Lối thoát nào cho kinh tế Nga?

(ĐTTCO) - Quyết định tấn công Ukraine của Nga đã bị đáp trả bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây, trong khi các công ty toàn cầu ồ ạt rút vốn hoặc dừng hợp tác. Cuộc chiến dằng dai này ước tính ban đầu đã khiến nền kinh tế xứ Bạch dương chịu nhiều tổn thất.
Nhà máy sản xuất ô tô hiệu Volkswagen AG tại Nga đã ngừng sản xuất.
Nhà máy sản xuất ô tô hiệu Volkswagen AG tại Nga đã ngừng sản xuất.
Mất 1/3 giá trị, thụt lùi 30 năm?
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cắt đứt phần lớn hệ thống tài chính của Nga với thế giới và làm tắc nghẽn dòng chảy của nhiều hàng hóa nhập khẩu. Khoảng 300 công ty phương Tây, từ Boeing Co., McDonald’s Corp. đến Volkswagen AG đã rút lui khỏi Nga. Kể từ cuối tháng 2, đồng rúp đã mất khoảng 18% giá trị so với đồng USD. Cơ quan thống kê của Nga cho biết giá tiêu dùng đã tăng 2,09% trong tuần kết thúc vào ngày 11-3, nâng mức tăng kể từ đầu năm lên 5,62%, trong khi mục tiêu cho cả năm của NHTW Nga chỉ 4%.
Trong khi đó, việc cắt giảm các linh kiện, nguyên liệu từ các nhà cung cấp phương Tây đã đe dọa ngừng sản xuất một loạt ngành công nghiệp của Nga. Trong cuộc gặp qua video với ông Putin hôm 16-3, lãnh đạo khu vực Tatarstan của Nga, cho biết sản lượng tại nhà sản xuất xe tải Kamaz - công ty sử dụng hàng chục ngàn lao động, có thể giảm 40%. Nga cũng có thể sắp vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1998. Chính phủ Nga đã phải trả 117 triệu USD tiền lãi cho 2 trái phiếu chính phủ mệnh giá 1USD vào 16-3. 
Theo dự báo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), GDP của Nga sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay, tệ hơn nhiều so với số tiền nước này bị mất trong cuộc khủng hoảng tài chính. Chiến sự với Ukraine và các phản ứng toàn cầu sẽ thay đổi đáng kể tương lai kinh tế của Nga, đưa đất nước này lùi lại 30 năm, hạ thấp mức sống của người dân trong ít nhất 5 năm tới, theo các nhà kinh tế, nhà đầu tư và các nhà ngoại giao.

Hai trụ cột chống đỡ cũng đang yếu
Có 2 nguồn dự trữ chính sẽ cho phép Nga tài trợ khi bị trừng phạt, chiến tranh và thiên tai. Đầu tiên là dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nắm giữ trị giá khoảng 640 tỷ USD. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với CBR, có nghĩa nước này không thể tiếp cận những nguồn dự trữ được giữ ở nước ngoài, cũng như không thể dễ dàng trao đổi nguồn dự trữ trong nước của mình trên thị trường quốc tế. Điều này hạn chế khả năng của Nga trong việc tích lũy đồng rúp, sử dụng tiền của mình để trả một số khoản nợ hoặc thanh toán cho hàng nhập khẩu.
Nguồn dự trữ thứ hai là Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga (NWF). Đây là nguồn thu thặng dư từ việc bán năng lượng được giữ lại khi giá dầu cao. Tuy nhiên, NWF đã bị cạn kiệt nghiêm trọng do các cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2010. Quỹ này càng thêm cạn kiệt do xung đột giữa những người ly khai Nga và chính phủ Ukraine năm 2014. Nga đã phải chi rất nhiều từ NWF để bù đắp thâm hụt ngân sách liên bang và tài trợ cho các hoạt động kích thích ngoài ngân sách.
Dữ liệu cho thấy giá trị NWF đã giảm xuống khoảng 60 tỷ USD vào cuối tháng 6-2019 từ 88,6 tỷ USD vào cuối năm 2013, chỉ nhảy lên 125,6 tỷ USD vào cuối năm 2019 và tiếp tục tăng lên đạt 197,8 tỷ USD vào cuối tháng 10-2021. Người ta không biết chính xác cuộc chiến ở Ukraine đang tiêu tốn bao nhiêu tiền. Chỉ biết tổng chi tiêu quân sự của Nga đã tăng đều trong suốt thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Putin, đạt mức cao nhất hơn 200 tỷ USD vào năm 2016. 
Vai trò của Trung Quốc?
Dự trữ ngoại hối còn lại của Nga sau các lệnh trừng phạt được tính bằng vàng và đồng NDT của Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành nguồn ngoại hối tiềm năng chính của Moscow để hỗ trợ đồng rúp đang tăng giá. Về cơ bản, Trung Quốc có thể cung cấp vùng đệm chính cho nền kinh tế Nga. Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn vì lợi ích của Bắc Kinh lại là vấn đề khác.
“Quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung Quốc sẽ cho phép chúng tôi không chỉ duy trì sự hợp tác đã đạt được, còn gia tăng nó trong môi trường các thị trường phương Tây đang đóng cửa” - Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói hôm 13-3. Đáp lại, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cho biết đã cảnh báo Bắc Kinh sẽ hoàn toàn chịu hậu quả nếu hỗ trợ Nga”.
“Xét về mức độ Trung Quốc có thể giúp Nga và có thể giúp rất nhiều. Nhưng họ sẽ phải mạo hiểm với các lệnh trừng phạt lớn đối với bản thân, cuộc chiến thương mại và trừng phạt lớn được gia hạn lại với Mỹ và phương Tây. Với tình trạng không chắc chắn của thị trường Trung Quốc trong vài tuần qua, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và đợt bùng phát Covid-19 mới ở nước này, có thể không phải là thời điểm tốt nhất để làm điều đó” - Maximilian Hess, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có quan hệ đồng minh lâu dài với Nga và có thể hưởng lợi từ vị thế của họ. “Trung Quốc và Nga có lợi ích rõ ràng trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế của mình để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác của Nga” - Holger Schmieding, nhà Kinh tế Trưởng tại Ngân hàng Berenberg, viết trong một báo cáo nghiên cứu đầu tháng 3.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga sau EU. Thương mại giữa 2 nước đạt mức cao kỷ lục 146,9 tỷ USD năm 2021, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm trước. Cũng năm 2021 xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trị giá 79,3 tỷ USD, trong đó dầu và khí đốt chiếm 56%. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã vượt xuất khẩu hơn 10 tỷ USD vào năm ngoái. Schmieding nói: “Nga có thể sử dụng Trung Quốc như một thị trường thay thế lớn hơn cho xuất khẩu nguyên liệu thô của mình giúp tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây"
Liên minh các nền kinh tế G7, bao gồm Mỹ và các đối tác châu Âu và châu Á, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ nước nào nào ủng hộ Moscow. Nhưng vấn đề ở đây là nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ 2 trên thế giới và là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó tác động đến thị trường toàn cầu nhiều hơn so với Nga. Bất kỳ động thái nào nhằm trừng phạt Trung Quốc sẽ có những tác động toàn cầu lớn hơn nhiều, và có thể là nỗi đau kinh tế đối với phương Tây. 
 Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16-3 đã lên tiếng thừa nhận nền kinh tế của đất nước đã phải chịu đòn giáng mạnh từ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow, trước mắt làm gia tăng lạm phát và thất nghiệp. 

Các tin khác