Nga vỡ nợ không phải vì thiếu tiền!

(ĐTTCO) - Ngày 26-6, dù chưa có tổ chức nào công bố, nhưng dựa vào các tiêu chí Nga đã vỡ nợ có chủ quyền do không trả được khoảng 100 triệu USD tiền lãi cho 2 trái phiếu, dù đã hết thời gian ân hạn 30 ngày. Nếu Nga vỡ nợ sẽ ảnh hưởng ra sao đến xứ sở Bạch Dương và kinh tế toàn cầu?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thực ra Nga đã vỡ nợ 2 lần trong lịch sử gần đây. Lần đầu tiên vào năm 1918, khi nước Nga từ chối thanh toán các trái phiếu của Nga hoàng. Lần thứ hai vào năm 1998, khi Nga cơ cấu lại các khoản nợ, nhưng chỉ vỡ nợ với khoản vay trong nước.

Tranh cãi 
Nga đã đến hạn thanh toán khoảng 100 triệu USD nợ có chủ quyền bằng ngoại tệ (trái phiếu được bán cho các nhà đầu tư quốc tế) vào ngày 27-5, nhưng không thực hiện được. Theo quy định, Nga có thêm thời gian ân hạn 30 ngày để tránh vỡ nợ. Tuy nhiên, thời hạn này đã kết thúc hôm 26-6 và Nga vẫn không thể xoay chuyển tình thế, tức đã vỡ nợ có chủ quyền lần đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ.
Trong điều kiện bình thường, 1 trong 3 cơ quan xếp hạng của Phố Wall (S&P, Moody’s và Fitch) sẽ chính thức tuyên bố một quốc gia đã vỡ nợ. Nhưng họ đã không làm như vậy, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây cấm họ cung cấp các dịch vụ tại Nga (bao gồm cả việc đánh giá nợ). 
Việc Nga bị xem là vỡ nợ lần này không phải vì Moscow thiếu tiền hay không muốn trả nợ, mà do họ bị ngăn chặn làm điều đó. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, nước này có thặng dư thương mại dồi dào lên đến 58,2 tỷ USD vào quý I-2022, chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Nga cũng có mức nợ tương đối thấp.
Tuy nhiên, Mỹ đã khiến Nga không thể trả nợ quốc tế. Kể từ tháng 5, Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, chuyên xử lý các lệnh trừng phạt tài chính, đã không cho phép các nhà đầu tư phương Tây tiếp tục nhận các khoản thanh toán nợ từ Nga như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã gọi tình huống này là “trò hề”, khẳng định đây không phải là vụ vỡ nợ thực sự mà là một nỗ lực kỹ thuật tài chính của Nhà Trắng. Nga nói họ đã gửi tiền thanh toán bằng USD và EUR vào ngày 27-5, nhưng số tiền đó đã bị mắc kẹt tại Euroclear, một công ty thanh toán bù trừ có trụ sở tại Bỉ. Sau đó, Nga đã cố gắng thanh toán cho các chủ nợ bằng đồng nội tệ rúp, nhưng làm như vậy là vi phạm các điều khoản trái phiếu.

Chờ Mỹ “bật đèn xanh”
Một vụ vỡ nợ có nghĩa Nga sẽ không thể tiếp cận các thị trường vay nợ quốc tế, cho đến khi nước này hoàn trả cho các chủ nợ đầy đủ và giải quyết mọi trường hợp pháp lý bắt nguồn từ vụ vỡ nợ. Chris Weafer, cựu chiến lược gia trưởng của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank-CIB, và là giám đốc điều hành của công ty tư vấn Macro Advisory có trụ sở tại Moscow, cho rằng một khi vỡ nợ sẽ kích hoạt các khoản thanh toán đối với khoản nợ lớn của quốc gia.
“Nếu bạn không trả được nợ khoản nợ, nó thường kích hoạt nhu cầu thanh toán ngay lập tức đối với các khoản nợ khác. Vì vậy Nga chắc chắn có thể phải trả nợ ngay lập tức khoảng 20 tỷ USD vào giai đoạn này" - ông nói.
Nhưng nếu thoát khỏi tình trạng vỡ nợ lại là quá trình chậm chạp và gian khổ có thể còn phức tạp hơn đối với Nga, do nước này đang bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Điều quan trọng, Bộ Tài chính Mỹ là tác nhân chính buộc Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ lần này.
Vì thế, Nga chỉ có thể thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi Bộ Tài chính Mỹ bật đèn xanh cho những người nắm giữ trái phiếu đàm phán các điều khoản với các chủ nợ nước ngoài của Nga. Thiệt hại về danh tiếng cũng có thể rất nặng nề. Nhiều nhà đầu tư bị ràng buộc bởi các giao ước ngăn cản họ đầu tư vào các quốc gia bị coi là vỡ nợ. 
Tuy nhiên, Nga không phải vỡ nợ vì nghèo, vì hết tiền, mà đơn giản vì không thể chuyển được tiền tới tay các chủ nợ. Kể từ năm 2014, lần gần nhất phương Tây trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea, Điện Kremlin đã tích lũy được khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Khoảng một nửa trong số đó hiện đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt vì cuộc tấn công Ukraine.
Sức mạnh tài chính của Nga có nghĩa các nhà đầu tư có thể sẵn lòng phục hồi Moscow nếu mọi chuyện quay lại bình thường. Tác động lớn hơn thuộc về các công ty Nga, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ quốc tế. Do ảnh hưởng từ cuộc vỡ nợ của nhà nước, các doanh nghiệp Nga có thể bị một số nhà đầu tư từ chối cho vay.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?
Vào thời điểm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga có 39,7 tỷ USD nợ nước ngoài, tương đối nhỏ so với Mỹ, nước đã phải trả gần 140 tỷ USD chỉ riêng vào năm 2020. Theo dữ liệu trước cuộc xung đột, Nga còn có khoảng 3.000 tỷ rúp (56 tỷ USD) nợ trong nước, nhưng do người nước ngoài nắm giữ.
Hầu hết trong số đó được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ hưu trí, nhà quản lý tài sản và quỹ đầu cơ. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, các ngân hàng Pháp nắm giữ khoảng 4,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Nga tính đến năm ngoái, trong khi các nhà cho vay Mỹ nắm giữ 3,8 tỷ USD, Áo có 3,2 tỷ USD và Italia 2,6 tỷ USD. Các ngân hàng Vương quốc Anh có 520 triệu USD.
Việc vỡ nợ thường kéo theo giai đoạn tái cơ cấu, trong đó các nhà đầu tư thường phải chịu thua lỗ. Moody’s ước tính các nhà đầu tư có thể mong đợi chỉ nhận được tối đa 2/3 giá trị của trái phiếu vỡ nợ. Một số có thể đáp trả bằng các thách thức pháp lý, mặc dù sẽ gặp khó khăn do Nga sẽ không công nhận quyền tài phán của các tòa án nước ngoài. Các tài liệu về trái phiếu Nga đã vỡ nợ nói rằng chủ sở hữu có 3 năm để yêu cầu bồi thường sau khi không được thanh toán. 
 Do bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Nga chỉ có thể thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi Bộ Tài chính Mỹ bật đèn xanh cho những người nắm giữ trái phiếu đàm phán các điều khoản với các chủ nợ nước ngoài của Nga. 

Các tin khác