Bất ổn toàn cầu leo thang, mọi thứ quay cuồng

(ĐTTCO)-Tuần qua, đà lên của giá vàng thế giới đột nhiên đảo chiều, từ mức hơn 2.000USD/ounce giảm một mạch 10%. Trong khi đó tỷ lệ lạm phát cơ bản theo tháng của Mỹ được công bố tăng đột biến, lên đến 0,6%, mức chưa từng có kể từ năm 1991. Vì sao lạm phát tăng mà giá vàng suy giảm? Hiện tượng này nghe có vẻ trái với lý thuyết cơ bản. Hãy xem những lý giải khá thú vị về hiện tượng này.
Bất ổn toàn cầu leo thang, mọi thứ quay cuồng
Vì sao lạm phát tăng?
Theo John Authers, chuyên gia bình luận thị trường và cũng là biên tập viên cao cấp của Bloomberg, nguyên nhân tỷ lệ lạm phát tăng cao đến từ việc tăng giá của mặt hàng xe hơi, đặc biệt là xe cũ.
Do tác động của đại dịch Covid-19, người dân hạn chế đi lại bằng các phương tiện công cộng. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao. Giá nhóm xe cũ tăng khoảng 2,3% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 1-2010.
Hiện tượng này cũng có thể được giải thích bằng việc các gói kích thích của chính phủ các nước khiến nhiều tiền được lưu thông hơn, góp phần đẩy giá các mặt hàng lên. Tỷ lệ lạm phát tăng cao cũng xảy ra ở một số nền kinh tế phát triển khác ngoài Mỹ như Anh, Pháp, Nhật Bản nhưng với mức độ nhỏ hơn. 
Jens Nordvig, người sáng lập Công ty dữ liệu Exante Data, cho rằng nguyên nhân lạm phát không xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 do các gói kích thích đã được tung ra, đồng thời với việc chính phủ các nước triển khai chương trình kinh tế thắt lưng buộc bụng.
Điều này khiến lượng cung tiền từ 2 hiệu ứng mở rộng và thắt chặt bù trừ lẫn nhau. Trong khi các gói kích thích kinh tế khổng lồ lần này lại đi kèm cùng lúc với cả chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Vì vậy các nhà đầu tư đã định giá khả năng lạm phát quay trở lại.

Vì sao lợi tức TPCP Mỹ giảm?
Kỳ vọng lạm phát quay trở lại nhưng tại sao lợi tức thực của trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ đáng lý giảm vẫn gần như bình chân như vại? Điều thú vị là do các nhà đầu tư không hề đòi hỏi thêm phần bù rủi ro dù kỳ vọng lạm phát tăng.
Số là sau phiên đấu giá TPCP ế ẩm, lợi tức thực có tăng nhưng lãi suất hòa vốn gần như không đổi. Điều này theo Steven Englander của Ngân hàng Standard Chartered, do thị trường trái phiếu quan tâm đến nguy cơ thừa cung hơn là lạm phát, và tác nhân chính ảnh hưởng đến giá trái phiếu hiện giờ là tình hình chống đại dịch. 
Theo Englander, TPCP Mỹ và cổ phiếu các công ty chịu ảnh hưởng nhiều từ Covid-19 có diễn biến tương tự nhau, như đều cải thiện vào khoảng đầu tháng 6 khi đại dịch tạm lắng.
Mối quan hệ này, theo John Velis của Bank of New York Mellon Corp đến từ hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khi Chủ tịch Jerome Powell khẳng định sẽ hành động tùy theo tình hình dịch.
Còn các nhà đầu tư nhận định Fed sẽ nới lỏng mục tiêu lạm phát, chỉ yêu cầu mức lạm phát trung bình 2%, thay vì dùng con số đó làm mức trần. Điều này khiến thị trường hiện tại không quá lo ngại về nguy cơ lạm phát cao, điều chỉ xảy ra nếu như tình hình chống đại dịch có những bước tiến khả quan.
Lợi tức TPCP Mỹ tuy có tăng nhưng vẫn ở mức âm. Điều này khiến vàng là tài sản có lợi tức bằng không, trở nên hấp dẫn trong thời gian gần đây. Trên thực tế, việc giá vàng đột ngột giảm sau đà tăng giá phi mã có thể xuất phát từ việc tăng nhẹ lợi tức trái phiếu.
Sau đó, giá vàng tiếp tục leo thang, thậm chí vượt mốc 2.000USD/ounce lần nữa vào ngày 18-8. Cũng như trái phiếu, giá vàng có thể đảo chiều nếu như tình hình chống dịch Covid-19 có cải thiện. Điều này càng dễ xảy ra do thị trường vàng không quá phụ thuộc vào cung cầu như nhiều loại hàng hóa khác, mà chủ yếu vào tâm lý tích trữ vàng của người tham gia.
Biên bản cuộc họp của Fed được công bố ngày 19-8 có điểm nhấn: các quan chức đang xem xét lại việc áp đặt mức trần lợi tức cho một số loại trái phiếu, với lý do lợi tức đã ở mức thấp kỷ lục.
Ngay sau đó, lợi tức trái phiếu 10 năm tăng hơn 0,01% và trái phiếu 30 năm tăng 0,03%. Trong cùng thời gian đó, như để minh chứng cho quy luật lợi tức trái phiếu và giá vàng đi ngược chiều nhau, giá vàng ngày hôm đó lại sụt giảm, có lúc dưới 1.930USD/ounce.

