Biến số dòng tiền mới

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) những tuần đầu tháng 5-2020 tiếp tục tạo bất ngờ lớn cho nhà đầu tư (NĐT), với thanh khoản đột biến đánh dấu mức đỉnh của các nhịp phục hồi đã không còn đúng nữa. Nguyên nhân chính là “biến số mới” xuất hiện trong dòng tiền.

Tiền mới, tâm lý mới
Khảo sát nhanh ở một số công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần lớn trên sàn HSX, lượng khách hàng mới gia tăng mạnh trong cả 4 tháng đầu năm nhưng sôi động nhất là tháng 3-2020.
Môi giới của một CTCK tại Hà Nội có số lượng tài khoản mới mở nhiều nhất thị trường trong quý I cho biết, không chỉ mở mới tài khoản, các tài khoản cũ được kích hoạt và nạp thêm tiền cũng gia tăng, tăng gần 15.000 tài khoản chỉ trong tháng 4, trong khi tổng số tài khoản mở mới của toàn thị trường trong tháng này là 36.867.
Biến số dòng tiền mới ảnh 1
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tháng 4-2020 tiếp tục là tháng ghi nhận kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới trong vòng 26 tháng trở lại đây (tháng 3-2020 cũng ghi nhận kỷ lục với 32.140 tài khoản mở mới). Đặc biệt, số lượng NĐT cá nhân luôn chiếm trên 99% tổng tài khoản mới mở trong 2 tháng gần nhất.
Lý giải hiện tượng tài khoản mở mới đột ngột tăng cao, môi giới của các CTCK đều cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đối với các NĐT chưa tham gia thị trường hoặc đã rời bỏ thị trường một thời gian, thị trường giảm cũng đồng nghĩa với cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ đối với dòng tiền mới.
Khi thị trường tăng trong tháng 4, tâm lý mua đúng sóng cũng có sự kích thích mạnh mẽ lòng tham của các NĐT khác. Việc tài khoản mở mới tiếp tục tăng rất cao trong tháng 4-2020 - là tháng thị trường tăng mạnh gần 21% cũng có nét tương đồng với giai đoạn tháng 3-2018 (VNIndex tăng 20% và số tài khoản mở mới trong tháng tới trên 41.500), khi câu chuyện của người chiến thắng được kể khắp nơi như một bằng chứng sống động về cơ hội đang diễn ra. 
Biến số dòng tiền mới ảnh 2
Thứ hai, yêu cầu cách ly chống dịch Covid-19 tạo khoảng thời gian rảnh rỗi đáng kể. Việc mở tài khoản chứng khoán hoàn toàn có thể thực hiện online một cách dễ dàng, nên nhu cầu tham gia TTCK cũng gia tăng. Điều này thoạt nghe có vẻ mang tính giả định cao, nhưng thực tế ở các quốc gia khác cũng vậy.
Hãng Bloomberg khảo sát CTCK AAA Southeast Equities tại Philippines, và được biết số lượng khách hàng mở tài khoản đã gấp đôi kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng ở đảo chính Luzon vào giữa tháng 3. Khối lượng giao dịch trên sàn Philippines Stock Exchange cũng tăng 47% so với mức trung bình của cả năm ngoái, cao hơn mức tăng 32% của chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương.
Biến số dòng tiền mới ảnh 3
Sự tham gia của dòng tiền mới trên TTCK đã “thổi làn gió mới” vào giao dịch. 2 đặc điểm khác biệt của dòng tiền này là “tươi mới” - hàm ý nguyên vẹn và chưa trải qua các giai đoạn đau thương, thua lỗ trên thị trường như dòng tiền “cũ”. Hơn nữa tâm lý của NĐT mới luôn mạnh mẽ hơn, mức độ kỳ vọng cao hơn và thậm chí là “lỳ đòn” hơn các NĐT cũ. Do đó các NĐT mới thường ít thực hiện cắt lỗ mà chờ đợi giá cổ phiếu phục hồi.

Định lượng dòng tiền mới
Với tổng số tài khoản mở mới liên tục lập kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4-2020, về lý thuyết thị trường sẽ có thêm dòng vốn bổ sung. Song rất khó để định lượng tổng lượng vốn mới gia nhập thị trường thông qua các tài khoản mới này, nhưng cơ cấu thanh khoản hàng ngày trên thị trường cho thấy sức mạnh của dòng vốn trong nước đang gia tăng.
 Trên thị trường có 2 nhóm NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Với số lượng tài khoản mới mở của NĐT trong nước tăng, điều được chờ đợi là mức thanh khoản hàng ngày sẽ tăng. Có thể nhìn qua biểu đồ thể hiện thị phần đang giảm đi rất rõ nét của nhóm NĐT nước ngoài, đồng nghĩa với sự gia tăng của nhóm NĐT trong nước khi thanh khoản chung hàng ngày đạt kỷ lục kể từ đầu năm 2019.
Mức giao dịch bình quân hàng ngày trong tháng 3 và 4 đều vượt ngưỡng bình quân 6.500 tỷ đồng/ngày, trong khi mức bình quân 2019 đến nay không vượt quá 5.500 tỷ đồng/ngày. Thị phần của khối NĐT nước ngoài cũng giảm xuống dưới mức 10%. Thanh khoản chung tăng, NĐT nước ngoài mua ít hơn thì phần còn lại chỉ có thể là do NĐT trong nước tăng mua.
Đối với thị trường phái sinh, quy mô thanh khoản lẫn số lượng tài khoản mở mới cũng tăng rất mạnh. Thống kê cho thấy giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường này đang đạt đỉnh cao lịch sử kể từ khi mở cửa thị trường với mức bình quân 2 tuần đầu tháng 5 là trên 17.000 tỷ đồng mỗi ngày (bình quân tháng 4-2020 đạt hơn 14.000 tỷ đồng). Đỉnh cao là ngày 13-5 với giá trị danh nghĩa đạt 21.163 tỷ đồng. Số lượng tài khoản phái sinh tính đến hết tháng 4-2020 đạt 110.458 tài khoản, gấp 1,8 lần thời điểm tháng 1-2019.
Như vậy tổng thể các giao dịch trên cả thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh đều gia tăng rất mạnh, đã xác nhận dòng tiền mới gia nhập thị trường ở quy mô lớn. Điểm đáng chú ý là thống kê mức cho vay đòn bẩy từ các CTCK đến hết quý I-2020 (thời điểm cuối tháng 3) xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, giảm 15% so với thời điểm cuối 2019. Cho vay giảm nhưng thanh khoản vẫn tăng rất cao trong tháng 3 cũng xác nhận lượng tiền mới. 
Hay như mức bán ròng của NĐT nước ngoài riêng trên sàn HSX trong tháng 3 và 4 đạt gần 14.000 tỷ đồng. Để rút ra được lượng tiền khổng lồ này, các giao dịch bán của NĐT nước ngoài phải được đối ứng bằng lượng tiền mua của NĐT trong nước mới có khả năng duy trì được thanh khoản chung và đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn (trong tháng 4-2020).
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và các ngân hàng tìm cách gia tăng cho vay, hạ lãi suất huy động xuống rất thấp, đang làm dồi dào hơn lượng tiền nhàn rỗi. Chứng khoán sẽ là kênh thu hút lượng vốn giá rẻ này. Nói cách khác, “biến số dòng tiền mới” chính là điều khiến diễn biến thị trường mạnh hơn hiện tại, khi tác động trực tiếp đến cung cầu trong giao dịch hàng ngày. 

Các tin khác