Sóng suy thoái hậu Covid-19: Nga - Chật vật khôi phục kinh tế

(ĐTTCO) - Cho đến nay, Nga là nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 từ dịch Covid-19, với hơn 647.800 người nhiễm. Thêm vào đó, giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nặng tới nền kinh tế xứ Bạch dương, vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ.

GDP giảm 28% trong tháng 4
Trong tháng 4, các biện pháp giãn cách xã hội cùng với việc giá dầu lao dốc đã cắt giảm sản lượng kinh tế của Nga tới 33 tỷ USD, tức giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của 28 nhà kinh tế từ Higher School of Economics của Moscow (HSE) công bố hôm 15-5, Nga đang chuẩn bị cho cuộc suy thoái mạnh nhất trong 2 thập niên qua, với GDP dự kiến giảm ít nhất 10% trong quý II. 
Tháng trước, cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch dự kiến GDP của Nga giảm 5,8% vào năm 2020. Đây là điều chỉnh dự báo mới nhất của Fitch với Nga và ngày càng tệ hơn. Vào tháng 5, Fitch dự đoán mức giảm 5%, trong khi vào cuối tháng 4 dự báo giảm 3,3% và đầu tháng 4 chỉ dự báo giảm 1,4%. Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại Fitch, cho biết nguy cơ tái phát virus và nối lại các hạn chế trên toàn quốc có thể làm gián đoạn nghiêm trọng sự phục hồi kinh tế dự kiến còn rủi ro cao. Dự báo cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng GDP 2020 của Nga giảm 6,6%.
Sóng suy thoái hậu Covid-19: Nga - Chật vật khôi phục kinh tế ảnh 1
Tương tự, Thống đốc Ngân hàng Nga Elvira Nabiullina dự báo thiệt hại kinh tế của Nga do Covid-19 có thể lên tới 6% GDP. Bà nói rằng để GDP hồi phục mức của năm 2019 phải đợi tới nửa đầu năm 2022. Trước đó trong cuộc phỏng vấn với TASS, Chủ tịch Ngân khố Alexey Kudrin nói nền kinh tế Nga hiện đang ở trung tâm của “cơn bão hoàn hảo” gây ra bởi Covid-19, giá dầu giảm và mất giá đồng rúp. Ông tin rằng năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế nhưng chỉ ở mức 3,5-4%.