Tương lai vẫn bất định
Khi thị trường và động thái chính sách của chính phủ các nước vẫn còn ít nhiều xoay quanh đại dịch Covid-19, điều chúng ta biết chắc có thể xảy ra trong tương lai gần vẫn là sự bất định và diễn biến khó lường.
Tuần qua báo chí thế giới cũng đề cập nhiều đến diễn biến lạm phát ở các nước. Theo Financial Times, ở Anh, dù tình hình đàm phán Brexit vẫn đang trì trệ và sản lượng kinh tế quý II giảm đến 20%, đồng bảng Anh (GBP) vẫn tăng 7% so với USD trong 3 tháng trở lại đây.
Nguyên nhân một phần đến từ việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) từ chối sử dụng lãi suất âm trong cuộc họp hồi đầu tháng 8 và lãi suất vẫn được giữ ở mức 0,1%. Tuy nhiên, theo Ruth Gregory (Capital Economics), các chính sách của chính phủ, chẳng hạn như giảm thuế các ngành dịch vụ, có thể đưa nước Anh vào tình trạng giảm phát và như vậy tương lai đồng GBP giảm giá khá chắc chắn, ít nhất trong ngắn hạn.
Trong khi đó, Thomas Flury (UBS Global Wealth Management) cho rằng, GBP có thể tiến triển khả quan nhờ việc thu hút nhà đầu tư đa dạng hóa khỏi đồng USD.
Còn tại Nhật Bản, chỉ số CPI tháng 8 ở khu vực Greater Tokyo (không tính thực phẩm) bất ngờ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Citi bank dự đoán trên phạm vi toàn quốc, chỉ số này chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Còn Nomura dự báo do ảnh hưởng của đại dịch, Nhật Bản sẽ phải chịu giảm phát gần 1% trong những tháng tiếp theo. Tuy có một số dấu hiệu phục hồi (như bán lẻ vào tháng 6 tăng 13,1% so với tháng trước), số lượng ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong tháng 7, khiến Nomura cho rằng tâm lý sợ hãi, vốn đã tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong nước vào thời gian đầu đại dịch, có thể trở lại.
Nhìn chung, khi thị trường và động thái chính sách của chính phủ các nước vẫn còn ít nhiều xoay quanh đại dịch Covid-19, điều chúng ta biết chắc có thể xảy ra trong tương lai gần vẫn là sự bất định và diễn biến khó lường.
Trong bối cảnh đó, diễn biến của thị trường vàng Việt Nam vẫn ổn định trong tầm kiểm soát, tỷ giá hối đoái bình lặng, dù lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giảm. Đây có thể là tín hiệu lạc quan cho môi trường đầu tư của Việt Nam. 

Các tin khác