Định hướng mới thu hút FDI

(ĐTTCO) - Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, GS.TSKH NGUYỄN MẠI (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE), cho rằng để duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư, Việt Nam cần thay đổi các chính sách khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình, trên cơ sở đó hình thành các định hướng mới về thu hút đầu tư FDI.

PHÓNG VIÊN: - Là người gắn bó lâu năm với hoạt động thu hút đầu tư FDI, ông đánh giá thế nào về chính sách thu hút đầu tư FDI 30 năm qua?

Mô tả ảnh
GS.TSKH NGUYỄN MẠI: - 30 năm qua đã có bước tiến bộ rất lớn trong xây dựng chính sách về đầu tư FDI. Bắt đầu từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được xây dựng trong 6 tháng. Chủ trương khi đó là lựa chọn 18 lĩnh vực tốt nhất, thích hợp với Việt Nam để thu hút FDI. Đây là luật thông thoáng nhất, chấp nhận DN đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Đến các năm 1990, 1992 tiếp tục có sửa đổi luật để giúp huy động nguồn lực kiều bào, cũng như những ưu đãi người Việt định cư ở nước ngoài về nước đầu tư. Nhưng năm 1996, khi Việt Nam đã tương đối thành công trong thu hút đầu tư FDI, việc sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài đã làm môi trường đầu tư trở nên phức tạp hơn.
Kết quả Việt Nam không đón được làn sóng đầu tư mạnh mẽ sau khi sửa luật. Giai đoạn này mỗi năm Việt Nam chỉ thu hút được 2,4-2,5 tỷ USD đầu tư FDI. Đây là bài học đắt giá về sửa đổi luật. Và phải đến năm 2005 dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam mới hồi phục.
Tuy nhiên, trong quá trình thay đổi chính sách và luật pháp 30 năm qua đã nảy sinh nhiều khiếm khuyết, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư FDI. Sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch trong chính sách gây tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư, khiến họ khó dự đoán khi quyết định phương hướng đầu tư kinh doanh. Thí dụ, chủ trương cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ vào cuối những năm 90 đã làm phá sản hàng chục DN FDI.
Hiện có nhiều vấn đề đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm, như tính ổn định của pháp luật, điển hình là luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh khiến nhiều DN FDI không kịp trở tay. Thủ tục thông quan hàng hóa tuy đã được cải thiện nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN 4. Hay việc thuê lao động nước ngoài có kỹ năng phải đóng bảo hiểm xã hội từ đầu năm 2018, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn.
- Theo ông chính sách về thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới cần thay đổi thế nào để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, và tăng tính lan tỏa của dòng vốn FDI?
- Chính sách mới về thu hút đầu tư FDI cần dựa trên 4 định hướng. Thứ nhất, tiếp tục coi trọng ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương kém phát triển. Ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Thứ 2, bên cạnh việc thu hút các DN FDI quy mô vừa và nhỏ, cần coi trọng hơn dòng vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới, có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việc Samsung, tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng với giá trị xuất khẩu dự kiến năm nay đạt 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước, là thành công cần ghi nhận.
Thứ 3, điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương. Đối với các TP đã phát triển như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng lớn để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, hoặc trong vùng lãnh thổ. Đối với các trung tâm này, kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Với các địa phương kém phát triển hơn có thể lựa chọn dự án FDI thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da giày nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường.
Thứ 4, xây dựng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm khu vực FDI chưa tác động lan tỏa đến khu vực DN trong nước những năm qua. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN trong nước có điều kiện tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao tiềm lực, quy mô DN trong nước.
- Vậy cần có những giải pháp gì để cụ thể hóa các định hướng trong thu hút đầu tư FDI những năm tới, thưa ông?
-  Từ năm 1987 đến nay Việt Nam đã thu hút được hàng ngàn DN FDI từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư kinh doanh, với tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 165 tỷ USD. Năm 2017, khu vực DN FDI đóng góp khoảng 19% thu ngân sách nội địa, 19% GDP, 55% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Vì thế, trong thời gian tới, giải pháp thu hút dòng vốn FDI là thực hiện đồng bộ chính phủ điện tử trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, DN. Những mô hình thí điểm đã có hiệu quả như trung tâm hành chính công, trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cần được nhân rộng tại các địa phương.
Bên cạnh đó, có 2 nút thắt cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước, đội ngũ công chức, viên chức còn cồng kềnh, kém hiệu năng. 2 nút thắt này đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập. Các lực cản này cần được giải quyết để các định hướng chính sách mới về thu hút đầu tư FDI hiệu quả hơn.  
- Xin cảm ơn ông.
 Điều quan trọng nhất khi thay đổi chính sách, pháp luật cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư FDI chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời với thời gian đủ dài trước khi có hiệu lực thi hành, giúp DN FDI tiếp cận đầy đủ thông tin, chuẩn bị điều kiện thi hành.

Các tin khác