4.0 chấp nhận thất thoát để tiếp cận

(ĐTTCO) - Chiến lược quan trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay là tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn và sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. 
Vì vậy, thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN với đặc trưng của Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là một trong những mục tiêu ưu tiên chiến lược hàng đầu của Chính phủ đương nhiệm. Và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ đã mở ra các cơ hội để phát triển và tận dụng tối đa động lực tăng trưởng kinh tế mới này, nhưng cũng đặt ra vấn đề quản lý phải theo kịp.
Thông điệp ấn tượng
Tháng 12-2017, phát biểu khai mạc Hội thảo-Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh-Smart Industry World 2017”, Thủ tướng đã đặt ra ba câu hỏi lớn về nền kinh tế số: Việt Nam đang ở đâu, các nước đang làm gì và Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? 
Gần một năm sau, tháng 9-2018, phát biểu khai mạc WEF ASEAN 2018, người đứng đầu Chính phủ đã đề cập đến những cơ hội và triển vọng phát triển các DNNVV trước làn sóng CMCN 4.0 này. Thủ tướng còn khẳng định các DNNVV sẽ là xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng, mô hình kinh doanh mới và sáng tạo.
Ông cũng cho rằng, bằng việc phát huy tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship), các quốc gia ASEAN có thể đối mặt và vượt qua được các khó khăn và thách thức mà làn sóng CMCN 4.0 này sẽ mang đến.
 Thực tế CMCN 4.0 hầu như đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và họ cũng như ta đều đang lúng túng xoay sở, nghiên cứu để tìm phương cách quản lý, hoặc xây dựng hành lang pháp lý để điều chỉnh các giao dịch này.
Và đến đầu năm nay, khi đối thoại với lãnh đạo của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi và cùng các bạn hiện thực hóa chiến lược, chương trình, kế hoạch về thúc đẩy phát triển trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng một nền công nghiệp 4.0”.
Trả lời câu hỏi của Tổng giám đốc sáng lập Grab Taxi ông Anthony Ping Yeow Tan, về quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với mô hình kinh tế dựa trên nền tảng chia sẻ mới mẻ này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhìn nhận Grab là mô hình kinh doanh mới, ảnh hưởng mạnh đến các mô hình kinh doanh truyền thống. Song với Chính phủ Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ. Do đó, các chính sách của Chính phủ có xu hướng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới. 
Thủ tướng truyền đi một thông điệp mạnh mẽ hơn khi cho rằng, quan điểm không quản lý được thì đóng cửa là lạc hậu, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân.