65% dân số không có tiền phòng thân
65% hộ gia đình Nga báo cáo không có tiền tiết kiệm, theo kết quả khảo sát của Levada, được công bố hôm 11-5. Theo khảo sát của Levada, mức tiết kiệm trung bình nằm trong khoảng 140.000-219.000 rúp (tương đương 2.100-3.300USD). Tiết kiệm trung bình tổng cộng ít hơn 20.000 rúp trong số người Nga có thu nhập thấp hơn và 175.000 rúp trong số người có thu nhập cao hơn. 
Vào cuối tháng 3, thủ đô Nga đã đóng cửa tất cả doanh nghiệp, ngoại trừ doanh nghiệp được coi là thiết yếu, như cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc. Các khu vực khác cũng đóng cửa, khiến hàng triệu người chật vật với các chi tiêu cơ bản hàng ngày. Theo một cuộc thăm dò, chỉ 42% hộ gia đình Nga có đủ tiền tiết kiệm để duy trì chi tiêu thiết yếu không cần vay trong 1 tháng. Trong khi một cuộc thăm dò khác cho thấy 75% hộ gia đình phải vay tiền trong nửa cuối tháng 4 để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. Tổng thống Vladimir Putin ban đầu yêu cầu các công ty tiếp tục trả lương trong thời gian đóng cửa. Sau đó, ông cho biết sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và gia đình có trẻ em gặp khó khăn nghiêm trọng. 
Tính đến đầu tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi lên 1,4 triệu trong 1 tháng. Con số đó có thể tăng lên khoảng 7% trong tháng 4 so với 4,7% trong tháng 3. Vì thế, mức tiêu thụ dịch vụ ở Nga trong tháng 4 đã giảm gần 60%. Thống đốc Elvira Nabiullina cảnh báo nợ vay và nợ xấu sẽ tăng lên. Các cá nhân và công ty dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng nợ ngân hàng khoảng 256 tỷ USD. Thu nhập hộ gia đình và việc làm có thể phục hồi phần nào trong nửa cuối năm 2020, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng trong năm nay có thể giảm 6%.
Yếu từ trước đại dịch
Khi tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 bộc lộ, Nga đã đặt ra hạn chót ngày 1-6 để đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia. Đến nay, các gói kích thích kinh tế do chính phủ Nga công bố chỉ khoảng 2,8% GDP và bị nhiều người chỉ trích quá ít ỏi. Một số nhà kinh tế kêu gọi tăng chi tiêu lên 7-10% GDP để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, Nga sẽ phải xây dựng kế hoạch phục hồi trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên toàn thế giới và giá cả hàng hóa giảm do nhu cầu giảm, dẫn đến mất doanh thu từ xuất khẩu dầu khí. Với vai trò xuất khẩu năng lượng trong nền kinh tế Nga, sự sụp đổ nhu cầu và giá cả thấp là mối lo ngại lớn.
Từ sau năm 2014, khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn do giá dầu giảm từ 115USD/thùng xuống còn 80USD/thùng. Còn bây giờ, dầu thô Urals đang lơ lửng ở mức 35USD, thấp hơn mức 57USD/thùng Nga ước tính để hoạch định ngân sách năm 2020. Lo sợ thời kỳ giá hàng hóa thấp kéo dài, Nga hiện đang tính toán việc sử dụng Quỹ phúc lợi quốc gia trị giá 157 tỷ USD. Quỹ này được thành lập để bù đắp tổn thất doanh thu thuế từ xuất khẩu dầu nếu giá trượt xuống dưới 42USD/thùng. Ngoài quỹ phúc lợi, Nga đã xây dựng dự trữ đáng kể và duy trì khoản nợ công thấp, điều này mang lại cho Moscow khả năng bổ sung vào kế hoạch kích thích kinh tế trong những ngày tới. Dù vậy, chính phủ Nga không chắc chắn về hoạt động kinh tế đầy đủ sẽ được khôi phục trong năm nay.

Cần cải cách cơ cấu
Mức tăng trưởng thấp bất chấp điều kiện kinh tế vĩ mô mạnh mẽ của Nga - đặc trưng bởi mức nợ thấp, dự trữ cao và ngân sách thặng dư - đã bị đổ lỗi do thiếu cải cách hệ thống. Chúng bao gồm đa dạng hóa kinh tế chậm, sự tham gia của nhà nước vào nền kinh tế, tham nhũng tràn lan, luật pháp không thuận lợi cho kinh doanh và dân số giảm.
Trong khi những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, chính phủ Nga đã công bố các dự án quốc gia trị giá 400 tỷ USD tập trung vào 13 lĩnh vực chính như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nhà ở, nhân khẩu học, môi trường, doanh nghiệp nhỏ, xuất khẩu, kinh tế kỹ thuật số… Do các lệnh trừng phạt của phương Tây và đầu tư nước ngoài bị đình trệ, các dự án này dự kiến là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong những năm tới. Nhưng đại dịch phát sinh đã đặt ra câu hỏi về khả năng nhà nước đầu tư vào các dự án này theo kế hoạch trước đó.
Ngoài ra, các dự án này sẽ cần đi đôi với cải cách cơ cấu nếu chúng có tác động tích cực đến nền kinh tế Nga. Như người đứng đầu phòng kiểm toán Alexei Kudrin đã đề xuất, cần có cải thiện bền vững lâu dài để dẫn đến tăng trưởng thu nhập, nền kinh tế đổi mới và các tổ chức nhà nước đầy đủ. Ngoài việc giảm sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu năng lượng, đề xuất khác bao gồm cải cách cơ cấu tư pháp, cải cách thực thi pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu, xử lý tham nhũng và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy nên kinh tế vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
 Chính phủ Nga dự kiến chi khoảng 5.000 tỷ rúp (tương đương 72 tỷ USD). Mục tiêu đạt tăng trưởng thu nhập thực tế ổn định cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5% và đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 2,5%/năm vào cuối năm 2021. 

Các tin khác