3 mục tiêu lớn khi Thủ tướng công bố dịch Covid-19 toàn quốc

(ĐTTCO)-Khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch Covid-19 toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chiều 1-4
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chiều 1-4

Chiều 1-4, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ: Vào ngày 23-1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở TPHCM, chúng ta đã bắt đầu chống dịch. Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của "cuộc chiến" chống dịch Covid-19.

Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần “toàn dân chống dịch. Cả hệ thống chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" nên thực tế từ hơn 2 tháng qua cả nước đã chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu:

Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành;

Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”;

Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

"Mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1-4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28-1-2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Về diễn biến dịch bệnh Covid-19 liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, thông tin từ Ban Chỉ đạo cho biết, tới trưa 1-4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ 44.293 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3.

Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét ngiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.

Về việc xét nghiệm virus SARS- COV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm Covid-19.

Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao.

Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).

Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc có đặc điểm là độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy. Vì vậy, loại xét nghiệm nhanh sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Đối với Việt Nam, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy để xác định chính xác.

Các tin khác