Châu Á bội thực du khách Trung Quốc: Tiêu nhiều, phá không ít

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, làn sóng du khách Trung Quốc đã quét qua hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương. Không thể phủ nhận làn sóng này đã mang lại nhiều lợi ích cho một số bộ phận/dịch vụ ở nền kinh tế nước chủ nhà. Thế nhưng, những hệ lụy đi kèm từ du khách Trung Quốc không hề nhỏ.

Nhiều người trên thế giới có ấn tượng xấu về khách du lịch Trung Quốc, do cách họ cư xử khi đến thăm nước ngoài. Họ là những người nổi tiếng ồn ào và tàn phá môi trường. Nơi nào họ xuất hiện sẽ đi kèm với xả rác bừa bãi, trong khi các du khách từ phương Tây sẽ “tự rút lui” vì không chịu nổi sự xô bồ.
Thiếu lịch sự tối thiểu
Một thập kỷ trước, Quần đảo Đá (Rock Islands) của Palau là nơi trú ẩn cho những du khách đang tìm kiếm sự tĩnh mịch. Họ thường tìm sự liên kết với thiên nhiên trong các đầm phá và các điểm lặn đầy cá quý hiếm. Nhưng sau đó, hàng trăm ngàn du khách đổ đến, phá tan không gian tĩnh lặng đó. Trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia khác cũng đang bị lâm vào một tình huống tương tự.
Ngay cả những người gốc Trung Quốc ở Đông Nam Á, Hồng Công và Đài Loan cũng không thể chịu đựng được những hành vi như vậy. Thí dụ ở Hồng Công, có những trường hợp mà các bà mẹ Trung Quốc cho phép con của họ đi tiểu ngay nơi công cộng khiến nhiều cư dân Hồng Công đỏ mặt. Khi bị người Hồng Công nhắc nhở, người mẹ này đã tát vào mặt một người và đâm người khác bằng xe đẩy. Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Đài Loan, một người mẹ Trung Quốc đã cho phép con mình đi vệ sinh ngay trên sàn sân bay Cao Hùng ở Đài Loan, chỉ cách nhà vệ sinh vài mét.
Châu Á bội thực du khách Trung Quốc: Tiêu nhiều, phá không ít ảnh 1 Các quan chức Bali than thở lượng rác ngày càng tăng trên các bãi biển của hòn đảo,
mà chủ yếu do du khách Trung Quốc để lại.
Khách du lịch Trung Quốc bơm tiền mặt rất lớn vào các nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, con số quá đông đảo của họ làm tăng mối quan tâm về môi trường, và đôi khi khuấy động sự thù địch trong các cư dân địa phương. Trường hợp của Palau, dòng chảy của du khách Trung Quốc đạt đỉnh điểm vào năm 2015, với 88.476 lượt du khách đặt chân lên một đảo quốc xa xôi với dân số chỉ 21.500 người. Dòng chảy làm dấy lên lo ngại về suy thoái môi trường và khiến chính phủ phải giảm một nửa số chuyến bay từ Macau và Hồng Công, chiếm phần lớn lượng khách đến. 

