5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(ĐTTCO) -Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm và 5 năm 2021-2025.

Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Phấn đấu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đối tượng, thời gian hỗ trợ

Nghị quyết nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Nhóm thứ nhất, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh: 

Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn và tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp; phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư trong kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chính sách.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Nhóm thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: 

Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội:

- Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng.

- Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng.

- Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.

- Cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi thuộc Chương trình theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý quy định tại quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng.

Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỷ đồng.

Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Nhóm thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí:

- Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

- Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2021 và các văn bản có liên quan.

- Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2021.

- Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Điều kiện hỗ trợ: Thuộc đối tượng thụ hưởng, đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.

Nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rà soát, sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.

Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 4.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Nhóm thứ tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 02 năm 2022 và 2023, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet.

Nhóm thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: 

Khẩn trương xây dựng, trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.

Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi để đạt được các chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cân đối giải pháp tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Các tin khác