Lobby chính sách thời Donald Trump

(ĐTTCO) - Người đứng đầu chính phủ Mỹ tỷ phú Donald Trump từng là CEO dày dạn kinh nghiệm và được cho thân thiện với giới doanh nghiệp. Điều dễ dàng nhận thấy kể từ khi ông Trump được bầu làm tổng thống, đã lấp đầy nội các của ông với các đồng nghiệp là những giám đốc điều hành và cả những nhà vận động hành lang. 

Vậy những cuộc vận động hành lang (lobby) cho các công ty Mỹ có thuận lợi hơn?

Chi nhiều hơn
Nội các của ông Trump hiện có người từng đại diện cho ngành than đang điều hành Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA). Hay Bộ trưởng Nội vụ David Bernhardt, trước đây là chuyên gia vận động hành lang cho các công ty năng lượng và tài nguyên. Năm ngoái, các doanh nghiệp đã chi hơn 3,4 tỷ USD để thúc đẩy lợi ích của họ tại các hội trường của chính phủ, nhiều hơn 8,5% so với trước khi vị “tổng thống CEO” vào Nhà Trắng. Mỗi lĩnh vực trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính và công nghiệp đã chi hơn 500 triệu USD cho hoạt động lobby.
 Quyền lực lobby dưới thời Tổng thống Trump có sự thay đổi rất nhanh chóng. Các công ty vận động hành lang đã mọc lên như nấm. Trong khi đó, chỉ số ít cố vấn thân cận nhất của ông Trump mới thực sự là những người nắm giữ quyền lực. 
Tuy nhiên, việc chi phí lobby gia tăng không đồng nghĩa các công ty Mỹ dễ thở hơn với Washington của Donald Trump. Một cuộc thăm dò dữ liệu trên những nhà vận động hành lang, đã xác nhận việc thúc đẩy lợi ích doanh nghiệp ở Washington thời ông Trump không dễ dàng hơn so với các tổng thống trước đây. Thậm chí, ở một số mặt nó còn khó khăn hơn. Kết quả của vận động hành lang thời ông Trump, được thể hiện khi giá cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán lại khá mơ hồ. Chẳng hạn cắt giảm thuế đã giúp thúc đẩy làn sóng tăng giá cổ phiếu, nhưng chăm sóc sức khỏe dù chi tiêu lobby nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác đã bị tụt lại phía sau (xem Biểu đồ).
Phòng Thương mại, nơi được xem là tai mắt của mọi tổng thống, dù đã thành công trong việc thúc đẩy cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp, nhưng không thể ngăn cản tổng thống áp thuế nhập khẩu và hạn chế nhập cư. Các đại gia dược phẩm đã cố gắng tăng giá thuốc bị ông Trump ép điều chỉnh giá. Các đại gia công nghệ đóng góp 3 công ty trong danh sách 10 công ty chi tiêu lớn nhất cho vận động hành lang, gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Amazon, nhưng có rất ít bạn bè ở Washington.

