Bài toán ngân sách cho TPHCM?

(ĐTTCO)-TPHCM là đô thị hơn 10 triệu dân, nguồn thu ngân sách (NS) chiếm khoảng 27% so với tổng thu của cả nước. Tuy nhiên, việc điều tiết giữ lại NS cho TP trong những năm gần đây liên tục bị cắt giảm, đã khiến cơ sở hạ tầng- xã hội của TP chưa được đầu tư đúng mức. 
Bài toán ngân sách cho TPHCM?
Trung tâm nhưng chưa chắc là đầu tàu?
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TP, cho biết tổng thu NSNN trên địa bàn 11 tháng 361.410 tỷ đồng, đạt 90,55% dự toán năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ 2018. Trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 108.898 tỷ đồng, đạt 100,09% dự toán và tăng 13,39%; thu nội địa 232.282 tỷ đồng, đạt 85,3% dự toán và tăng 8,38%; thu từ dầu thô 20.173 tỷ đồng, đạt 112,07% dự toán và giảm 8,39% so với cùng kỳ 2018.
Từ kết quả thu 11 tháng, bà Trang dự tính tổng thu NSNN trên địa bàn TP cả năm 2019 ước thực hiện 412.474 tỷ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng 9,01% so với cùng kỳ năm 2018. 
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết năm nay TP đặt chỉ tiêu tăng trưởng 8,5%, đưa quy mô TP lên 60 tỷ USD, cơ cấu thương mại dịch vụ chiếm hơn 60%. Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ tăng dịch vụ đã cao nhưng dư địa còn rất lớn. Khu vực công nghiệp, các ngành đều tăng, trừ ngành chế biến thực phẩm tăng chậm do ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi. 
“Ngành xây dựng có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN nhưng tốc độ tăng chỉ đạt 1,04%. Nguyên nhân do các dự án trên địa bàn (124 dự án) bị khựng lại. TP đã kiến nghị dự án nào vướng mắc ít cho tiếp tục để tạo nguồn thu cho NS. Tháng cuối năm TP đặt mục tiêu thu 37.870 tỷ đồng, tức mỗi ngày phải thu 1.450 tỷ đồng mới hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo TP sẽ làm việc với các ngành để đôn đốc thu cho đạt” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Giải đáp những kiến nghị, thắc mắc liên quan đến công tác quản lý tài chính - NS TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, số thu nội địa TP hiện hụt khoảng 13.000 tỷ đồng so với dự toán, TP cần phải quyết liệt các giải pháp để có được mức thu cao nhất có thể.
Việc cho vay lại vốn ODA đối với dự án metro, TP cần xây dựng dự toán sớm và cụ thể, nêu rõ phần cấp phát và cho vay theo đúng quy định. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, so với bình quân chung cả nước, mức tăng trưởng NS hàng năm của TPHCM giai đoạn 2011-2016 khá cao. Tuy nhiên, sau giai đoạn này mức dù vẫn cao nhưng nếu so về tỷ lệ đạt dự toán lại khá thấp.
Cụ thể, tính đến ngày 7-12, cả nước thu NSNN đạt bình quân 96,93% dự toán, nhưng TPHCM mới đạt khoảng 91% dự toán. Trong đó, cả 3 khu vực kinh tế đều thấp hơn tỷ lệ bình quân cả nước. “Chúng ta thường nói TPHCM là trung tâm kinh tế, là đầu tàu của cả nước. Bây giờ nói là trung tâm thì đúng, nhưng nói đầu tàu cần cân nhắc, nếu xét về vấn đề này” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
 
Tăng tỷ lệ điều tiết: Bao giờ?
 Ước thu NS của TPHCM năm nay hơn 412.000 tỷ đồng, vượt 3,3% chỉ tiêu, chiếm hơn 27,2% tổng thu cả nước, cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu NS của 4 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (365.900 tỷ đồng), bằng thu NS của hơn 50 địa phương tính từ dưới lên. Tuy vậy, tỷ lệ điều tiết thuộc hàng thấp nhất thế giới so với các đô thị lớn trong khu vực và thế giới.
Cho biết thu NS cả năm 2019 dự kiến đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng khoảng 9% so với thực thu 2018, cũng như bình quân thu 1.620 tỷ đồng/ngày, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra những bất hợp lý về khoản NS TPHCM được hưởng: “Số thu NSNN trên địa bàn tăng cao qua các năm và chiếm hơn 27% tổng thu NS cả nước, nhưng NS TPHCM được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi NS địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết chỉ chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng chi cả nước”. 
Theo Chủ tịch TP, số thu NS thực tế TPHCM được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho NS TPHCM giảm. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết 33%, nhưng đến 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%. 
Qua nghiên cứu các TP lớn trên thế giới, tỷ lệ NS được giữ lại của TP trên 10 triệu dân như TP Paris của Pháp bình quân 46,43%, thấp nhất 33,09%. Năm 2019, UBND TPHCM đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa NS trung ương và NS địa phương.
Theo đó, nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho NS TPHCM như các tỉnh, TP khác. Trong đó tăng tỷ lệ điều tiết đối với TPHCM từng bước trong 10 năm 2020-2030, từ 18% lên 33%, để TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Kết quả thực hiện năm 2020 có ý nghĩa quyết định đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Vì thế, TPHCM tập trung thực hiện chủ đề năm 2020 bằng 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với nhiều đề án quan trọng như đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa NS trung ương và NS địa phương; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đề án phát triển TP thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án xây dựng TP thành TP thông minh và đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. 

Các tin khác