AI nhìn từ thị trường lao động

(ĐTTCO)-Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Tuy nhiên, để thúc đẩy CĐS thông qua ứng dụng công nghệ, đòi hỏi lao động trong các ngành, lĩnh vực phải có các kỹ năng liên quan. 
AI nhìn từ thị trường lao động
Từ thực tiễn thế giới
Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đối với nền kinh tế và xã hội trong tương lai, đang thu hút sự chú ý và đã có nhiều tranh luận dự đoán về những tác động có thể xảy ra.
Đặc biệt, những đổi mới công nghệ liên quan đến AI và robot đã bắt đầu thay thế một số công việc của con người, là chủ đề được tranh luận nhiều trong thời gian gần đây.
Một số chuyên gia cho rằng nhiều công việc hiện tại sẽ gặp rủi ro (nhân lực bị thay thế), trong khi một số khác lại cho rằng các công nghệ mới như AI và robot sẽ tạo ra những sản phẩm có tính đổi mới, do đó tạo ra nhiều ngành nghề (công việc) mới có liên quan đến các công nghệ này.
Cùng với sự phát triển của AI và công nghệ liên quan, nhu cầu đối với lao động có kỹ năng AI cũng gia tăng ở các ngành nghề tại các quốc gia, đặc biệt tại các nước phát triển.
Chẳng hạn ở Mỹ, nhu cầu chuyên gia AI trong các lĩnh vực máy tính và toán học tăng cao. Bên cạnh đó, các chuyên gia AI thuộc các ngành kiến trúc, khoa học xã hội và đời sống, quản lý, pháp lý và kinh doanh đều có sự tăng trưởng đáng kể. Nhu cầu về AI trong một loạt ngành nghề cho thấy AI thực sự là công nghệ có tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế.
Để thúc đẩy sự phát triển của AI đến việc làm các ngành trong tương lai, giáo dục và đào tạo kỹ năng đóng vai trò quan trọng để lực lượng lao động thích ứng với sự gia tăng của tự động hóa.
Tại các quốc gia đang phát triển, AI được sử dụng trong các ngành nông nghiệp (Brazil), khoáng sản và năng lượng và quản lý nguồn nhân lực (Chile), vận tải và tài chính - ngân hàng (Trung Quốc), chăm sóc sức khỏe (Nigeria).  
Tuy nhiên ở khía cạnh bị ảnh hưởng, báo cáo của Công ty Kiểm toán PWC (2017) cho thấy AI, robot và các hình thức “tự động hóa thông minh” khác sẽ có các mức độ tác động khác nhau đến việc làm của các ngành.
Theo đó, việc làm trong các ngành công nghiệp vận tải và kho bãi bị ảnh hưởng nhiều nhất do chịu sự tác động lớn của việc tự động hóa. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chịu tác động tương tự. Ngành xây dựng đứng ở vị trí thứ 3, trong khi các ngành như giáo dục và công tác xã hội ít bị tác động nhất khi phải đối mặt với sự thay đổi của việc tự động hóa. 
Trong ngắn hạn, lĩnh vực tài chính sẽ đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ AI, do AI vượt trội hơn con người về phân tích dữ liệu thuần túy. Còn trong dài hạn, các ngành vận tải và xây dựng chịu tác động nhiều hơn từ việc tự động hóa. Cuối cùng, các lao động có trình độ đào tạo thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tự động hóa.
Đến khả năng phát triển tại Việt Nam 
Tại Việt Nam, công nghệ đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… Chương trình CĐS quốc gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên CĐS gồm 8 ngành y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.
Có thể dự báo đây sẽ là 8 ngành có các ứng dụng liên quan đến công nghệ như AI và tự động hóa cao trong tương lai. Tuy nhiên, hiện một số ngành nghề trong số 8 ngành trên có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, khả năng ứng dụng AI hạn chế rất nhiều.
Về chi tiết, do không có dữ liệu về mức độ phát triển của AI cũng như trình độ nhân lực có các kỹ năng liên quan đến AI, chúng tôi sử dụng dữ liệu lao động từ 15 tuổi trở lên và đã qua đào tạo của các lĩnh vực ưu tiên CĐS để nhìn nhận về khả năng phát triển của AI tại Việt Nam.
Nguồn: Tổng cục thống kê

Bảng thống kê tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên và đã qua đào tạo của các lĩnh vực ưu tiên CĐS và chịu tác động bởi AI và tự động hóa theo dự báo của PWC, cho thấy các ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; vận tải, kho bãi có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp. Đây cũng là các ngành có tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên cao, chiếm 86,1%.
Ngược lại, các ngành thông tin và truyền thông; tài chính - ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là các ngành có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao.
Nhưng muốn ứng dụng AI không chỉ cần lao động qua đào tạo cao mà cần phải có nguồn nhân lực với các kỹ năng liên quan. Chính vì vậy, vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định AI và các công nghệ liên quan có thể phát triển ở các ngành ưu tiên CĐS này hay không. 
Trong bối cảnh như vậy, để thúc đẩy sự phát triển của AI, tự động hóa đến việc làm trong các ngành trong tương lai, giáo dục và đào tạo kỹ năng đóng vai trò quan trọng để lực lượng lao động thích ứng với sự gia tăng của tự động hóa.
Việc nâng cao kỹ năng có thể thực hiện qua chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở chương trình phổ thông, giảng dạy tư duy logic lập trình ngay từ bậc tiểu học; machine learning (một lĩnh vực nhỏ của khoa học máy tính, có khả năng tự học hỏi dựa trên dữ liệu đưa vào mà không cần phải được lập trình cụ thể) và các ứng dụng của AI ở các bậc đại học, sau đại học. 
Ngoài ra, Chính phủ cần tạo việc làm thông qua các khoản đầu tư của mình, việc đầu tư này sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Cuối cùng, cần tăng cường mạng lưới an toàn xã hội nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc chuyển đổi theo công nghệ mới.
--------------
(*)Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật

Các tin khác