Ban hành chính sách phải vì dân

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải. Động thái này của Bộ Tài chính đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. 
Ban hành chính sách phải vì dân

Bởi lẽ, hồi cuối tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế BVMT. Cụ thể, đối với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít... Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1-1-2019.

  Điều này có nghĩa, người có phương tiện tham gia giao thông, ngoài việc phải nộp thuế BVMT trên xăng dầu theo quy định, nay còn đóng thêm phí BVMT đối với khí thải, tức bị thu phí 2 lần. Nói cách khác, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện cùng lúc với thuế BVMT trong giá xăng là phí chồng phí. 

Chưa kể hiện nay, người dân, doanh nghiệp đang trong tình trạng vô vàn khó khăn do phải chịu quá nhiều chi phí cho nhiều loại thuế, phí khác. Riêng về môi trường, hiện nay chúng ta có rất nhiều loại phí. Trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp… Với người dân là phí xả nước thải, rác thải, thậm chí nước mưa từ trên trời rơi xuống, đã có lúc được dự tính sẽ thu phí theo từng hộ dân.
Trước đó, Bộ Tài chính đã gây chú ý dư luận khi công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà đất, ô tô, du thuyền và máy bay. Rồi cũng chính bộ này đề nghị phương án tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% hiện nay lên 11% hoặc 12% vào năm 2020. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh theo 2 phương án và nghiêng về phương án 2, với 5 bậc thuế suất theo hướng tăng thêm.
Một mặt hàng nữa là nước ngọt cũng được bộ này muốn bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%… Tất cả loại thuế kể trên đều đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Kể cả thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh trên hàng hóa, cuối cùng trả tiền vẫn là người dân.
Với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200USD/người/năm như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP, tức rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.
Số liệu thống kê từ CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cho thấy tỷ lệ đóng thuế, phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm ở mức 21%, cao hơn Thái Lan là 16%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%… Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn hẳn, khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế, phí/GDP gấp từ 1,4-3 lần so với các nước.
Có thể thấy ngân sách nhà nước hiện nay đang rất khó khăn, thâm hụt ngân sách nợ công sẽ tăng. Đây là một điều rất xấu với nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta tăng thu bằng mọi cách. Cho nên, nếu phải tăng thuế, phí chỉ là “giật gấu vá vai” để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt. Trong bối cảnh hiện nay, đó là cách để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Trong dài hạn phải tính đến giải pháp bền vững. Đó là giảm nguồn chi để giảm sức ép từ nguồn thu. Muốn vậy, cần tăng hiệu quả của nhà nước, Chính phủ, bộ máy làm việc có hiệu quả.
Bên cạnh đó phải có được tăng trưởng kinh tế thực. Theo đó, người dân, doanh nghiệp, ai cũng nỗ lực làm việc hiệu quả kinh tế cao hơn, Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn. Tăng thu từ nguồn này mới bền vững, không phải từ việc đẻ ra thêm nhiều thuế, phí mới.
Điều cần làm bây giờ là phải làm cho doanh nghiệp, người dân say sưa làm việc với chi phí thấp hơn, thủ tục hành chính bớt phiền hà hơn. Muốn đạt được như vậy phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước, còn không sẽ rơi vào vòng xoáy tăng thuế, phí để bù đắp và kéo theo hậu quả rất lớn. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ e ngại vì môi trường đầu tư kém, còn doanh nghiệp trong nước cũng sẽ rất lo.
Với người dân, thuế, phí cao sẽ làm họ không có khả năng tiết kiệm, hoặc chán nản không muốn tiết kiệm nữa, kinh tế sao phát triển. Mỗi chính sách, đặc biệt khi liên quan đến thuế, phí, khi ban hành trước hết phải nghĩ đến dân, như việc áp phí khí thải cần cân nhắc kỹ vì tác động đến quyền đi lại của đa số người dân.

Các tin khác