“Bi kịch” cho ngành điện và than!

(ĐTTCO) - Việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch trong năm 2022 là 35 triệu tấn, đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu. 
Thực tế, sản lượng than nhập khẩu tăng mạnh trong mấy năm qua tỷ lệ thuận với số lượng nhà máy nhiệt điện đưa vào hoạt động. Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình sản xuất kinh doanh than và cung ứng than cho ngành điện.
Theo TKV, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, dầu tăng cao, cộng với giá than nhập khẩu để pha trộn tăng 2-3 lần so với giá than trong nước, đang là những khó khăn tập đoàn này phải đối mặt. Cùng với đó, các mỏ than đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh rất nhiều. Hầu hết đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày. 
Trong khi đó, giá thành khai thác than ngày càng tăng do các mỏ than ngày càng khai thác xuống sâu, một số đơn vị điều kiện địa chất biến động phức tạp, sai khác so với tài liệu thiết kế ban đầu, mức độ rủi ro trong quá trình khai thác gia tăng, cung độ vận chuyển ngày càng xa, tiền lương và các loại thuế phí tăng cao…
Trong thời gian dài (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021), giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng, nên lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm. Một số dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện. Những điều này đang tạo nên áp lực đối với TKV trong thời gian tới cả về lợi nhuận lẫn áp lực phải thay đổi cơ cấu sản xuất.
Không chỉ sản xuất và khai thác than trong nước gặp khó, ngay cả nguồn than nhập khẩu để sử dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì thế, để có đủ 35 triệu tấn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong năm 2022, TKV cho rằng việc này đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Trong quý I TKV mới nhập được 325.000 tấn than, tức sản lượng cấp được trong quý này chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch. Tính đến cuối quý I, lượng than tiêu thụ cho các nhà máy điện hơn 6,3 triệu tấn, bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng (khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện trên 8,5 triệu tấn, trong khi các nhà máy nhiệt điện đăng ký nhu cầu hơn 9,7 triệu tấn).
Chưa hết, căng thẳng Nga - Ukraine làm giá xăng dầu, sắt thép tăng rất cao so với giá kế hoạch, có thể dẫn đến hiệu quả kinh doanh của TKV giảm, thậm chí có thể không cân đối được tài chính là điều đang dần hiện hữu.
Theo một số chuyên gia, lượng than nhập khẩu luôn tăng cao (và gặp khó về đầu vào như hiện nay) do nhu cầu tiêu thụ than nguyên liệu lớn của các nhà máy nhiệt điện than. Với 24 nhà máy điện than, trong đó 20 nhà máy đang dùng công nghệ đốt lò hơi sử dụng than cám chất lượng thấp và than phun, nên nhìn chung các nhà máy điện than đa số dùng than chất lượng thấp, giá rẻ để vận hành. Đó là chưa tính hàng chục nhà máy nhiệt điện trong các khu công nghiệp, khu chế biến… Nhờ đó mới có giá thành điện than giá rẻ. 
Thoạt nghe có vẻ rất kinh tế, nhưng cũng là “bi kịch” cho việc phát triển ngành điện lẫn ngành than nước ta. Đó là việc ngành than xuất khẩu, sau khi trừ chi phí dành cho nhập khẩu, số lợi nhuận không còn bao nhiêu. Trong khi đó, ở chiều hướng khác, sự bấp bênh nguồn cung than nguyên liệu sẽ đe dọa trực tiếp đến vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng (khi các nhà máy nhiệt điện không thể hoạt động hết công suất do thiếu than).
Mới đây, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị với các địa phương về quy hoạch điện VIII. Theo đó, đến năm 2045 tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50%. Có lẽ, đến khi ấy Việt Nam mới chấm dứt được tình trạng nhập khẩu than để “nuôi” nhiệt điện, thoát được tình cảnh an ninh năng lượng quốc gia bị “cột chặt” vào than nguyên liệu nhập khẩu. 

Các tin khác