2020 - Kỷ nguyên kinh tế số

(ĐTTCO) - Sự cộng hưởng của việc áp dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau đang thực sự làm cho nền kinh tế bước vào một kỷ nguyên số. Khi đó, hàng loạt vấn đề mới sẽ nảy sinh, từ hành vi người tiêu dùng, trải nghiệm khách hàng, xung đột lợi ích, quản lý con người cho đến câu chuyện hoạch định chính sách, điều tiết thị trường và quản lý nhà nước.
Và điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ chọn cách ứng xử với những vấn đề này như thế nào nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế số phát triển để bắt kịp xu hướng của thế giới, nhưng tuyệt đối giữ vững được sự ổn định và không xảy ra đổ vỡ.
Theo một báo cáo được công bố mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 10 lĩnh vực công nghệ đang gây tiếng vang và là xu hướng chính trong nền kinh tế số bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), mạng 5G, sức mạnh máy tính, công nghệ robot, các quy trình tự động hóa, tương tác mạng xã hội, thanh toán kỹ thuật số, các siêu nền tảng và công nghệ giọng nói.
Những nội dung này đã cho thấy công nghệ đang lan tỏa trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, làm thay đổi cơ bản thói quen và trải nghiệm của người dùng từ những hoạt động, sinh hoạt bình thường mỗi ngày cho đến nghề nghiệp và các công việc chuyên môn.
Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp và định chế sẽ phải nghiên cứu áp dụng công nghệ và dần số hóa để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và áp lực cạnh tranh. Quy trình này sẽ khiến nền kinh tế truyền thống bước vào một kỷ nguyên chuyển đổi số.
2020 - Kỷ nguyên kinh tế số ảnh 1 10 lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng chính trong nền kinh tế số.
Điểm hội tụ công nghệ
Vì sao năm 2020 có khả năng sẽ là khởi đầu của một kỷ nguyên kinh tế số? Bởi nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng 5 năm trở lại đây là khoảng thời gian xảy ra sự hội tụ của các công nghệ. Chính sự cộng hưởng trong quá trình chuyển đổi số của nhiều lĩnh vực khác nhau đã tạo ra sự bùng nổ của nhiều mô hình, giao thức kinh doanh mới, thậm chí có thể thai nghén các phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất mới.
Và thời điểm hiện tại có thể được xem là tâm điểm của quá trình hội tụ công nghệ đó. Trên nền tảng kinh tế chia sẻ, sự hội tụ và cộng hưởng đó sẽ càng lan tỏa mạnh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng. Bởi lẽ, nó sẽ là một xu hướng mà doanh nghiệp, công chúng và các Chính phủ không thể đứng ngoài.
Có thể lấy thí dụ ở lĩnh vực thương mại điện tử. Thật ra thương mại điện tử đã ra đời cách đây khá lâu, nếu tính từ thời điểm các “ông lớn” như Amazon hay eBay ra đời thì đến nay đã 25 năm. Thế nhưng vì sao mãi đến những năm gần đây thương mại điện tử mới thực sự bùng nổ và đe dọa sự tồn tại của các kênh bán hàng truyền thống.
Bởi vì chúng ta hiểu rằng hai nền tảng quan trọng của bất kỳ hình thức thương mại nào là phương thức thanh toán và giao nhận trong quá khứ còn quá “truyền thống”. Khoảng thời gian từ 5 năm trở về trước, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu thực hiện qua thẻ tín dụng hoặc các kênh chuyển tiền xuyên biên giới với các phương thức bảo mật kém và không thuận tiện.
Tương tự như vậy đối với các phương thức giao nhận, mất thời gian và chi phí cao. Tất cả những điều này đã làm cho người dùng trong quá khứ không mặn mà với thương mại điện tử.
Nhưng ngày nay, với sự ra đời của các hình thức thanh toán trực tuyến mới như ví điện tử, tiền di động (mobile money), quét mã QR, công nghệ Block-chain đã khiến cho việc bảo mật trở nên an toàn và trải nghiệm người dùng thuận tiện hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, sự ra đời của các hình thức vận tải công nghệ mà Grab hay trước đó là Uber đã giúp các phương thức giao nhận trở nên nhanh chóng với chi phí thấp.
