Báo động ô nhiễm chất thải

(ĐTTCO) - Tại hội nghị mới đây ở Lagos Thụy Sĩ, Việt Nam đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Dựa trên các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và NASA, Đại học Yale (Hoa Kỳ) đã lập báo cáo chất lượng môi trường (EPI 2017) cho 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Báo động ô nhiễm chất thải
Trong đó, Việt Nam xếp thứ 170/180 về chất lượng môi trường. Nồng độ bụi mịn tại Hà Nội 50,5 mg/m3 và TPHCM 28,3 mg/m3, đồng nghĩa với việc khi áp dụng tiêu chuẩn thế giới, trong 1 năm (365 ngày) thủ đô Việt Nam có hơn 282 ngày ô nhiễm và TPHCM là 175 ngày ô nhiễm. Năm 2018, dự báo tình hình có chiều hướng tệ hơn khi chỉ số bụi mịn của 2 thành phố đều tăng so với năm ngoái.
Tác nhân gốc rễ gây nên ô nhiễm môi trường sống của hàng triệu người là chuỗi khu công nghiệp - khu chế xuất đang ngày đêm hoạt động (toàn quốc có hơn 300 khu công nghiệp, khu chế xuất) và hơn 45 triệu phương tiện cơ giới đang lưu thông trên đường (43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô).
Ngoài các tác nhân chính như khí thải từ phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp, còn một tác nhân giấu mặt là chất thải nông nghiệp. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ khi Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng nông sản.
Một thực tế khi nông nghiệp chưa “hoàn hảo”, sản lượng tạo ra lại rất lớn, nguy hại môi trường khiến nhiều người lo lắng.
Năm 2017, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp được xuất khẩu 36,37 tỷ USD, vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra 32-33 tỷ USD (tương đương mức tăng trưởng 3%). Cùng năm, World Bank (WB) đã công bố báo cáo “Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam”, nêu rõ các mặt hàng chủ lực nông sản, gia cầm, thủy sản và cây lương thực, một mặt phản ánh tầm quan trọng về sự đóng góp kinh tế nhưng mặt khác lại gia tăng áp lực gây ô nhiễm lên môi trường.
Thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 5% GDP, hoặc tương đương 10 tỷ USD/năm. Từ chỗ là công cụ xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp bỗng trở nên đối mặt với nhiều vấn nạn khi lạm dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thuốc trừ sâu, làm ngơ việc xử lý chất thải trong sản xuất.
Năm 2017 cả nước có đàn lợn gần 27,4 triệu con, cho sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 3,7 triệu tấn. Số lượng gia cầm đạt tới 385,5 triệu con và trâu bò đạt 8.09 triệu con. Điều này là tác nhân làm bẩn môi trường sống hàng ngày, với lượng chất thải phát sinh mỗi năm lên tới gần 80 triệu tấn. Đây là hỗn hợp các chất dinh dưỡng, chất gây bệnh và các hợp chất dễ bay hơi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và nước.
Trong chăn nuôi lợn, khoảng 70-90% lượng nitơ, khoáng chất và các kim loại nặng khác chứa trong thức ăn chăn nuôi được thải ra môi trường. Nồng độ amoniac trong khí thải từ các trang trại lợn ở khu vực phía Bắc đã cao hơn mức độ cho phép từ 7-18 lần và hydro sulfide cao gấp 5-50 lần. Như vậy, chăn nuôi gia súc là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm khí hậu ở Việt Nam và là nguồn khí thải nhà kính phát triển.
Việc thâm dụng phân bón có chứa các chất hóa học độc hại và đốt các tàn dư từ hoạt động nông nghiệp, cũng làm chất lượng không khí ngột ngạt hơn. Theo đó, 98% nông dân ở ĐBSCL đốt rơm sau vụ đông - xuân, 90% đốt sau mùa hè và 54% đốt sau mùa thu - đông. Việc đốt các tàn dư nông nghiệp sẽ phát ra các chất khí gây ô nhiễm và làm tổn hại sức khỏe người dân một cách nghiêm trọng, đồng thời góp phần làm khí hậu nóng lên trong thời gian ngắn.
Phát thải bao gồm SO2, nitơ oxit (NOx), CO, carbon đen, carbon hữu cơ và ozon. Ước tính tổng diện tích sử dụng cho nông nghiệp gần 10 triệu ha, có thể thấy lượng khí thải do việc đốt chất thải từ hoạt động nông nghiệp là rất lớn. Một nghiên cứu cũng cho thấy 50-60% nông dân trồng lúa đã sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt mức. Ngành nông nghiệp còn sử dụng một số thuốc trừ sâu với dư chất hóa học nguy hiểm, thấm sâu vào rễ, đất canh tác và nguồn nước ngầm. 
Trước thực trạng trên, biện pháp cần thiết là chính quyền địa phương, chi cục môi trường, các ngành chức năng phải nâng cao nhận thức về môi trường cho nông dân, đồng thời xử phạt nghiêm khắc các cơ sở gây ô nhiễm, buộc họ phải áp dụng các công nghệ xử lý chất thải bằng hầm ủ khí Biogas.
Có biện pháp hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho những hộ gia đình áp dụng công nghệ xử lý môi trường bằng các giải pháp sinh học, cũng như thường xuyên cập nhật thông tin về hướng xử lý môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình. Ngoài ra, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và việc phát triển hài hòa với bảo vệ môi trường.

Các tin khác