Sóng suy thoái hậu Covid-19

Nhật Bản - Điều tồi tệ vẫn còn phía trước

(ĐTTCO) - Nhật Bản đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi nền kinh tế vốn đã suy yếu của đất nước bị kéo xuống bởi tác động của Covid-19 đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dấu hiệu suy yếu trước khi dịch bệnh
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã suy giảm với mức âm 3,4% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, chính thức bước vào suy thoái do tác động của Covid-19. Các số liệu ban đầu cho giai đoạn từ tháng 4-6 cho thấy nền kinh tế của nước này sẽ bị phá vỡ bởi những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. 
"Nền kinh tế bước vào cú sốc Covid-19 ở một vị trí rất yếu" - ông Izumi Devalier, nhà kinh tế trưởng tại Nhật Bản của Bank of America Merrill Lynch, cho biết. Theo đó, các doanh nghiệp đã rất yếu ớt trước khi bị Covid-19 tấn công. Chi tiêu tiêu dùng đã giảm sau khi hồi tháng 10 chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8-10%, mức cao nhất trong số các quốc gia phát triển, nhằm giúp trả bớt nợ quốc gia và tài trợ cho nhu cầu ngày càng tăng đối với an sinh xã hội khi tuổi lao động bình quân của đất nước ngày càng tăng. Vài ngày sau, một cơn bão đổ bộ vào đảo chính của đất nước, gây thiệt hại to lớn và đẩy hoạt động kinh tế đi xuống.
Ngay cả trước đó, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm đều đặn do nhu cầu toàn cầu chậm lại và tác động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong năm 2020, tình hình càng xấu đi, kéo theo dịch bệnh bùng phát đã phá hủy xuất khẩu Nhật Bản, buộc họ phải hoãn Thế vận hội và sau đó đưa đất nước vào tình trạng đóng cửa để ngăn chặn Covid-19. Kentaro Arita, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho có trụ sở ở Tokyo, cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã ngăn mọi người ra ngoài, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng. 

Tan tác ngành du lịch, dịch vụ
Việc đóng cửa trường học buộc phụ huynh phải ở nhà làm việc, đó cũng là những cú đóng đinh vào các trang trại và nhà máy bán nguyên liệu cho bữa ăn ở trường. Việc hủy bỏ thị thực nước ngoài đã phá hỏng ngành du lịch và chặn một nguồn lao động nước ngoài quan trọng. Tình trạng khẩn cấp đã làm chậm hoặc ngừng hoạt động nhiều công ty lớn, tàn phá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.
Nhật Bản - Điều tồi tệ vẫn còn phía trước ảnh 1 Hai quý liên tiếp GDP đi xuống, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, chủ yếu vì Covid-19.
Trong hơn 1 tháng, các khu kinh doanh nhộn nhịp ở Tokyo đã bị đóng cửa. Theo báo cáo của đài truyền hình NHK, lượng hành khách giảm tới 70% tại nhà ga xe lửa Shinjuku bận rộn nhất thế giới. Các địa điểm du lịch trên khắp thành phố thường đông đúc du khách đã yên tĩnh đến lạ thường. Các đường phố của khu mua sắm thời thượng ở Harajuku - nơi thường thu hút đám đông chen chúc trong thời tiết tốt - hầu như trống rỗng, chỉ có một vài người đi bộ qua các cửa hàng đã đóng cửa.
Dữ liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho biết, lượng du khách đến Nhật Bản vào tháng 3 đã giảm 93% so với cùng kỳ xuống chỉ còn hơn 190.000 người. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 4 giảm mạnh xuống mức thấp hơn so với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hoặc vụ khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011. Một cuộc khảo sát hàng tháng của những người theo dõi kinh tế đã đạt mức thấp lịch sử, với kết luận "điều kiện kinh tế cực kỳ nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ còn tồi tệ hơn nữa".
Theo bà Sayuri Shirai, Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo, và là cựu thành viên HĐQT của Ngân hàng Nhật Bản, du lịch có thể mất nhiều năm để phục hồi. Đây vốn là động lực tăng trưởng nhỏ nhưng quan trọng. Các doanh nghiệp như khách sạn và nhà hàng đã vay tiền để đón đầu Thế vận hội, giờ đây có thể thấy mình không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ của mình. "Tôi nghĩ trong nhiều năm tới hoạt động của khu vực tư nhân sẽ rất yếu. Điều đó có nghĩa chính phủ sẽ phải tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh tế" – bà Shirai nói.