Chính sự cộng hưởng công nghệ này đã làm cho thương mại điện tử và các hình thức bán hàng trực tuyến khác bùng nổ, và dường như đã làm thay đổi một cách căn bản thói quen mua sắm của người dùng trên toàn thế giới.
Hội tụ công nghệ còn được minh chứng bằng sự thành công của Grab và các hãng vận tải công nghệ đang mọc lên như nấm. Uber và Grab đã vô cùng chính xác khi chọn “điểm rơi” để đổ bộ vào Việt Nam thời điểm 2014 - 2015. Bởi lẽ chỉ cần họ vào sớm hơn một chút thì sự thành công chắc chắn sẽ khó có thể nói được.
Bởi lẽ trước đó điện thoại thông minh còn đắt đỏ, chi phí 3G và internet còn khá cao so với người dùng bình dân. Và quan trọng là tập hợp khách hàng công nghệ chưa đủ lớn và được huấn luyện nhuần nhuyễn để có thể tiếp cận các phần mềm gọi xe công nghệ một cách dễ dàng.
Như vậy, chính sự cộng hưởng của việc áp dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau đang thực sự làm cho nền kinh tế bước vào một kỷ nguyên số. Và khi đó, chắc chắn hàng loạt vấn đề mới sẽ nảy sinh, từ những yếu tố vi mô như hành vi người tiêu dùng, trải nghiệm khách hàng, quản lý con người, cho đến các vấn đề vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ và điều tiết một nền kinh tế số sẽ làm các chính phủ lúng túng, và đương nhiên có Việt Nam chúng ta.

Những thách thức và rào cản
Thách thức cơ bản nhất là việc chuyển đổi số sẽ diễn ra như thế nào, nói cách khác là làm sao dung hòa lợi ích và quản lý song song các mô hình kinh tế truyền thống và kinh tế số hay kinh tế chia sẻ. Điển hình là câu chuyện xung đột lợi ích giữa vận tải truyền thống và dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet, Bee hay VATO...
Hoặc tương tự là bài toán cộng sinh hay loại trừ nhau giữa hệ thống tài chính truyền thống và tài chính công nghệ fintech, giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng internet OIB (Only Internet Banking). Câu hỏi đặt ra là liệu quá trình chuyển đổi sẽ mượt mà hay xảy ra đổ vỡ là một thách thức vô cùng lớn cho các nhà điều hành và Chính phủ.
Phần lớn các nghiên cứu gần đây về triển vọng của nền kinh tế số đều cho rằng rào cản lớn nhất là vấn đề lòng tin. Nghĩa là làm sao các mô hình hay sản phẩm công nghệ mới tạo được sự tin cậy đối với khách hàng và rộng rãi cộng đồng. Bitcoin (BTC) là một hiện tượng điển hình.
Hiện nay trên thế giới, giới chuyên môn vẫn đang tranh cãi kịch liệt về bản chất tiền tệ của BTC và có nên chấp nhận nó một cách chính thức trong các giao dịch thanh toán hay không. Nếu ngân hàng trung ương và công chúng trên thế giới chấp nhận BTC như một hình thái tiền tệ mới thì lịch sử kinh tế thế giới sẽ sang trang, các học thuyết kinh tế, chính sách tiền tệ… phải được viết lại.
Và khi đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều mô hình, sản phẩm và dịchh vụ mới ra đời dựa trên đồng tiền kỹ thuật số này. Nếu ngược lại, BTC bị hoài nghi và thậm chí tẩy chay thì sứ mệnh của nó sẽ sớm kết thúc. Chính vì vậy mà mấu chốt của kỷ nguyên kinh tế số là làm sao tạo dựng được lòng tin để thay đổi thái độ và ứng xử của cộng đồng đối với kinh tế số.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, kinh tế số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các mô hình quản lý truyền thống. Một điều tồn tại hiển nhiên là thể chế và luật pháp luôn đi sau thị trường. Và thách thức của một thập niên tới là liệu những phương thức quản lý nhà nước truyền thống có còn phù hợp và hiệu quả đối với kinh tế số hay không? Có thể minh họa điều này qua câu chuyện quản lý thuế.
