sau khi được nâng lên thành Khu du lịch sinh thái Thung Nham, là một trong những tuyến điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An, cảnh quan hùng vĩ nơi đây với đàn cò trắng chập chờn đang là điểm nhấn thu hút du lịch của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Thiên nhiên ưu ái
Thung Nham là nơi có nhiều dãy núi đá vôi, giữa các dãy núi là các dòng nước luồn lạch. Khác với Tam Cốc người dân thường hay tận dụng trồng lúa, ở Thung Nham người dân không trồng. Đan xen với các dãy núi có những thung lũng nhỏ, nhiều bụi tre, nứa vì vậy mà chim chóc về đây làm tổ rất nhiều. Ngoài cò là loài chủ đạo còn có vạc, diệc, le te… một số loài chim quý khác như hồng hạc, phượng hoàng cũng sinh sống tại núi rừng Thung Nham.
Theo một người dân sống gần đó, các dãy núi đá vôi ở Thung Nham xếp thành các dãy, cao thấp đan xen nhau, vì vậy tránh được các cơn bão, gió to nên các loài chim có thể làm tổ được mà không bị gió đánh bật. Các tổ chim được làm khắp nơi từ ngọn cây đến gốc, các hang đá đến tận đỉnh núi. Ngoài ra, nguồn thức ăn tự nhiên ở đây và khu vực lân cận khá phong phú như tôm tép, cá, một số loại ngũ cốc tạo điều kiện thuận lợi cho đàn cò phát triển qua hàng trăm năm qua.
Tổng diện tích Thung Nham vào khoảng 334ha, gồm nhiều núi đá vôi, hang động nước và hang động cạn, trong đó có 19ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Thung Nham có khoảng 46 loài chim sinh sống, 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.
Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra Quy hoạch Rừng (FIPI) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình trong các năm 1999-2000, tổng số có 577 loài thực vật bậc cao có mặt đã được ghi nhận. Có 10 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam đã ghi nhận trong thời gian điều tra trong đó có Tuế đá vôi. Đặc biệt ở đây là cò. Ước tính đàn cò ở Thung Nham khoảng hơn 4 vạn con với khoảng 5.000 tổ. Mỗi buổi sáng, khoảng từ 5-6 giờ, du khách có thể thấy hàng ngàn con cò sải cánh dài bay đi kiếm mồi, chỉ có những con cò con ở lại tổ, đến buổi chiều, khi hoàng hôn quải bóng lại những con cò ấy bay về tổ ấm với rất nhiều thức ăn. 

Điểm du lịch hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, một thợ chèo thuyền ở Thung Nham, từ trước đến nay, người dân địa phương luôn ý thức được việc bảo vệ đàn cò, đất lành chim mới đậu, nên không có hoạt động săn bắt hoặc chặt cây ở khu chim cò sinh sống. Vậy nên, chim, cò và con người rất thân thiện và gần gũi với nhau, cho dù thuyền đi sát chúng cũng không bay. Du khách đến tham quan có thể thỏa thích chụp ảnh, quay phim cận cảnh mà không quá khó khăn.
Để đi tới Thung Nham có thể đi bằng 2 cách. Nếu đi bộ cần theo các chân núi, việc này sẽ tốn nhiều thời gian và yêu cầu du khách cần có sức khỏe. Cách thứ hai đi bằng thuyền, đây là dịch vụ đang được ưa chuộng để phục vụ du khách. Đi bằng thuyền sẽ không tạo sự rung động từ các bụi cây, đàn cò sẽ không sợ và bay đi.
Thung Nham còn là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa và lịch sử, như cây đa di chuyển có niên đại gần 1.000 năm, đã di chuyển 3 lần quanh ngôi đền cổ và được các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đánh giá mỗi bước di chuyển kéo dài hơn 300 năm. Hay đền Gối Đại - nơi thờ tự Thắng Đại vương, một vị tướng tài, trung quân ái quốc thời vua Đinh Tiên Hoàng thế kỷ thứ X. Ngoài ra, còn có động Ba Cô gắn với truyền thuyết xưa khi 3 chị em đi tìm thuốc giải cho vua Đinh Tiên Hoàng.
Thung Nham còn có những hang động rất đẹp như động Vái Giời, ở độ cao 439 bậc đá để lên tới cửa động, với 3 tầng động ẩn chứa rất nhiều măng nhũ đá lung linh huyền ảo. Động Tiên Cá, dài hơn 1.500m có hệ thống nhũ đá muôn hình vạn trạng. Trải qua hàng triệu năm thiên nhiên kiến tạo, nơi đây còn lưu truyền lại một câu chuyện về một nàng Tiên Cá hóa đá. Nhũ đá trong lòng động như những bức tranh nghệ thuật tinh xảo của tạo hóa.
Du lịch Thung Nham, du khách được hòa mình vào với thiên nhiên, được trở về ký ức từ những miền quê thanh bình, êm ả. Du khách được tận hưởng phong cảnh từ các dãy nhà  sàn ẩn mình dưới những tán rừng xanh với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thưởng thức những món ăn ẩm thực dân dã đồng quê độc đáo.
Các món ăn được chế biến từ chính “chiến lợi phẩm” thu hái tự nhiên ở Thung Nham như lợn cắp nách, gà đồi, măng vầu, rau rừng hay các đặc sản khác như mắm tép Hải Nham, rượu nếp Khê trong…. Khi màn đêm buông xuống, trăng tĩnh mịch soi rọi dưới bóng hồ nên cảm giác sáng hơn hẳn nơi khác, nhiệt độ về đêm ở Thung Nham cũng thường thấp hơn bên ngoài khoảng 2oC, vì vậy du khách cần chú ý mặc ấm. 

Các tin khác