Sức mạnh kim tiền
Quyền lực chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc là một vũ khí mạnh. Dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp quốc cho thấy họ đã chi 258 tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2017, chiếm 1/5 hóa đơn du lịch quốc tế. Tổng cộng có 130,5 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài, gấp 3 lần so với một thập kỷ trước đó.  Các điểm đến chính bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Hầu hết các thị trường này phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch Trung Quốc.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 3, Trung Quốc đã sáp nhập Bộ Văn hóa và Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc thành Bộ Văn hóa và Du lịch. Bộ mới này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của du lịch đối với chính phủ. Bởi theo ông Wolfgang Georg Arlt, người sáng lập và giám đốc Viện nghiên cứu du lịch Trung Quốc, cho biết tầm quan trọng của du lịch như một công cụ quyền lực mềm và là cơ hội để tăng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc.
 Một số người dân địa phương cảm thấy khó chịu với cách cư xử của khách du lịch Trung Quốc. "Không biết rác trên đảo tăng lên vì người Trung Quốc, nhưng có một điều chắc chắn: Bất cứ nơi nào họ đi, có rác trên mặt đất.
Một quan chức cấp cao của
cơ quan du lịch Bali
Bất cứ nơi nào khách du lịch Trung Quốc đến châu Á, họ đều làm thay đổi văn hóa địa phương. "Đôi khi tôi cảm thấy như đang đi trong một thành phố ở Trung Quốc, vì có rất nhiều biển hiệu và biển quảng cáo được viết bằng tiếng Trung Quốc, và nhiều cửa hàng chỉ phục vụ người Trung Quốc" - ông Bùi Trung, sống ở thành phố Hạ Long của Việt Nam nói. Thành phố này nằm trên vịnh Hạ Long, một di sản thế giới được biết đến với những hòn đảo đá vôi, rừng mưa và vùng nước ngọc lục bảo. Tỉnh Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long, giáp với Trung Quốc và tiếp nhận trung bình 10.000 du khách Trung Quốc mỗi ngày. Trên 600 tàu thuyền được cấp phép tham quan vịnh, 70% hành khách trong 3 tháng đầu năm 2017 là người Trung Quốc - theo Cơ quan Cảng thủy nội địa Quảng Ninh.
Tại Indonesia, khách du lịch Trung Quốc chiếm 14% trong số 14 triệu du khách của đất nước năm ngoái. Hơn 2/3 trong số đó đã đến Bali. “Tôi nghĩ rằng sẽ không thể nói về đầu tư và chiến lược kinh tế và du lịch mà không có Trung Quốc” - ông Tom Lembong, Chủ tịch Ban điều phối đầu tư của Indonesia, nói. Hầu hết các nhà hàng ở Bali hiện cung cấp thực đơn bằng tiếng Trung Quốc. Những nhà hàng Trung Quốc thực sự đang mọc lên trên đảo, thường có bãi đỗ xe lớn để chứa xe buýt du lịch. Và việc tìm nhân viên cửa hàng nói tiếng Trung ngày càng phổ biến.

Quyền lực mềm
ở Palau, một số khu nghỉ mát đã quyết định đóng cửa với người Trung Quốc, vì cho rằng mối đe dọa đối với môi trường vượt quá lợi ích kinh tế. Tại Thái Lan, cơ quan du lịch tỉnh Krabi đã đóng cửa vịnh Maya trong 4 tháng bắt đầu từ tháng 6, để cho phép hệ sinh thái bị hư hại của khu vực phục hồi. Khách du lịch hàng ngày đến vịnh Maya - nơi nổi tiếng bởi bộ phim "The Beach" của Leonardo DiCaprio, đã tăng lên gần 5.000, chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc. Có những ý kiến cho rằng cần giới hạn chỉ cho 2.000 khách đến vịnh mỗi ngày. Thái Lan đón 9,8 triệu du khách đến từ Trung Quốc năm ngoái, trong tổng số 35,38 triệu người. 
Đảo Boracay của Philippines vừa mới đóng cửa trong 6 tháng để phục hồi môi trường. Tổng thống Rodrigo Duterte đã mô tả vùng biển ở đó như một "cái bể phốt", cáo buộc một số doanh nghiệp xả nước thải thô ra biển. Ông cũng đã ngừng việc xây dựng một khu nghỉ mát tích hợp trị giá 500 triệu USD trên một khu đất rộng 23ha của Tập đoàn Macau Galaxy Entertainment Group và đối tác Philippines, Leisure and Resorts World. Trong năm 2017, du khách Trung Quốc đến đảo đã tăng 37% lên 375.284 người, lần đầu tiên chiếm ngôi đầu của du khách Hàn Quốc. 
Nhưng hệ sinh thái không phải là lo lắng duy nhất. Một số chính phủ các nước cảnh giác rằng Trung Quốc đang sử dụng quyền lực mềm một cách không mềm mại, mà Hàn Quốc đã học được bài học này trực tiếp. Đó là quan hệ Seoul-Bắc Kinh đã suy yếu trong tháng 3-2017 về quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. Để trả đũa, Bắc Kinh báo cáo với các cơ quan du lịch không nên bán tour du lịch nhóm cho Hàn Quốc. Và tổng khách du lịch đến Hàn Quốc giảm 22,7% trong năm 2017, xuống còn 13,3 triệu lượt. Số lượt khách từ Trung Quốc, những người chiếm gần 1/3 tổng số du khách, giảm 48%, giáng một đòn nặng cho ngành khách sạn. 
 Tất cả điều này khiến các chính phủ châu Á phải suy nghĩ lại các chiến lược du lịch của họ và nuôi dưỡng các thị trường thay thế. Chẳng hạn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang thúc đẩy một "chính sách mới ở miền Nam" tập trung vào việc thu hút du khách từ Đông Nam Á, trong khi cải thiện hợp tác kinh tế và chính trị với khu vực. 
(Còn tiếp)

Các tin khác