Khoảng giữa năm 2018, Cục Thuế TPHCM khẳng định quyết tâm thực hiện quản lý doanh thu để tiến đến truy thu thuế của các cá nhân kinh doanh qua mạng mà chủ yếu là Facebook. Hoặc cơ quan thuế cũng đang tìm kiếm giải pháp để có thể chứng minh các giá trị giao dịch và thu thuế của các cá nhân mua bán hoặc thuê các dịch vụ của Google, Apple hoặc ngược lại là các cá nhân được Google, YouTube trả tiền cho các ứng dụng phần mềm hoặc sản phẩm dịch vụ mà họ tạo ra và bán thông qua các kênh này. Tất cả nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước hầu như đều chưa có hiệu quả hoặc tác dụng rõ rệt.
Một thách thức to lớn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã từng được cảnh báo, là khi các tập đoàn thương mại điện tử phát triển và vận hành một hệ sinh thái kinh doanh khép kín bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đầu cuối từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử đến khám chữa bệnh…
Đặc biệt là tất cả các giao dịch này đều được thực hiện thanh toán thông qua ví điện tử của chính các công ty này tạo ra thì nhiều vấn đề về quản lý nhà nước, thậm chí là an ninh tiền tệ sẽ được đặt ra. Chẳng hạn như làm sao để xác định doanh số thực sự phát sinh hàng tháng, quý, năm để làm cơ sở tính thuế, bởi khi đó toàn bộ giá trị của các giao dịch sẽ bị “che phủ” bởi việc thanh toán được thực hiện qua ví điện tử và có rất nhiều cách để các công ty này có thể qua mặt cơ quan thuế.
Kế đến là sức mạnh và vai trò của VNĐ trong chính sách tiền tệ sẽ bị suy yếu khi nó không còn là đồng tiền duy nhất được chấp nhận trong thanh toán ở Việt Nam theo Hiến định.

Chính phủ trong kỷ nguyên kinh tế số
Kinh tế học truyền thống phân chia nền kinh tế thành hai khu vực: kinh tế thực (khu vực sản xuất ra của cải, vật chất, hàng hóa và dịch vụ) và kinh tế tài chính (thực hiện chức năng tài trợ và đầu tư thông qua thị trường và các định chế tài chính).
Nhưng trong một thập niên tới đây, nếu kinh tế số bùng nổ liệu bên cạnh khu vực kinh tế thực và tài chính có xuất hiện thêm một nền kinh tế số hay không? Liệu quá trình quản lý và điều tiết tổng thể một nền kinh tế bây giờ sẽ khác trước đây như thế nào và các Chính phủ sẽ ứng xử ra sao? Đó là một câu hỏi lớn. 
Có lẽ vì hiểu rõ điều này mà trước đây người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã từng nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ. Và điều quan trọng là các nhà hoạch định và điều hành chính sách của chúng ta chọn cách ứng xử với vấn đề này như thế nào, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế số phát triển để bắt kịp với xu hướng của thế giới nhưng tuyệt đối giữ vững được sự ổn định và không xảy ra đổ vỡ.
Một gợi ý chính sách là Chính phủ có thể tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế để kinh tế số phát triển, thông qua đó học hỏi các nguyên tắc vận hành và từng bước nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phát triển để phù hợp với xu hướng của thế giới. Và đương nhiên mỗi bài học đều tốn kém.
Chẳng hạn như Chính phủ thực sự muốn bật đèn xanh cho nền kinh tế số phát triển có thể phải chấp nhận một phần nào đó thất thoát ngân sách do không thu được thuế, nhưng đây có thể được xem như một phần chi phí của việc tiếp cận với công nghệ mới, hòa nhập với thế giới hơn là một khoản thua lỗ của quản trị tài chính công.
Tiếp cận vấn đề như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết trật tự phân hạng khi mục tiêu tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay.
 Kinh tế số đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và chính phủ các nước họ cũng như ta, đều đang lúng túng xoay sở, nghiên cứu để tìm phương cách quản lý hoặc xây dựng hành lang pháp lý để điều chỉnh các giao dịch này.

Các tin khác