3 thách thức buộc EVN tái cấu trúc

(ĐTTCO) - Từ tháng 8 đến tháng 10-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu điện toàn quốc thấp hơn 2,8-10% so với cùng kỳ 2020. 
3 thách thức buộc EVN tái cấu trúc
Điện thương phẩm 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ 2020, mức tăng thấp trong nhiều năm qua. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thích ứng tốt với những biến đổi của kinh tế xã hội, EVN đã xác định phải thực hiện những giải pháp mạnh mẽ.
Cụ thể, vận hành hệ thống điện trong bối cảnh tỷ trọng năng lượng tăng nhanh và nhu cầu điện tăng trưởng ở mức độ cao để phục hồi kinh tế, tái cấu trúc ngành điện theo hướng cạnh tranh và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.
Trong giai đoạn sắp tới, có 3 xu hướng, cũng là 3 thách thức EVN phải đối mặt. Thứ nhất, cam kết của Việt Nam tại COP26 từ nay đến 2050 sẽ thực hiện lộ trình giảm thiểu và tiến đến phi hóa hoàn toàn carbon, trong đó trọng tâm là các nhà máy nhiệt điện than.
Thứ hai, hiện nay một số nhà máy điện lực và trung tâm điện lực tập trung ở một số điểm với quy mô lớn nên công tác vận hành, truyền tải thuận tiện hơn.
Nhưng với việc chuyển đổi cơ cấu, sự phát triển và thâm nhập của năng lượng tái tạo sẽ hình thành những nhà máy điện nhỏ và siêu nhỏ, phân bố rải rác khắp nơi, sẽ gây áp lực về cơ sở hạ tầng truyền tải cũng như quản lý.
Thứ ba, xu hướng chuyển đổi số, trong đó ngành điện phải đi trước so với các ngành khác một bước.
Những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng và điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này cũng buộc các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng phải thay đổi. 
Trong những năm gần đây, EVN đã chuyển đổi sang hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, tích hợp theo chiều dọc, đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu hết hoạt động, quy trình nghiệp vụ.
Trong đó, EVN đã số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn tập đoàn nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung.
Trong việc số hóa công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng và mức độ hài lòng cho khách hàng.
Đến nay, tất cả dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 4 - mức cao nhất của Chính phủ điện tử, đồng thời EVN cũng là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả bộ, ngành, địa phương trên cổng thông tin điện tử. 
EVN đang nghiên cứu kết nối, tích hợp hệ thống quản lý khách hàng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong việc cung cấp các dịch vụ điện. Các khách hàng sử dụng điện khi làm các thủ tục về dịch vụ điện sẽ được kiểm tra và tự động chứng thực điện tử các giấy tờ về dân cư như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú...  để ký và thực hiện hợp đồng.
Tháng 6-2020, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ngay sau đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2093/QĐ-BCT (ngày 7-8-2020) phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Đề án đề xuất 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) chuẩn bị; giai đoạn 2 (2022-2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay; giai đoạn 3 (sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng nằm trong quá trình tái cấu trúc của thị trường điện bán buôn cạnh tranh, sau đó là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. 

Các tin khác