Ông Trump ngoài cuộc
Tại sao hoạt động lobby với chính quyền Trump, vốn được cho là chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, lại không dễ dàng? Các nhà vận động hành lang trích dẫn lý do chính: tổng thống là người ngoài cuộc. “Trump không nợ gì chúng ta. Nhiều người được ông bổ nhiệm cũng vậy” - một trong những nhà vận động hành lang hàng đầu của ngành dược giải thích. “Ông Trump đã từ chối những đảng viên Cộng hòa giàu kinh nghiệm, những người không ủng hộ chiến dịch bầu cử của ông. Kết quả, chính quyền của ông Trump đầy những người chưa biết về hoạt động hành lang” - một nhà vận động tài chính cấp cao nói.
Lobby chính sách thời Donald Trump ảnh 1  
Thật ra, nhiều người trong Chính phủ Trump thân thiện với doanh nghiệp, đặc biệt khi so với các thành viên chính phủ của Barack Obama. Tuy nhiên, các nhà vận động hành lang rất khó xác định ai là người chịu trách nhiệm cho vấn đề của doanh nghiệp mình đại diện. Một nhà vận động hành lang hàng đầu một công ty công nghệ lớn, kể ông đã rất chật vật để tìm ra ai đang làm việc về các vấn đề được đưa ra, làm thế nào tiếp cận họ để xây dựng các kết nối. James Connaughton, một quan chức môi trường cấp cao trong chính quyền George W. Bush, gọi việc cắt giảm các quy định của ông Trump là “không phải bãi bỏ quy định, mà là không có quy định”. 
Hiện nay, các doanh nghiệp thúc đẩy lợi ích hợp pháp của họ lo lắng về việc bị ruồng bỏ bởi sự liên kết với nhân viên của ông Trump, hoặc quan điểm của ông. Tâm lý này xuất hiện sau khi cựu quản lý chiến dịch và luật sư cá nhân của ông bị kết án tù. Bản thân tổng thống từng bị điều tra vì cáo buộc vi phạm tài chính chiến dịch. Một nhà vận động hành lang kỳ cựu tin rằng mọi thứ sẽ bị điều tra. 
Trong khi đó, ý kiến của ông Trump không nhất thiết phản ánh lợi ích của các tập đoàn. Khuynh hướng chống các nỗ lực bảo vệ môi trường của ông đã giúp một số người gây ô nhiễm, đặc biệt trong ngành công nghiệp than, gây ra sự khó chịu giữa các công ty lớn. Các nhà sản xuất xe hơi đều phản đối các quy tắc lỏng lẻo, có thể gây phản tác dụng. Một số hội đồng tư vấn doanh nghiệp cho chính quyền của ông Trump đã giải tán, sau khi ông từ chối lên án những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. 

Vẫn tìm mọi cách lobby
Nhưng nói vậy không có nghĩa các nhà vận động hành lang đang bó tay. Một số người sử dụng quảng cáo nhắm mục tiêu tiếp cận tổng thống khi ông xem Fox News, hoặc khi ông đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Công ty viễn thông t-Mobile gần đây thừa nhận đã chi 195.000USD tại khách sạn của ông Trump, gần Nhà Trắng, với các giám đốc điều hành mặc áo sơ mi màu hồng sáng có in logo của hãng. 
Lobby chính sách thời Donald Trump ảnh 2  
Biết ông Trump rất quan tâm đến số liệu về việc làm, các nhà vận động khác khuyên khách hàng tìm cách tạo việc làm nhằm “giúp tổng thống lấy công”. Một nhà vận động hành lang cảnh báo các công ty không nên chỉ trích tổng thống quá trớn. “Để tiếp cận tổng thống, bạn phải biến ông ấy thành người hùng trong câu chuyện của mình” - nhà vận động hành lang Dân chủ dày dạn kinh nghiệm, cho biết.
Trong khi đó, một số ông chủ đang cố gắng liên quan một cách cá nhân hơn với tổng thống. “Ông Trump muốn nghe trực tiếp từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp” - một cựu cố vấn của tổng thống cho biết. Một thành viên đảng Cộng hòa, trước đây nằm trong hội đồng CEO của ông Trump, nhớ lại các cuộc họp của chính quyền với các ông chủ là “họ dường như chú ý và tìm kiếm hỗ trợ cho công ty”. 
Vào cuối tháng 3, ông Trump đã tham dự Hội nghị Bàn tròn kinh doanh của các công ty lớn nhất Mỹ, trong đó Jeff Bezos, ông chủ của Amazon tham gia lần đầu tiên. Nhưng sau đó ông Trump đã chế giễu ông Bezos trên Twitter với việc gọi trại tên ông thành Jeff Bozo.
Sheila Krumholz, người đứng đầu Trung tâm Phản ứng Chính sách, cơ quan giám sát độc lập theo dõi các xu hướng vận động hành lang, cho biết đảng Dân chủ ở Hạ viện đang thúc đẩy dự luật chống tham nhũng, được thông qua vào tháng 3. Dự luật sẽ thắt chặt các quy tắc về vận động hành lang, tuy nhiên nó khó có khả năng được thông qua Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. 
Trong khi đó, Haley Barbour, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, và là một trong những người vận động hành lang có ảnh hưởng nhất của Washington, ca ngợi những nỗ lực cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định của ông Trump. Dù vậy, ông cảnh báo cải cách tiếp theo có thể không tốt cho các công ty, vì vậy doanh nghiệp cần có ai đó ủng hộ họ tại Nhà Trắng. 

Các tin khác