Làn sóng Covid mới càn quét châu Á

(ĐTTCO) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Ấn Độ đã chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu và 1/4 số ca tử vong, tính đến đầu tháng 5. Nhưng các ca bệnh cũng gia tăng ở các nước xung quanh, từ Nepal ở phía Bắc đến Sri Lanka và Maldives ở phía Nam. Và không chỉ các nước láng giềng của Ấn Độ, xa hơn ở Đông Nam Á, các ca nhiễm cũng đang tăng vọt.

Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Ấn Độ.
Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Ấn Độ.
Láng giềng khốn đốn
Sri Lanka đã trải qua đợt tăng đột biến về số ca nhiễm coronavirus kể từ giữa tháng 4, với các ca nhiễm nhanh chóng vượt đỉnh của đợt hồi tháng 2. Ngày 7-5, quốc đảo Nam Á báo cáo 1.895 ca mới, gấp 5 lần số ca nhiễm hàng ngày hồi đầu tháng 4. Theo Bộ trưởng Y tế Pavithra Wanniarachchi, dịch bệnh gia tăng do các cuộc tụ tập lớn vào lễ Năm mới của Sri Lanka ngày 13 và 14-4, khi người dân đổ ra đường để ăn mừng và mua sắm. Trước khi diễn ra sự kiện này, nhà chức trách tin tưởng Covid-19 đã được kiểm soát nên khuyến khích công chúng tham dự nhưng phải tuân thủ các hướng dẫn về y tế. Tuy nhiên, các ca nhiễm bắt đầu tăng đột biến ngay sau đó. 
Ngày 27-4, cả nước có 1.111 ca nhiễm mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000. Nhà chức trách vội vã phong tỏa hơn 100 khu vực trên khắp đất nước. Nhưng các hạn chế đã không thể kiềm chế các ca nhiễm. Theo TS. Chandima Jeewandara tại Đại học Sri Jayawardenapura,, biến thể coronavirus Ấn Độ, B.1.617, đã được phát hiện ở Sri Lanka, cùng biến chủng Anh B.1.1.7, đều là những biến chủng rất dễ lây lan. Tổng thống Rajapaksa nhấn mạnh phải đẩy nhanh việc tiêm chủng. Nhưng Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine. Cho đến nay, chỉ 1 triệu liều vaccine đã được sử dụng tại quốc gia 21 triệu người này, tức chỉ 5% dân số.
Trong khi đó, Maldives đã báo cáo 1.572 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 12-5. Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, quần đảo Ấn Độ Dương đã mở rộng biên giới cho du khách quốc tế vào tháng 7 năm ngoái, sau 3 tháng bế quan tỏa cảng. Khi các nước láng giềng khác của Ấn Độ hiện gấp rút niêm phong biên giới và áp đặt lệnh cấm du lịch, các khu nghỉ dưỡng ở Maldives vẫn rộng cửa chào đón khách du lịch. Tháng trước, các quan chức Maldives công bố kế hoạch tiêm phòng cho khách du lịch, nhằm thu hút nhiều du khách hơn. Trong khi đó, cho đến nay đất nước có 530.000 dân chỉ 21% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Đầu tháng này, Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế Maldives cảnh báo số ca nhập viện do Covid-19 đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vài ngày. Vùng Greater Malé đã bị giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng, người dân chỉ có thể ra ngoài khi có việc thiết yếu và dịch vụ giao hàng phải có giấy phép của cảnh sát.
Ở Nepal, tình hình ngày càng giống cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ, với số ca nhiễm tăng vọt, các bệnh viện quá tải và chính phủ phải cầu cứu cộng đồng quốc tế. Quốc gia này hiện có tỷ lệ nhiễm 20 ca/100.000 người, tương đương tỷ lệ Ấn Độ 2 tuần trước. Cuối tuần trước, 44% các xét nghiệm Covid ở Nepal cho kết quả dương tính. Các sự kiện công cộng lớn, bao gồm lễ hội, họp mặt chính trị và đám cưới, cùng với sự chủ quan của người dân và phản ứng chậm chạp của chính phủ, là những nguyên nhân cho đợt bùng phát hiện nay. TS. Samir Adhikari, phát ngôn viên của Bộ Y tế và Dân số Nepal, cho biết: “Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn, vượt quá tầm kiểm soát”.

