Mỹ lúng túng với ngành công nghiệp súng

(ĐTTCO) - Ngày 25-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua luật liên bang quan trọng đầu tiên về an toàn súng đạn trong nhiều thập niên. Động thái này được nhiều người hoan nghênh sau hàng loạt vụ xả súng đẫm máu gần đây. 
Một khách hàng mua súng ở Florida.
Một khách hàng mua súng ở Florida.

Tuy vậy, nhiều người e ngại nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp súng, cũng như vi phạm Tu chính án thứ 2 về quyền được sở hữu và mang theo vũ khí của người dân.

Tăng hơn 200%/năm
Mỹ là nơi có ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập niên. Dữ liệu sớm nhất do Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) cung cấp về chế tạo súng, cho thấy 3,04 triệu khẩu được sản xuất tại Mỹ vào năm 1986. Con số này tương đối ổn định trong những năm 1990-2000, nhưng có sự gia tăng đáng kể sau đó. Từ năm 1986-2008, trung bình hàng năm có 3,8 triệu khẩu súng được sản xuất. Từ năm 2009-2018, con số này tăng hơn gấp đôi lên mức trung bình hàng năm 8,4 triệu khẩu. 
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất súng được nhìn thấy qua sự gia tăng số lượng nhà sản xuất súng được cấp phép trong nước, tăng 255% từ năm 2009-2018. Tính đến năm 2018, có gần 12.600 nhà sản xuất súng được cấp phép ở Mỹ. Trong đó, 3 nhà sản xuất súng lục lớn nhất (chiếm hơn 58%) là Smith & Wesson Corp., Sturm, Ruger & Co. Inc., và SIG SAUER Inc; 3 nhà sản xuất súng trường lớn nhất (chiếm hơn 45%) là Remington Arms, Sturm, Ruger & Co. Inc., và Smith & Wesson Corp.
Giấy phép sản xuất đạn dược cũng tăng lên, từ 1.511 năm 2009 lên 2.119 vào năm 2018. Dù vậy, hàng năm Mỹ vẫn nhập khẩu số lượng súng đáng kể. Từ năm 1986-2008, Mỹ nhập khẩu trung bình hàng năm 1,5 triệu khẩu súng, đã tăng lên 4,2 triệu khẩu từ năm 2008-2018. 

Nghịch lý doanh thu và phí tổn
Theo một báo cáo năm 2018, các cửa hàng bán súng có doanh thu khoảng 11 tỷ USD, các nhà sản xuất súng và đạn dược có doanh thu 17 tỷ USD. Như vậy, tổng cộng ngành công nghiệp súng ống Mỹ mang lại khoảng 28 tỷ USD/năm. Trong khi đó, người Mỹ phải chi nhiều hơn để đảm bảo an toàn trước vấn nạn bạo lực súng đạn của đất nước.
Thí dụ, chỉ riêng mảng kinh doanh báo động an ninh đã ở mức 25 tỷ USD/năm. Chi tiêu của chính phủ cho an ninh nội địa trung bình 65 tỷ USD/năm từ năm 2002-2017. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Omdia, các trường học và cao đẳng ở Mỹ đã chi khoảng 3,1 tỷ USD cho các sản phẩm và dịch vụ an ninh vào năm 2021, so với 2,7 triệu USD vào năm 2017.
Trung bình mỗi năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ giết chết gần 40.000 người, làm bị thương gấp đôi và gây thiệt hại cho nền kinh tế ước tính 280 tỷ USD. Con số này đại diện cho chi phí suốt đời liên quan đến bạo lực súng, bao gồm 3 loại chi phí: chi phí tức thời bắt đầu từ thời điểm xảy ra sự cố; các chi phí tiếp theo như điều trị, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài, thu nhập bị mất, chi phí xét xử hình sự; chi phí về chất lượng cuộc sống bị mất theo tuổi thọ của nạn nhân.
Như vậy, người đóng thuế Mỹ phải trả trung bình hàng ngày 34,8 triệu USD cho dịch vụ chăm sóc y tế, người sơ cứu, xe cứu thương, cảnh sát và dịch vụ tư pháp hình sự liên quan đến bạo lực súng. Các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bạo lực súng đạn hàng ngày phải đối mặt với 4,7 triệu USD chi phí tự trả cho các hóa đơn y tế và hỗ trợ sức khỏe tâm thần; 140,3 triệu USD thiệt hại vì bỏ lỡ công việc do thương tích hoặc tử vong.
Xã hội mất ước tính 586,8 triệu USD/ngày chi phí vô hình từ nỗi đau của nạn nhân bạo lực súng và gia đình họ. Người lao động mỗi ngày mất 1,4 triệu USD về năng suất, doanh thu và chi phí cần thiết để tuyển dụng và đào tạo những người thay thế nạn nhân của bạo lực súng. Chi phí trung bình cho bạo lực súng ở Mỹ 860USD cho mỗi người/năm. 
Bên cạnh đó, các cá nhân, gia đình và người sử dụng lao động phải gánh chịu những chi phí khổng lồ cho bạo lực liên quan đến súng ở Mỹ, bao gồm 1,7 tỷ USD hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe tâm thần và y tế. Các gia đình cũng phải chịu thiệt hại 51,2 tỷ USD do mất việc làm cho các nạn nhân và thủ phạm. Thời gian nằm viện trung bình cho 1 ca chấn thương do súng có giá 67.245USD, bằng với thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Mỹ trong cả năm. 
Bạo lực súng còn khiến người sử dụng lao động tiêu tốn 528,7 triệu USD/năm; bao gồm các chi phí trực tiếp đến năng suất như mất doanh thu do công việc chưa hoàn thành, giá trị thời gian người giám sát dành để điều chỉnh lịch trình bù đắp cho công việc bị mất và gánh nặng chi phí tuyển dụng và đào tạo người thay thế khi cần thiết.