Thách thức quản lý nhà nước
Nhưng đằng sau những thông điệp cởi mở mạnh mẽ đó của Chính phủ Việt Nam, chúng ta phải hiểu rằng có khá nhiều bài toán hóc búa mà các nhà hoạch định chính sách cần phải tìm ra lời giải.
 Cho rằng Việt Nam là một trong những nơi trú ẩn đầu tư tốt nhất trong thế giới đầy biến động, Thủ tướng mong các nhà đầu tư hãy đến Việt Nam: “Việt Nam luôn mở cửa chào đón các bạn".
Đầu tiên là bài toán làm sao dung hòa lợi ích và quản lý song song các mô hình kinh doanh truyền thống và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ, cũng như kinh tế chia sẻ. Điển hình là câu chuyện xung đột lợi ích giữa vận tải truyền thống và dịch vụ gọi xe công nghệ như Uber, Grab và nhiều ứng dụng đang phát triển nhanh chóng như Go-Viet hay VATO…
Các cơ quan quản lý cũng đã tích cực nghiên cứu và thường xuyên “trưng cầu dân ý” thông qua các hình thức thí điểm và công bố rộng rãi, để lấy ý kiến dư luận về hành lang pháp lý cho taxi truyền thống và taxi công nghệ. Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật, Đài Loan, Anh, một số bang ở Canada và Mỹ,  Uber và Grab bị cấm hẳn; Tòa Công lý châu Âu thì ra phán quyết hoạt động của Uber là hoạt động kinh doanh vận tải…
Kế đến là bài toán ứng xử với các đồng tiền mã hóa mà Bitcoin (BTC) là một hiện tượng nổi trội. Hiện nay trên thế giới, giới chuyên môn vẫn đang tranh cãi kịch liệt về bản chất tiền tệ của BTC, có nên chấp nhận nó một cách chính thức trong các giao dịch thanh toán hay không. Điều đó có nghĩa thế giới vẫn còn chưa tìm ra, hay nói đúng hơn là chưa thống nhất trong việc ứng xử với hình thái tiền tệ đặc biệt này. Nhiều quốc gia thừa nhận BTC nhưng cũng có nhiều nước thì cấm hẳn.
4.0 chấp nhận thất thoát để tiếp cận ảnh 1 Xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là bài toán khó trong quản lý nhà nước. 
Trong khi đó, cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Quan điểm của Chính phủ là một sự chuẩn bị hết sức cần thiết, kịp thời và phù hợp để đón đầu và từng bước tạo hành lang pháp lý trong việc ứng xử với các loại tài sản và đồng tiền công nghệ trong tương lai.
Trong khi đó tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định lại quan điểm (kể từ năm 2014), không công nhận BTC là một loại tiền tệ. Bởi lẽ, dưới góc độ điều hành chính sách tiền tệ, chúng ta chưa sẵn sàng các điều kiện cần thiết để lưu hành đồng tiền công nghệ này, nên không thể đánh đổi những rủi ro vô cùng lớn của ổn định vĩ mô để đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0 một cách đầy mạo hiểm như vậy.
Vậy nhưng, BTC ở Việt Nam vẫn còn “con đường sống” thông qua việc giới kinh doanh mua bán và đào coin vẫn liên tục hoạt động và chờ đợi vào khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử của Chính phủ vẫn còn đang để mở. Rõ ràng chúng ta không cấm hẳn nhưng cũng không thừa nhận chính thức BTC nói riêng hay các hình thức tiền điện tử khác nói chung. 
Và một bài toán nan giải nhất của nền kinh tế số hiện nay là thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt là trên phương diện quản lý thuế. Khoảng giữa năm 2018, Cục Thuế TPHCM khẳng định quyết tâm thực hiện quản lý doanh thu để tiến đến truy thu thuế của các cá nhân kinh doanh qua mạng mà chủ yếu là Facebook.
Có trường hợp điển hình cơ quan thuế đã truy thu và phạt một cá nhân số tiền lên đến 9 tỷ đồng, vì đã không khai báo đúng và đủ doanh thu từ hoạt động kinh doanh qua mạng của mình. Điều đó cho thấy rằng có một số tiền thuế rất lớn đang bị thất thu do hoạt động thương mại điện tử, dựa trên nền tảng internet tạo ra.
Hoặc một câu chuyện khác là cơ quan thuế cũng đang tìm kiếm giải pháp để có thể chứng minh các giá trị giao dịch và thu thuế của các cá nhân mua bán hoặc thuê các dịch vụ của Google, Apple, hoặc ngược lại các cá nhân được Google, Youtube trả tiền cho các ứng dụng phần mềm, hoặc sản phẩm dịch vụ mà họ tạo ra và bán thông qua các kênh này. Tất cả các nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước hầu như đều chưa có hiệu quả hoặc tác dụng rõ rệt.
Và thách thức to lớn lẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất hiện nay được cảnh báo, là khi các tập đoàn thương mại điện tử phát triển và vận hành một hệ sinh thái kinh doanh khép kín, bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đầu cuối từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử đến khám chữa bệnh…
Và đặc biệt tất cả các giao dịch này đều được thực hiện thanh toán thông qua ví điện tử của chính các công ty này tạo ra (thí dụ như hiện nay có Moca của Grab, Airpay…). Do vậy vấn đề quản lý nhà nước, thậm chí là an ninh tiền tệ sẽ được đặt ra. Chẳng hạn như làm sao để xác định doanh số thực sự phát sinh hàng tháng, quý, năm để làm cơ sở tính thuế, bởi khi đó toàn bộ giá trị của các giao dịch sẽ bị “che phủ” bởi việc thanh toán được thực hiện qua ví điện tử và có rất nhiều cách để các công ty này có thể qua mặt cơ quan thuế. 

Thất thoát ngân sách, tiếp cận công nghệ mới
Như vậy có thể hiểu vì sao Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận cuộc CMCN 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ. Và điều quan trọng là cách mà các nhà hoạch định và điều hành chính sách của chúng ta chọn cách ứng xử với vấn đề này như thế nào, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế số để bắt kịp với xu hướng của thế giới. 
Cơ quan quản lý có thể tạo điều kiện để kinh tế số phát triển, thông qua đó học hỏi các nguyên tắc vận hành và từng bước nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phát triển để phù hợp với xu hướng của làn sóng CMCN 4.0. Nếu thực sự chúng ta muốn “bật đèn xanh” cho nền kinh tế số phát triển, thì có thể phải chấp nhận một phần nào đó thất thoát ngân sách do không thu được thuế, nhưng đây có thể được xem như một phần chi phí của việc tiếp cận với công nghệ mới, hòa nhập với thế giới hơn là một khoản thua lỗ của quản trị tài chính công. 
Tiếp cận vấn đề như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết trật tự phân hạng, khi mục tiêu tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để phát triển KTTN, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay.
Điều này đã được Thủ tướng tuyên bố rõ trong thông điệp đầu năm tại Davos với các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới: Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách, chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công-tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong CMCN 4.0, với chủ thể trọng tâm là các doanh nghiệp trẻ có khát vọng sáng tạo, không sợ vấp ngã để tiến lên mạnh mẽ. 

Các tin khác