Đông Nam Á lâm nguy
Thái Lan đang phải vật lộn để kiềm chế đợt lây nhiễm thứ 3 đã đẩy số người chết hàng ngày và tỷ lệ tử vong lên mức chưa từng có. Thái Lan báo cáo 28.863 ca nhiễm vào ngày 31-3, nhưng chỉ 5 tuần, con số đó đã tăng hơn gấp đôi, vượt qua 76.000. Hiện nước này đang ghi nhận mức tăng gần 5.000 ca/ngày. Ngày 5-4, Bangkok thông báo đóng cửa 196 địa điểm vui chơi giải trí trong 2 tuần. Nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan. Nó càng trở nên trầm trọng hơn khi người dân du lịch ồ ạt trong Tết Songkran Thái vào giữa tháng 4. 
Wayo Assawarungruang, thành viên đối lập trong Quốc hội, cho biết một số bệnh viện ở Bangkok đã từ chối xét nghiệm coronavirus cho bệnh nhân vì hết giường. Các cơ quan chức năng đã lập các bệnh viện dã chiến, sử dụng các trung tâm thể thao, hội trường và khách sạn để tiếp nhận người bị nhiễm virus, kể cả các trường hợp không có triệu chứng, nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Từ đầu tháng, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch tiêm vaccine cho 50.000 người sống trong một khu đông đúc ở Bangkok, sau khi hơn 300 cư dân bị nhiễm bệnh. Cho đến nay, đất nước gần 70 triệu dân chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 2%.
Các ca bệnh cũng đang gia tăng ở Campuchia, nơi cho đến tháng 2 vẫn là một trong những nước có số ca nhiễm thấp nhất thế giới và không có trường hợp tử vong nào. Nhưng đợt bùng phát cuối tháng 2 đã khiến số ca lây nhiễm tăng vọt đến hàng trăm ca mỗi ngày. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca đã tăng từ 500 người vào cuối tháng 2 lên 21.141 tính đến ngày 13-5, với 142 ca tử vong. Hiện nước này ghi nhận gần 500 ca mới mỗi ngày.
Ca nhiễm tăng mạnh đã gây quá tải hệ thống y tế mong manh của đất nước. Ngày 6-4, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh để các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, vì các bệnh viện đã gần hết công suất. Ngày 11-4, WHO cảnh báo Campuchia đang "bên bờ vực của một thảm kịch quốc gia". Ngày 1-5, quân đội Campuchia đã bắt đầu chiến dịch kéo dài 1 tháng để tiêm chủng cho gần nửa triệu cư dân các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Phnom Penh. Đến nay, hơn 2,6 triệu liều đã được tiêm ở đất nước 16 triệu dân, nhưng chỉ 6,33% dân số được tiêm chủng đầy đủ. 
Trong khi đó, tại Indonesia Bộ Y tế đã xác nhận các bệnh nhân có biến thể Covid lây nhiễm cao B.1.617 của Ấn Độ. Đất nước 270 triệu dân này đã ghi nhận trung bình hàng ngày khoảng 5.000 ca nhiễm hồi đầu tháng. Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, chính phủ Indonesia đã cấm tất cả chuyến du lịch trong nước từ ngày 6 đến 17-5, dịp lễ Eid al-Fitr của Hồi giáo. Tuy nhiên, 18 triệu người (7% dân số) vẫn lên kế hoạch đi nghỉ lễ Eid al-Fitr. "Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu ca mắc mới và hơn 25.000 ca tử vong mới, tăng lần lượt 19% và 48% so với tuần trước" - WHO cho biết hôm 5-5.
 Sự bùng phát trở lại nhanh chóng của Covid-19 đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế và nguồn cung cấp y tế các quốc gia châu Á. Một số đã buộc phải kêu gọi sự trợ giúp quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng sâu sắc. 

Các tin khác