7 dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Nhà phân tích kinh tế Phillip Inman ngày 25-8 có bài viết trên Guardian, cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đi vào suy thoái. Ông đưa ra 7 dấu hiệu minh chứng cho lập luận của mình.
Thứ nhất, cuộc thương chiến Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Cách đây 18 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổ phát pháo hiệu đầu tiên với cuộc chiến chống bán phá giá thép. Tổng thống Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Canada và Mexico.
Kể từ đó, tất cả “họng súng” của Mỹ đều tập trung vào Trung Quốc. Ông Trump cáo buộc Bắc Kinh đã “gian lận” bằng cách định giá thấp đồng NDT. Ông đã áp thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng Trung Quốc và đã đe dọa sẽ mở rộng phạm vi bao gồm các máy chơi game, PC, điện thoại di động và laptop.
Cho đến nay tác động của thương chiến vẫn chưa thể đo lường hết, nhưng hầu hết quốc gia báo cáo sự suy giảm trong thương mại kể từ khi thuế quan bắt đầu tăng.
7 dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh 1 Những cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử.
Thứ hai, tăng trưởng của Mỹ chậm lại. Ông Trump được thừa hưởng một nền kinh tế đang hồi phục và ông đã tăng tốc cho nó bằng cách cắt giảm thuế thu nhập và giảm các thủ tục hành chính. Thế nhưng, số liệu tuần trước cho thấy khu vực sản xuất của Mỹ suy giảm lần đầu tiên trong một thập niên.
Tuần trước, nhà sản xuất thép US Steel đã báo cáo kết quả kinh doanh rất tệ, khiến công ty có kế hoạch sa thải nhân công. Trước đó, ông Trump từng tin tưởng các công ty thép trong nước sẽ phất lên khi ông áp thuế chống phá giá thép nhập khẩu. Trước tình hình này, ông Trump đang tạo sức ép để buộc FED giảm thêm lãi suất. 
Thứ ba, suy thoái kéo dài ở Đức. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đang muốn dùng 50 tỷ Eur để giúp nền kinh tế chống lại suy thoái sắp xảy ra. Nền kinh tế đã suy giảm trong quý II, với tăng trưởng GDP âm 0,1%, và dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý III với mức giảm lớn hơn.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, khoản tiền dự kiến bơm vào nền kinh tế của Scholz sẽ quá ít và quá muộn để ngăn chặn 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Bước ngoặt vào năm tới phần lớn phụ thuộc vào sự phục hồi ở Trung Quốc, nơi Đức hiện bán nhiều công cụ máy móc, thiết bị công nghiệp và xe hơi.
Thứ tư, khủng hoảng nợ Trung Quốc. Trung Quốc có vai trò lớn hơn cả Mỹ trong việc hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu kể từ sau vụ sụp đổ tài chính năm 2008, nhưng đất nước này đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện. Các ngành công nghiệp nhà nước đã vay rất nhiều và người tiêu dùng cũng vậy. Các ngân hàng bị đè nặng bởi các khoản vay không bao giờ được hoàn trả.
Mỗi lần Bắc Kinh cố gắng kiềm chế cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp quá mức, nền kinh tế toàn cầu lại chao đảo, buộc các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải nới lỏng tín dụng một lần nữa. Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp trong 30 năm, 4,8%. Bắc Kinh muốn nền kinh tế trở nên khép kín hơn với sự thay đổi từ sản xuất sang dịch vụ, nhưng đó là một con đường dài.
Thứ năm, bất ổn Brexit. Sự không chắc chắn xung quanh tương lai của Vương quốc Anh và liệu nó có còn tồn tại trong khối thương mại lớn nhất thế giới hay không, đã làm hỏng đầu tư và tăng trưởng GDP. Nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, hầu hết các nhà kinh tế tin rằng thiệt hại sẽ nghiêm trọng.
IMF, OECD và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo một Brexit không thỏa thuận sẽ đánh bại sự tăng trưởng toàn cầu, vì Anh là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới sau Pháp.
Thứ sáu, những tín hiệu xấu từ Argentina, Iran, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Chuỗi các quốc gia này hiện đang suy thoái hoặc gần đây đã bị co lại. Iran phải đối mặt với sự phong tỏa của Mỹ và không thể bán dầu hoặc tiếp cận thị trường tài chính một cách dễ dàng. Argentina bị đè nặng bởi các khoản nợ khổng lồ và Venezuela - nước nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới - đang trong cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.
Các nhà đầu tư quốc tế không phải lo lắng nhiều về các quốc gia này, vì họ đã bị như vậy từ nhiều năm qua, nhưng Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra một vấn đề lớn hơn. Hai nước này tích hợp nhiều hơn vào thị trường khu vực và quốc tế, điều đó có nghĩa là một khoản nợ bị vỡ sẽ có tác động lớn hơn nhiều.
Thứ bảy, sự lo sợ trên thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán ở Mỹ và Đức vẫn ở mức cao trong lịch sử, nhưng thị trường trái phiếu đang có nhiều mối lo. Các nhà đầu tư cho vay chính phủ Mỹ thông qua thị trường trái phiếu đã bán các khoản vay ngắn hạn vì lo ngại một cuộc suy thoái sắp xảy ra, giống như họ đã làm trước vụ sụp đổ tài chính năm 2008.
Theo nhiều nhà phân tích, “thị trường trái phiếu không bao giờ nói dối”, đặc biệt ở Mỹ. Điều này khiến nhiều người suy đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể gặp rắc rối vào đầu năm tới. Vị cứu tinh có thể là FED. Ngân hàng trung ương này có thể cắt giảm lãi suất về 0, cho phép các công ty và hộ gia đình mắc nợ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đó chỉ là biện pháp tình thế, sẽ đến thời điểm khi các khoản nợ xấu đạt đến mức mà cả ngân hàng và chính phủ không thể đối phó.  
 Theo giới chuyên môn, vấn đề hiện nay không phải là khi nào sẽ có cuộc khủng hoảng kế tiếp, mà nó sẽ diễn ra như thế nào và chúng ta sẽ ứng phó ra sao.

Các tin khác