BĐS “ngấm đòn” tác động kép

(ĐTTCO) - Sau thời gian dài giảm tốc, các doanh nghiệp (DN) và giới chuyên gia dự báo thị trường BĐS sẽ bớt u ám, phục hồi và tăng trưởng trở lại trong năm 2020. 
BĐS “ngấm đòn” tác động kép
Tuy vậy, trong 3 tháng đầu năm, bên cạnh khó khăn chồng chất do vướng mắc thủ tục pháp lý chưa thể tháo gỡ, các DN còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu. Dưới tác động kép này, hàng ngàn DN BĐS sẽ khó trụ vững trong thời gian tới.
Đầu tiên, việc thực hiện các thủ tục pháp lý dự án chậm do các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương đang tập trung chống dịch. So với các mặt hàng khác, BĐS sản phẩm đặc thù, giá trị lớn, muốn bán hàng hiệu quả, các đơn vị phải tổ chức các đợt quảng bá, giới thiệu tập trung. Tuy nhiên, để tránh sự lây lan dịch bệnh, tất cả các sự kiện phải hủy bỏ hoặc đình hoãn theo quy định của Chính phủ.
Ghi nhận cho thấy, hầu hết ông lớn địa ốc tại TPHCM đang án binh bất động, quan sát diễn biến của dịch bệnh để điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, bán hàng trong các quý tiếp theo. Không ít DN buộc phải tinh giảm nhân sự 30-50% để giảm chi phí, thậm chí đóng cửa, phá sản. Con số 300 sàn giao dịch đóng cửa, 500 sàn tạm dừng hoạt động do ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam đưa ra phần nào phản ánh thực tế bi đát của DN hoạt động trong lĩnh vực địa ốc. 
Ông Đính nêu 2 nguyên nhân chính: tình hình thị trường ảm đạm do không có nhiều nguồn cung mới và do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động một phần. Cụ thể, có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm.
Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 1.000 sàn BĐS hoạt động trên thị trường thì hiện đã có khoảng 300 trong số này phải đóng cửa vì khó khăn chồng chất. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của tổ chức này, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một phần cho nhân viên nghỉ; phần còn lại là chia nhân sự công ty thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để giảm việc giảm lương mà vẫn duy trì được bộ máy.
Trước đó, số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, tính đến hết năm 2019, BĐS là ngành kinh doanh có số lượng DN tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 DN đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 DN giải thể, tăng 39,4%. Số lượng DN BĐS tạm dừng và giải thể dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, khi mà việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng ngày càng khó, cũng như các giải pháp tháo gỡ, khơi thông cho thị trường BĐS nhà ở và BĐS du lịch nghỉ dưỡng chưa phát huy hiệu quả. 
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Do thị trường BĐS có độ trễ nên nếu không tìm ra biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến DN gặp khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản. 
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cần thiết để sàng lọc, thị trường chỉ còn những DN làm ăn chân chính, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh. Nhà đầu tư và người mua nhà ở yên tâm hơn khi tiếp cận các sản phẩm BĐS. Quỹ đất và nguồn cung sản phẩm khan hiếm cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN, điều này khiến những DN làm ăn manh mún, chụp giựt buộc phải nhường sân cho những đơn vị có tầm chuyên nghiệp.   

Các tin khác