Di cư - Vũ khí khó chống đỡ

(ĐTTCO) - Trong lịch sử, các làn sóng di cư ồ ạt nhiều lần được chính phủ các nước sử dụng như thứ vũ khí lợi hại để tấn công các quốc gia thù địch. Ngày nay, vũ khí này vẫn tiếp tục được sử dụng, đặc biệt đối với các nước phương Tây.
Quân đội Ba Lan ngăn chặn người nhập cư tại biên giới với Belarus vào tháng 9-2021.
Quân đội Ba Lan ngăn chặn người nhập cư tại biên giới với Belarus vào tháng 9-2021.
Những làn sóng có chủ ý
Kelly Greenhill, một học giả Mỹ và là tác giả của cuốn sách “Vũ khí di cư hàng loạt”, đã ghi lại ít nhất 76 trường hợp dùng di dân làm vũ khí kể từ những năm 1950, và thừa nhận còn nhiều nữa, với cuộc di cư có quy mô rộng lớn.
Chẳng hạn, cuộc đàn áp của quân đội Pakistan vào năm 1971 đã đưa 10 triệu người tị nạn Bengali vào Ấn Độ, nhằm gây áp lực buộc New Delhi ngừng hỗ trợ phong trào nổi dậy Bengali.
Một số người cũng nói rõ về động cơ của họ phía sau các làn sóng di cư. Nhà lãnh đạo Libya Muammer Gaddafi vào năm 2010 đã yêu cầu 5 tỷ EUR mỗi năm để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ châu Phi. “Ngày mai châu Âu có thể không còn là châu Âu, thậm chí là lục địa đen, vì có hàng triệu người muốn đến” - ông nói. 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhiều lần đe dọa sẽ tràn ngập Liên minh châu Âu (EU) bằng làn sóng 4 triệu người tị nạn đang sống ở đất nước của ông. Năm ngoái, các quan chức Ankara đã đưa hàng ngàn người trong số đó tới biên giới đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, dẫn đến các cuộc đụng độ căng thẳng với lực lượng biên phòng Hy Lạp.
Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ đã hết khả năng và EU đã không làm đúng trách nhiệm của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với EU vào năm 2016 để ngăn chặn dòng người tị nạn Syria đến châu Âu để đổi lấy 6 tỷ EUR viện trợ và lời hứa cho đến nay phần lớn vẫn chưa được thực hiện của EU, là sẽ tiếp nhận nhiều người xin tị nạn hơn.
Các nước khác đã sử dụng các kỹ thuật đe dọa tương tự với các mục tiêu hẹp hơn. Vào tháng 5-2021, các nhà chức trách Maroc đã khuyến khích hàng ngàn người di cư, trong đó có nhiều công dân của họ, bơi qua vùng biển phân tách biên giới và đi vào lãnh thổ Bắc Phi của Tây Ban Nha, Ceuta.
Một số bị lừa khi nghĩ rằng cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo đang chơi ở đó. Động thái này là hành động trả đũa, bởi Rabat rất tức giận vì Madrid đã cho phép Brahim Ghali được điều trị y tế khẩn cấp. Ghali là nhà lãnh đạo của phong trào đòi độc lập cho Tây Sahara, nơi Maroc tuyên bố chủ quyền.
Trong nhiều tháng, Rabat đã thúc đẩy Madrid công nhận yêu sách chủ quyền của Maroc. Madrid từ chối sức ép của Maroc, dù Thủ tướng Pedro Sánchez sau đó đã thay thế Bộ trưởng Ngoại giao của mình.
Khoảng 13km ngắn ngủi của eo biển Gibraltar giữa châu Phi và Tây Ban Nha đang khiến châu Âu dễ bị tổn thương trước vũ khí di cư. Vị trí địa lý này làm châu Âu phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn ở Iraq, Afghanistan và Libya, cũng như mâu thuẫn giữa chênh lệch giàu nghèo.

