1 năm thực thi EVFTA: Giúp tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh COVID-19 phức tạp

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Đến nay, cả nước đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. (Ảnh: TTXVN)
Đến nay, cả nước đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. (Ảnh: TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong những FTA thế hệ mới mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư đầy tiềm năng với một trong những đối tác lớn và quan trọng nhất.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam vừa thực hiện Báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tổng thể tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam sau một năm và trong bối cảnh COVID-19 cùng với những thay đổi về mặt chính sách nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA.

Duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Theo ông Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ cùng với các bộ, ngành liên quan đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện EVFTA. Đến nay, cả nước đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh thành phố ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định này.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thương mại giữa Việt Nam và EU vẫn có những cải thiện nhất định sau một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trên 6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,7 tỷ USD. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế EU trong quý 2/2021 đồng thời việc giảm thuế quan giúp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, một số ngành được miễn gần như toàn bộ thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU có mức tăng trưởng mạnh như các mặt hàng sắt, thép và các sản phẩm từ nhựa, cao su. Mặt khác, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD.

Do tác động của dịch COVID-19, việc di chuyển qua lại giữa hai bên bị gián đoạn đã khiến cho hoạt động đầu tư bị tổn thất nặng. Giai đoạn 8/2020 – 8/2021, tổng số dự án cấp mới của các quốc gia thuộc EU vào Việt Nam chỉ đạt 151 dự án, giảm 21,35% so với cùng kỳ. Tính tổng vốn đăng ký FDI từ các nước EU chỉ nhỉnh hơn 1 tỷ USD và giảm hơn 38% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác quan trọng, 2016-2020 (Đơn vị: tỷ USD): 

EVFTA thuc day tang tuong xuat khau trong boi canh COVID-19 phuc tap hinh anh 1
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

“Với những cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được kỳ vọng là cú hích đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông, thủy sản. Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của EVFTA,” ông Long đánh giá.

Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra Việt Nam đang đi theo chiến lược “dễ làm trước, khó làm sau” nên có thể dự báo tốc độ cải cách luật pháp ở Việt Nam sẽ chậm dần so với yêu cầu của EVFTA.

Ngoài ra, ông Long đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề thực thi pháp luật, trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, doanh nghiệp nhà nước và vấn đề bảo vệ môi trường/biến đổi khí hậu.

Cải cách sẽ ngày càng khó và chậm hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được sau một năm EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Ông Long nhấn mạnh cần ý thức một thực tế, cải cách của Việt Nam nhằm đáp ứng đòi hỏi của EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn.

Để đảm bảo việc tuân thủ đúng các cam kết trong Hiệp định và tận dụng triệt để các lợi ích từ EVFTA, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP liên quan đến nội dung quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong kiểm tra thực tế hàng hóa để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực, năm 2019-2020. (Đơn vị: tỷ USD):

EVFTA thuc day tang tuong xuat khau trong boi canh COVID-19 phuc tap hinh anh 2
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Cùng với đó, Bộ Công thương cần bổ sung quy định về hàng tân trang vào Thông tư hướng dẫn, cụ thể là Thông tư số 11/2020 để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên sớm hoàn thiện để trình Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các nội dung về Mua sắm công; Bộ Giao thông Vận tải cần sớm ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA để giúp các doanh nghiệp kinh doanh phương tiện cơ giới và phụ tùng thiết bị của xe cơ giới tham gia thị trường dễ dàng hơn và tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định.

Về mặt hành chính, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng cần giảm bớt các thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh chi phí thương mại của Việt Nam đang cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, ông Long nhấn mạnh công tác truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ các quy định trong EVFTA, để có thể tận dụng triệt để các lợi ích thương mại từ Hiệp định là rất quan trọng.

Các tin khác