Nhưng cổ phiếu các nhà sản xuất súng tăng mạnh
Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ cho phép người Mỹ có quyền mang vũ khí, và khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ nói rằng cá nhân họ sở hữu 1 khẩu súng. 4/10 người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ sống trong gia đình có súng, trong đó có 30% nói cá nhân họ sở hữu 1 khẩu súng - theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện vào tháng 6-2021. 
Điều kỳ lạ, bất chấp các vụ xả súng xảy ra liên tục và luật kiểm soát súng mới được thông qua, cổ phiếu các nhà sản xuất súng ở Mỹ vẫn tăng mạnh. Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ vụ xả súng ở trường Tiểu học Robb, Uvalde, Texas ngày 23-5 làm 19 trẻ em thiệt mạng, giá cổ phiếu của nhà sản xuất vũ khí Sturm Ruger đã tăng hơn 6,6%.
Đối với Smith & Wesson thậm chí còn nhiều hơn, với cổ phiếu tăng hơn 12%. Một hiệu ứng tương tự cũng đã được nhìn thấy sau vụ xả súng hàng loạt năm 2018 tại trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida. Ngoài ra, doanh số bán súng cũng tăng vọt sau các vụ xả súng. 
Vì vậy, Luật Súng được ông Biden ký gần đây, dù được đánh giá khá quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để kiềm chế bạo lực súng. Luật bao gồm tăng cường kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng còn trẻ tuổi và kiểm soát tiền mặt liên bang cấp cho các tiểu bang ban hành luật "cờ đỏ", tức luật cho phép loại bỏ súng ống khỏi những thứ được coi là mối đe dọa.
Hàng tỷ USD đã được phân bổ để trấn áp những người mua súng cho những người không được phép sở hữu chúng, và để hạn chế nạn buôn bán súng. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn hơn đã không thực hiện được, bao gồm lệnh cấm súng trường kiểu quân sự thường được sử dụng bởi các tay súng trong các vụ xả súng hàng loạt, hay việc kiểm tra lý lịch bắt buộc thời gian dài đối với tất cả giao dịch mua súng. 
 Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất súng của Mỹ với doanh thu khoảng 28 tỷ USD/năm, nhưng gây thiệt hại cho nền kinh tế ước tính 280 tỷ USD.

Các tin khác