2020 - FDI “giải cứu” bất động sản

(ĐTTCO)-Năm 2019, bất động sản (BĐS) xếp thứ 2/19 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và xu hướng dòng vốn ngoại đổ vào BĐS được dự báo còn tăng mạnh trong năm nay.
Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS.
Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS.
BĐS hấp dẫn NĐT ngoại
Năm 2019, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS trên 2,7 tỷ USD, chiếm 17,8% trong tổng vốn đầu tư, xếp thứ 2 sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Đáng chú ý, năm 2019 số lượng NĐTNN tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng 30% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Điều này cho thấy BĐS vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút NĐTNN. 
Có nhiều nguyên nhân dòng vốn FDI đi vào lĩnh vực BĐS. Trước hết, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, tăng trưởng về các yếu tố kinh tế vĩ mô, cũng như tích cực cải thiện môi trường đầu tư, giúp thị trường BĐS giữ được sự ổn định cần thiết.
Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu nhập người dân, đặc biệt có lực lượng lao động trẻ tăng nhanh, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng nhanh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và những khu vực tập trung các khu công nghiệp. 
Ngoài ra, Việt Nam có đường bờ biển hơn 3.000km với rất nhiều cảnh quan và bãi tắm đẹp, có nhiều vùng sông núi thuận lợi cho xây dựng khu nghỉ dưỡng; các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng đang có rất nhiều vị thế đầu tư BĐS, hứa hẹn đem lại hiệu quả đầu tư cao. Đây sẽ là động lực tiếp tục thu hút NĐTNN đến với Việt Nam. 
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, quá trình hội nhập kinh tế cũng được đẩy nhanh. Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước. 
Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến của nhiều NĐTNN. Chính vì thế, yêu cầu đầu tư phát triển BĐS công nghiệp đang là cơ sở tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp và nền kinh tế trong mắt NĐT quốc tế. 

Chọn lọc NĐT chiến lược
 Việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, có đủ cơ sở để kỳ vọng đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng trưởng 2020. Trong đó, vốn FDI là nhân tố quan trọng giải cứu thị trường BĐS vốn đang trầm lắng.
Theo Bộ Xây dựng, hàng năm nhu cầu nhà ở tăng thêm của nền kinh tế hơn 100 triệu m2. Bên cạnh phân khúc giá rẻ, các sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, công nghiệp và  cơ sở hạ tầng đòi hỏi kiến trúc có chất lượng cao, vốn nhiều, kỹ thuật phức tạp đang có xu hướng tăng mạnh. Với nguồn lực hạn chế, NĐT BĐS trong nước rất cần sự kết hợp của NĐTNN về nguồn vốn, năng lực kỹ thuật, trình độ tổ chức quản lý.
Tuy nhiên, để dòng vốn FDI vào thị trường BĐS mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lọc, có tính toán và phù hợp với quy hoạch.
Thứ nhất, cần có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch phát triển BĐS sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn. Quy hoạch hợp lý đầu tư BĐS sẽ giúp đáp ứng đầy đủ, kịp thời các cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng dồn cục, phân bố không đều và ứ đọng các dự án.
Thứ hai, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp lý có liên quan đến việc mua bán, sở hữu và sử dụng các loại hình BĐS khác nhau. Về nguyên tắc thị trường, việc mua bán chỉ được thực hiện khi có sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa.
Tuy nhiên, do giá trị lớn, thời gian xây dựng lâu dài, Việt Nam đã chấp nhận cho các chủ đầu tư “bán trước” các sản phẩm. Nhưng do các quy định pháp lý thiếu cụ thể, chưa chặt chẽ nên xảy ra nhiều tranh chấp. Hơn nữa, loại hình căn hộ dịch vụ du lịch (condotel) chưa có các định nghĩa, quy định pháp lý cụ thể nên cũng đang là những vấn đề nổi cộm của thị trường.
Thứ ba, cần tạo ra bộ lọc NĐT và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý các dự án. Qua đó, Việt Nam có thể lựa chọn được NĐT tốt, có kinh nghiệm, có thực lực, có khả năng kết nối thị trường du lịch, BĐS quốc tế.
Thứ tư, các doanh nghiệp BĐS trong nước cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đất, các chương trình, dự án để đầu tư kinh doanh nhanh, gọn, dứt điểm từng dự án. Trong kinh doanh phải giữ gìn chữ “tín”, phải kinh doanh thực chất, tránh các hình thức mập mờ, thiếu thiện chí, không làm tròn trách nhiệm. Trong các hợp đồng phải rõ ràng, tỉ mỉ và có quy trách nhiệm cụ thể theo các điều luật để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả pháp lý khi kinh doanh BĐS.
Thứ năm, tăng cường liên doanh, liên kết với NĐTNN để thu hút vốn, thu hút kỹ thuật, các NĐT có chất lượng, có tầm nhìn và có thị trường, có khách hàng quen thuộc ở các nước có nền kinh tế phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài cho các dự án, từ đó tạo cho thị trường BĐS luồng sinh khí mới, đầu tư thực chất, gắn đầu tư với sản xuất, kinh doanh thực. 
Tuy nhiên, cần xác định cách thức và phương án liên doanh, liên kết, cẩn trọng trong hợp tác kinh doanh. Doanh nghiệp BĐS cần cẩn trọng trong tìm kiếm đối tác ngoại khi liên doanh, liên kết. Chủ đầu tư có nguồn lực, có kỹ năng trong xây dựng và kinh doanh BĐS phải có mục đích thực chất và gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư.  

Các tin khác