Đại dịch toàn cầu và triển vọng phục hồi kinh tế

5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch

(ĐTTCO)-Các hậu quả nặng nề của quá trình cách ly xã hội để chống dịch cũng như phản ứng chính sách của các quốc gia trên thế giới, đã tạo ra các cú sốc dai dẳng và có tính hệ thống (permanent shock) đối với nền kinh tế toàn cầu. 
Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy có 5 xu hướng và thách thức có thể đặt ra cho các quốc gia nói chung trong quá trình phục hồi kinh tế, bao gồm: Tình trạng các nền kinh tế bị "ngập" trong tiền và nguy cơ khủng hoảng nợ công; Sự đứt gãy, tái cấu trúc trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và hiện tượng "quay đầu" của các dòng vốn FDI; Xu hướng kích cầu nội địa và thoái trào của toàn cầu hóa; Triển vọng hình thành một trật tự thế giới mới giai đoạn hậu Covid – 19; Cuối cùng là nạn đói và nguy cơ khủng hoảng lương thực.
5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch ảnh 1 Chính sách tiền tệ và tài khóa ở các quốc gia phát triển, giai đoạn tháng 1 đến 5-2020.
Các nền kinh tế bị "ngập" trong tiền và nguy cơ khủng hoảng nợ công
Để chống dịch, hầu hết chính phủ các nước buộc phải phong tỏa nền kinh tế, thực hiện cách ly xã hội để chống dịch. Và để đảm bảo cho cuộc sống của người dân được duy trì tối thiểu và không gây ra sự đổ vỡ hệ thống, chính phủ các nước đã tung ra các gói “giảm đau kinh tế” rất khổng lồ, trị giá khoảng 25.000 tỷ USD.
Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực để ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng và nặng nề, tương tự như những gì đã diễn ra vào thập niên 20 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng cường tính thanh khoản cho thị trường, kỳ vọng gia tăng trong tiêu dùng và đầu tư dường như không đạt được hiệu quả, kết quả này thậm chí tồn tại ở một số quốc gia với mức lãi suất chính sách về gần bằng 0 như Mỹ, Anh, Australia, Ba Lan, New Zealand và dư địa từ chính sách tiền tệ cũng đã dần cạn kiệt. 
5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch ảnh 2 Cán cân tài khóa ở một số quốc gia (% GDP). Nguồn: dữ liệu trích xuất từ IMF
Như vậy, sẽ là một thách thức lớn cho các nước để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng như phát đi tín hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ hồi phục và tăng trưởng trong trung và dài hạn. Xu hướng chung cho thấy các quốc gia hầu như dư thừa trong tiền, bởi vì các hoạt động kinh tế thực không hấp thụ được hết trong giai đoạn dịch bệnh và chính sách tiền tệ dường như không đạt hiệu quả như kỳ vọng khi mà nguồn tiền cứ tồn đọng và mắc kẹt trong hệ thống tài chính. 
Kết quả này xuất phát từ những tác động của Covid-19 khi hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đóng cửa đột ngột, ngành du lịch và vận tải gần như bị tê liệt và các biện pháp phòng chống dịch như đóng cửa biên giới, phong tỏa khu vực có dịch bệnh, cách ly xã hội.
Như vậy, với bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát toàn diện, các hộ gia đình thường có tâm lý bi quan và có xu hướng giảm chi tiêu, các doanh nghiệp thì trì hoãn và giảm đầu tư theo chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời tiết kiệm tối đa để duy trì hoạt động và phòng ngừa rủi ro từ một cú sốc y tế lẫn kinh tế.
Đây có thể được xem như là một cú sốc cầu của nền kinh tế. Cú sốc cầu này thậm chí còn có tác động lớn hơn nhiều so với cú sốc cung đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng. 
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt và đồng bộ trong các chính sách ứng phó với đại dịch, chính phủ hầu hết các nước phải đảm bảo đủ nguồn ngân sách để phát huy tối đa công năng của hệ thống y tế cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế ngay lúc này, đồng thời cần phải chuẩn bị cho một cuộc “trường kỳ kháng chiến” trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch.
