Mỹ-Trung Quốc: Bờ vực Chiến tranh Lạnh

(ĐTTCO) - Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh 2.0 trong kỷ nguyên Covid-19. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự tàn phá kinh tế liên quan đến virus, làm suy yếu khả năng của thế giới để ngăn chặn các mối đe dọa phổ biến.
Buộc các nước “chọn phe"
Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã nắm giữ 1.090 tỷ USD nợ Mỹ, chỉ kém Nhật Bản với tư cách là chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Mỹ. Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng có những yếu tố của cạnh tranh Mỹ - Trung gợi nhớ đến Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Nhưng cũng có những khác biệt cơ bản về mức độ tương tác thương mại và giữa người dân 2 nước. “Vào cuối Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 200 triệu USD từ Liên Xô. Trong khi đó, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc năm 2018 lên tới 500 tỷ USD" - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói trong cuộc phỏng vấn gần đây trên tờ CNN. 
Mỹ-Trung Quốc: Bờ vực Chiến tranh Lạnh ảnh 1 Mỹ-Trung Quốc: Bờ vực Chiến tranh Lạnh 
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã tạo ra hệ thống tư tưởng, quân sự và chính trị khổng lồ trên thế giới, mà cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi là "Bức màn sắt". Trong khi những lo ngại sự thù địch giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến sự chia rẽ toàn cầu tương tự.
"Đối với toàn bộ hệ thống quốc tế, Chiến tranh Lạnh sẽ tàn khốc. Chẳng hạn, nó sẽ đặt các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến đại dịch, khủng bố, trong bối cảnh tăng và giảm sức mạnh tương đối cho mỗi bên, làm cho sự hợp tác trở nên khó khăn hơn. Điều đó cũng sẽ buộc các nước phải chọn đứng về bên nào, trong chính trị, quân sự, an ninh và sinh kế kinh tế của họ" - tờ Economy viết.
Theo Melvyn Leffler, nhà sử học tại Đại học Virginia, người đã từng nghiên cứu và viết về Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô trong nhiều thập niên, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc rất quan trọng để giải quyết các đại dịch trong tương lai và các vấn đề an ninh quan trọng, bao gồm sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và biến đổi khí hậu. Leffler cho biết hậu quả của mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi là "đáng ngại" đối với cả 2 nước và toàn thế giới.

Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô được đặc trưng bởi sự mất lòng tin nội tại giữa Washington và Moscow, là cuộc cạnh tranh siêu quốc gia về quyền bá chủ kinh tế, quân sự và công nghệ. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả Trung Quốc là "kẻ bắt nạt toàn cầu", "lợi dụng Mỹ".
Với tư cách là Tổng thống, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một thỏa thuận được ký vào tháng 1-2020 dường như khiến cuộc chiến thương mại tạm dừng, mang lại cho ông Trump một chiến thắng ngoại giao, khi ông tìm cách vận động tái tranh cử với một nền kinh tế đang bùng nổ.
Nhưng sau đó, coronavirus đã tàn phá nền kinh tế, gây nguy hiểm cho thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, làm hỏng mọi hy vọng trong tương lai gần. Mặc dù ca ngợi việc xử lý virus của Trung Quốc trong những ngày đầu trước khi nó trở thành đại dịch, ông Trump đã chuyển sang đổ lỗi cho quốc gia châu Á này ở mọi tình huống. Ông Trump và các cố vấn đã tiến xa hơn, bằng cách nói virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán chuyên nghiên cứu dơi. Trong khi đó, Bắc Kinh đã kịch liệt bác bỏ quan điểm virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 3 còn cho rằng Covid-19 đến từ quân đội Mỹ.
Sự ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington về coronavirus đã mở rộng ra thế giới truyền thông. Ông Trump đặt ra những hạn chế về số lượng công dân Trung Quốc có thể làm việc ở Mỹ cho 5 tổ chức tin tức Bắc Kinh. Ngay sau đó, Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo Mỹ làm việc cho 3 tờ báo nổi tiếng nhất của Mỹ tại quốc gia này. Sự đối nghịch giữa chính phủ Trung Quốc và Mỹ thậm chí đã thấm vào công chúng Mỹ. Theo khảo sát gần đây của Pew Research, sự ủng hộ của người Mỹ đối với Trung Quốc đã chạm mức thấp lịch sử trong đại dịch.
Tại anh hay tại ả?
Nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh tiềm năng thật ra đã xuất hiện từ nhiều năm, trước khi ông Trump vào Nhà Trắng, nhưng chính ông đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nó. "Không có nghi ngờ rằng một số hành động chính quyền Trump thực hiện đã góp phần vào việc này. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng Bắc Kinh là "động lực chính" trong việc làm tăng thêm sự không cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc" - Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hiệp hội châu Á, nói. 
Theo Schell, ông Trump đã đúng khi cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị mất cân bằng, nhưng "ông khá sai lầm và hỗn loạn trong việc tìm cách tập hợp lại và cải tổ một loại hình mới về mối quan hệ với Trung Quốc". Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không kém sai lầm. "Bạn có 2 nhà lãnh đạo mù quáng về sự cần thiết phải xây dựng khuôn khổ mới và do đó đi vào vòng xoáy đưa chúng ta vào giữa một Chiến tranh Lạnh mới" - Schell nói.
Scott Mulhauser, chiến lược gia Dân chủ và cựu Chánh văn phòng của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, nói với Insider rằng những khoảnh khắc như thế này đòi hỏi phải có kinh nghiệm để nắm bắt cơ hội và đẩy lùi những mất cân bằng, để khắc phục sự bất bình đẳng và giải quyết vấn đề. Ông nói thêm: "Cách tiếp cận hỗn loạn đối với đại dịch, chiến tranh thương mại và mối quan hệ Trung Quốc, đã khiến chúng ta phải trả giá kinh tế và thậm chí cả mạng sống".
"Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đang trượt xuống sự đối nghịch với Trung Quốc. Hậu quả của sự đổ vỡ trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và nền kinh tế toàn cầu. Bởi hợp tác Mỹ - Trung là chìa khóa của toàn bộ kiến trúc toàn cầu hóa và toàn cầu hóa thương mại hiện nay. Khi hợp tác này sụp đổ, sẽ có sự xáo trộn rất lớn" - Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hiệp hội châu Á, nhận định.  
 Thực tế căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng đáng kể tại thời điểm này. Tôi nghĩ chúng ta phải gọi đây là khởi đầu của Chiến tranh Lạnh mới. Và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể tệ hơn nhiều.
Clete Willems,
nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng

Các tin khác