Bài toán điều hành trước làn sóng tăng lãi suất

(ĐTTCO) - Theo số liệu IMF, hiện có tới trên 70 ngân hàng trung ương (NHTW) đã điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đáng chú ý nhất trong số đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 0,75% vào ngày 27-7 vừa qua, và hiện lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên khoảng 2,25-2,5%/năm.
Bài toán điều hành trước làn sóng tăng lãi suất
 Ngày 21-7, ECB (NHTW của 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro) gây bất ngờ khi tăng lãi suất lần đầu trong 11 năm với bước nhảy 0,5%. Trước đó, NHTW Thụy Sĩ (SNB) cũng nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 15 năm, từ mức âm 0,75%/năm lên âm 0,25%/năm. NHTW Anh (BOE) cũng đã có lần thứ 5 liên tiếp trong vòng nửa năm qua, mức tăng thêm 0,25% lên 1,25%/năm. NHTW Hungary tăng 0,5%/năm lên 7,25%/năm…
Tình trạng lạm phát tăng cao là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều NHTW lần lượt thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng trong đại dịch Covid-19 sang chính sách thắt chặt như hiện tại qua việc tăng lãi suất điều hành (LSĐH).
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi ngược chiều xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra trên thế giới, tức LSĐH cho đến nay vẫn được giữ nguyên để các tổ chức  tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Song vài tháng trở lại đây, đã xuất hiện rất nhiều dự báo về việc NHNN rồi cũng phải tăng LSĐH. Trong đó một số tổ chức cho rằng áp lực nâng lãi suất sẽ đến sớm trong năm nay.
Báo cáo gần nhất của HSBC tiếp tục duy trì quan điểm về việc NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý III-2022 (hiệu lực từ quý IV-2022); đồng thời dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ quý IV-2022 cho đến quý II-2023. LSĐH theo đó sẽ tăng mạnh lên 6,5% vào cuối quý III-2023. 
Sau hàng loạt quyết định tăng lãi suất của các NHTW  khiến câu hỏi liệu Việt Nam có áp lực tăng LSĐH hay không một lần nữa lại được hâm nóng. Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, trong thời gian qua NHNN đã kết hợp với Bộ Tài chính để điều hành chính sách tiền tệ tương đối tốt.
Theo tinh thần chung, NHNN sẽ cố gắng giữ nguyên mức LSĐH để tạo điều kiện cho các DN trong nền kinh tế có điều kiện hồi phục và phát triển tốt nhất. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp từ các nghiệp vụ cho vay qua đêm hoặc thu hút tiền về hoặc bán ngoại tệ kỳ hạn… Từ đó có thể đảm bảo giá trị của VNĐ tương đối ổn định, trước hết là đối với đồng USD. Như vậy NHNN cũng không cần phải tăng lãi suất.
Trong trường hợp VNĐ mất giá nhiều so với USD, lúc đó dứt khoát phải tăng lãi suất. Hơn nữa, lạm phát từ nay đến cuối năm cũng sẽ bớt áp lực hơn vì giá xăng dầu hiện nay đang trên đà giảm, từ đó góp phần giảm giá đầu vào của nhiều loại nguyên vật liệu.
Vừa qua một số NHTM cũng nâng nhẹ lãi suất đầu vào để huy động tiền gửi tiết kiệm nhưng lãi suất cho vay hiện nay vẫn gần như ổn định. Do vậy chính sách điều hành nên góp phần làm cho lãi suất trên thị trường nếu có tăng vào cuối năm cũng chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5-1%, vì mức tăng như vậy gần như không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
Xem ra thị trường vẫn đang có nhiều biến chuyển bất ngờ, nên nửa sau của năm nay để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và lãi suất, NHNN vẫn sẽ còn “cân não” trong điều hành chính sách tiền tệ. 
Đồng USD vẫn đang giữ vị thế lên giá so với các đồng tiền khác trên thế giới khi Fed tăng lãi suất và VNĐ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Do vậy, để giữ mục tiêu khống chế lạm phát dưới mức 4% giữa muôn trùng áp lực, NHNN sẽ phải thận trọng trong việc điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các NHTM trong nửa cuối năm.  Thế nên lạm phát tại Việt Nam tuy vẫn còn thấp so với các nước, nhưng nếu để dòng vốn tín dụng lớn tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi vẫn tiềm ẩn rủi ro lạm phát, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Các tin khác