Nỗ lực của chính phủ
Lo lắng về tình trạng của nền kinh tế Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe hôm 25-5 đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp Covid-19 ở Tokyo và 4 khu vực khác. Đây là quyết định theo sức ép của Văn phòng Thủ tướng để tìm ra con đường chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở Tokyo trước khi hết hạn vào ngày 31-5.
Một đề xuất ban đầu từ hội đồng chuyên gia y tế công cộng của chính phủ, yêu cầu các ca nhiễm Covid-19 mới phải bằng hoặc ít hơn 100.000 người trong hai tuần trước khi mở cửa lại. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ đề xuất. "Với tốc độ đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp” - Bộ trưởng Nội các Yoshi DA Suga nói.
Thực tế thủ đô đã giới hạn các ca mới ở một con số trong hầu hết 10 ngày qua. Và số lượng bệnh nhân xuất viện đã tăng đều đặn, giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày Tokyo chỉ có 4 ca nhiễm mới, dưới mục tiêu 10 ca của chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cảnh báo sẽ sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp thứ hai nếu các ca nhiễm tăng đột biến.
Ông cho biết một ứng dụng theo dõi liên lạc dự kiến sẽ được ra mắt tại Nhật Bản từ giữa tháng 6 để giúp theo dõi việc lây nhiễm. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng năng lực xét nghiệm bằng cách giới thiệu xét nghiệm kháng nguyên, sử dụng thiết bị xét nghiệm thuộc sở hữu của các trường đại học và thiết lập các trung tâm xét nghiệm PCR mới.
"Sẽ không có sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản nếu không có sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Covid-19 thực sự không thể có ở Nhật Bản trừ khi nó có ở các nước khác. Đây là một thách thức toàn cầu và sẽ không được giải quyết trừ khi chúng ta nhìn ra bên ngoài. Chúng tôi phải lãnh đạo một cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm trong quan hệ đối tác với các quốc gia tự do và cởi mở khác" - ông Abe nói.

Kế hoạch 3 giai đoạn
Ngày 22-5, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã trình bày một bản đồ đường bộ kêu gọi mở cửa lại trong 3 giai đoạn. Theo đó, các trường học, phòng tập thể dục và bảo tàng sẽ mở cửa trở lại trong giai đoạn đầu tiên. Nhà hàng sẽ được yêu cầu đóng cửa lúc 10 tối, thay vì 8 tối. Các trận bóng chày sẽ tiếp tục mà không có khán giả, trong khi các sân chơi bowling cũng sẽ mở. Các cuộc tụ họp xã hội sẽ được bật đèn xanh nhưng nên giới hạn ở 50 người.
Trong giai đoạn thứ hai, các cửa hàng bán lẻ xử lý các mặt hàng không quan trọng sẽ mở cửa trở lại, cùng với các trường luyện thi và nhà hát. Việc tụ tập sẽ được mở rộng đến 100 người. 
Giai đoạn thứ ba sẽ liên quan đến việc mở lại các địa điểm hạn chế như quán cà phê internet, khu trò chơi và cửa hàng pachinko. Số người tụ tập tối đa được tăng lên 1.000 người. Thành phố có kế hoạch chờ đến 2 tuần trước khi chuyển sang một giai đoạn tiếp theo, và sẽ tiếp tục theo dõi nhiễm trùng. Không có lịch trình mở lại cho các địa điểm âm nhạc, quán karaoke và câu lạc bộ thể dục, nhiều trong số đó chịu trách nhiệm cho các cụm bùng phát Covid-19 trước đây.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang thực hiện kế hoạch của riêng mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tổ chức bóng chày chuyên nghiệp Nippon cho biết sẽ bắt đầu mùa giải vào ngày 19-6, 3 tháng sau ngày khai mạc ban đầu. Các trận đấu sẽ được tổ chức mà không có khán giả.
Liên đoàn Bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về lịch trình bóng đá. Các cố vấn y tế cho hai cơ quan thể thao chuyên nghiệp khuyên các trận đấu nên được tổ chức sau cánh cửa đóng kín, và người chơi nên được kiểm tra trước khi mùa giải tiếp tục.
Olympic là biểu tượng chiến thắng đại dịch?
Ngày 27-5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích mới trị giá 117,1 ngàn tỷ yên (1,1 ngàn tỷ USD) để ngăn chặn nền kinh tế trượt sâu hơn vào suy thoái. Gói kích thíchmới này nâng tổng số tiền Nhật Bản chi ra để chống tác động của virus ở mức 234 ngàn tỷ yên (2,18 ngàn tỷ USD) - khoảng 40% GDP Nhật Bản. Đây cũng sẽ là một trong những gói tài chính lớn nhất để đối phó với Covid-19 trên thế giới, gần đạt quy mô chương trình viện trợ 2,3 ngàn tỷ USD của Mỹ.
Gói mới nhất của chính phủ sẽ bao gồm 33 ngàn tỷ yên trong chi tiêu trực tiếp. Để tài trợ cho các chi phí, Nhật Bản sẽ phát hành thêm 31,9 ngàn tỷ yên trái phiếu chính phủ theo ngân sách bổ sung thứ hai cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3-2021. Điều đó sẽ đẩy phát hành trái phiếu mới cho năm tài chính hiện tại lên mức kỷ lục 90 ngàn tỷ yên. 
Đối với Thế vận hội, ông Abe hy vọng "sẽ tổ chức một giải đấu hoàn chỉnh ở Tokyo như là biểu tượng chiến thắng của nhân loại chống lại Covid-19 vào mùa hè tới”. Nhưng John Coates, quan chức cấp cao của Ủy ban Olympic quốc tế nói rằng, tháng 10 sẽ là giai đoạn quan trọng để đánh giá liệu thủ đô Nhật Bản có thể tổ chức các trò chơi vào năm tới hay không.
Ông nói rằng các nhà tổ chức Olympic đang phải đối mặt với "những vấn đề thực sự" do số lượng người sẽ hội tụ ở Tokyo từ nhiều quốc gia, nhiều trong số đó vẫn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Các tin khác