Chính vì vậy, nguy cơ khủng hoảng nợ công có thể xảy ra khi mà nguồn thu ngân sách sụt giảm đến từ sự thu hẹp của nền kinh tế ở giai đoạn này. 
Trong khi đó nguồn chi ngân sách từ chính phủ lại tăng cao, đến từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chữa bệnh, mua sắm các thiết bị y tế, xây dựng bệnh viện, chi cho các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, và chi cho các gói hỗ trợ chính sách tài khóa để giảm thiểu tác động của Covid-19.
Do đó, các quốc gia phải đối mặt với khả năng thâm hụt ngân sách và mức nợ chính phủ tăng cao. Một bài toán hóc búa dành cho chính phủ đó là sẽ làm gì để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách trên, hệ lụy này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ công hậu Covid-19.
5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch ảnh 3 Tăng trưởng thương mại toàn cầu (% so với cùng kỳ), 2017-2021. Nguồn: Dữ liệu trích xuất từ WB.
Sự đứt gãy, tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và sự "quay đầu" của các dòng vốn FDI
Các biện pháp phòng chống Covid-19 như đóng cửa biên giới, hạn chế xuất nhập cảnh đã có tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các đầu tàu của chuỗi cung ứng như Mỹ, Trung Quốc, Đức.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất do thiếu nguyên vật liệu, thiếu lực lượng lao động, nhu cầu chi tiêu giảm, hệ thống và cách thức vận chuyển hạn chế, đây được xem như là một cú sốc cung của mỗi quốc gia.
Cũng cần nói rõ rằng, trước khi Covid-19 bùng nổ thì sự dịch chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu còn đến từ các đòn trừng phạt thương mại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch ảnh 4 Biến động dự kiến trong dòng vốn FDI theo khu vực. Nguồn: dữ liệu trích xuất từ WB, IMF, IIF. EAP = East Asia and Pacific, ECA = Europe and Central Asia, LAC = Latin America and the Caribbean, MNA = Middle East and North Africa, SAR = South Asia, SSA = Sub-Saharan Africa.
Có thể nhận thấy rằng Trung Quốc đã trở thành mục tiêu bị hướng tới, các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản đều có những chính sách hỗ trợ các công ty đang có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc rút khỏi quốc gia này (Nhật Bản chi 2,2 tỷ USD).
Hành động này không chỉ là việc trừng phạt nơi bắt nguồn của Covid-19 mà sâu xa hơn là hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (một hành động tháo nút), khi mà nơi này là một mắt xích lớn trong chuỗi cung ứng của thế giới. 
 Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự báo giảm 13,4%, đây là mức thấp nhất kể từ thời hậu Thế chiến II. 
Một thực tế cho thấy hiện nay, các ngành công nghiệp trên thế giới đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc như các nhóm ngành công nghiệp chế tạo ô tô, máy tính, điện tử, dệt may, dược. Cùng với đó, xuất hiện sự “quay đầu” dòng vốn FDI cho thấy sự bi quan của các nhà đầu tư trước những bất ổn của thế giới, từ thương chiến Mỹ-Trung đến sự tàn phá của đại dịch Covid-19.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, sự thoái trào của toàn cầu hóa và đứt gãy trong chuỗi cung ứng có thể được xem là những nguyên nhân chính. Việc dòng vốn FDI suy giảm cũng đã được UNTCTAD dự báo ở mức từ 20% đến 30% trên toàn cầu.
2 xu hướng vừa nêu đã tạo ra một sự thoái trào trong làn sóng toàn cầu hóa theo hình thức trước đây. Điều này cộng hưởng với trào lưu khu vực hóa và sự quay lại thị trường nội địa của các nước sẽ có khả năng dẫn đến việc hình thành một xu hướng toàn cầu hóa theo kiểu mới.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc cũng nói đến khái niệm “lưu thông kép” trong chính sách kinh tế hậu dịch của mình. Và điều này có thể sẽ thúc đẩy việc hình thành một làn sóng toàn cầu hóa theo kiểu mới và một trật tự thế giới sau khi đại dịch qua đi. 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong số báo tuần sau. 

Các tin khác