Điểm yếu của châu Âu
Địa lý chỉ là một lý do giải thích cho sự nhạy cảm của EU. Mark Leonard, Giám đốc Ủy ban châu Âu (EC) về Quan hệ đối ngoại và là tác giả cuốn “Kỷ nguyên phi hòa bình”, cho biết các đối thủ đang sử dụng nền tảng chính trị của chính EU để chống lại nó.
EU được xây dựng dựa trên chủ nghĩa đa phương, thị trường tự do và mở, sau đó liên minh đã cố gắng mở rộng mô hình ra phần còn lại của thế giới, thông qua các thể chế và hiệp định thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, những người tìm cách xóa bỏ di cư hiểu rằng, EU vẫn đang phải vật lộn với những tác động gây mất ổn định của cuộc khủng hoảng 2015-2016, khi khoảng 1,5 triệu người xin tị nạn đổ vào lục địa già này.
Quyết định chào đón những người tị nạn Syria đến Đức của cựu Thủ tướng Angela Merkel được nhiều người ghi nhớ như một nghĩa cử nhân đạo cao cả. Nhưng các nhà lãnh đạo khác đã rất kinh hoàng trước  quyết định đơn phương gây chia rẽ giữa các nước thành viên EU, làm trầm trọng thêm căng thẳng Đông - Tây, thúc đẩy các lực lượng Eurosceptic (những người theo chủ nghĩa hoài nghi EU).
Chính điều này đã tạo lợi thế cho phong trào Brexit ở Anh. Nó cũng tạo ra cuộc nội chiến bên trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo cầm quyền của bà Merkel mà “di chứng” vẫn còn tới tận ngày nay.
Điều này đã khiến người dân châu Âu chia rẽ sâu sắc về mức độ người nhập cư có thể chấp nhận được mà không làm tổn hại đến sự gắn kết xã hội hoặc bản sắc dân tộc. Một di sản của cuộc khủng hoảng 2015-2016 là EU không thể hoàn thành nội dung quan trọng còn thiếu trong “hiệp ước” di cư giả định: Một kế hoạch tái định cư cho phép các quốc gia thành viên phân bổ những người xin tị nạn và/hoặc gánh nặng tài chính ra khắp EU. 
Tương tự, việc không có những thảo luận cấp cao hơn về việc hòa nhập người tị nạn và sử dụng họ để giải quyết tình trạng thiếu hụt thị trường lao động ở lục địa già.
Trong khi đó, Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch EC, cho biết cách tốt nhất để giải quyết việc châu Âu phải chịu trận trước các cuộc tấn công bằng vũ khí di cư là tiến tới thống nhất về hiệp ước di cư.
Ông nói thêm rằng EU cần tạo ra các biện pháp được kết nối tốt hơn, bao gồm việc di dời những người xin tị nạn, hỗ trợ tài chính và sử dụng lực lượng biên phòng của mình. 
Chính những điểm yếu của châu Âu hiện nay đã trở thành mục tiêu tấn công của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Nhà lãnh đạo này bị cáo buộc đã cố tình đơn giản hóa việc nhập cảnh những người di cư Trung Đông vào Belarus, sau đó hướng họ tới biên giới với Ba Lan, để trả đũa việc EU trừng phạt chính quyền Lukashenko vì đàn áp người biểu tình và đối thủ chính trị.
Tại EU, các nước kiểm soát biên giới bên ngoài nhưng đi lại bên trong khối hầu hết được tự do, không có hệ thống quản lý dòng người nội khối, cũng như không có cơ chế chia sẻ trách nhiệm đối với những người xin tị nạn. 
Vì vậy, khi nhập cư được vào một nước EU, người di cư có thể đi tới hầu hết nước khác. Natalie Tocci, Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế ở Rome và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, cho biết: “Belarus đã chọn một thứ họ xác định là điểm yếu nhất của chúng tôi. Và họ hoàn toàn đúng". 
 Làn sóng người tỵ nạn - được ví như “vũ khí di cư - đang gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên EU.

Các tin khác