Bình Định: Chạy đua giải ngân vốn đầu tư công giữa đại dịch

(ĐTTCO)-Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương trên địa bàn cần nỗ lực vượt khó thực hiện “mục tiêu kép” trong dịch, đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, tập trung giải ngân nhanh chóng các nguồn vốn đầu tư công. Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh, nếu đơn vị, địa phương nào không thực hiện tốt để mất vốn, rút vốn đầu tư công khi đó tỉnh sẽ xem xét xử lý kỷ luật lãnh đạo đơn vị đó.
Ảnh 1: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (đội mũ cối bộ đội màu xanh) kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh.
Ảnh 1: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (đội mũ cối bộ đội màu xanh) kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh.
 Nhiều tồn tại, thách thức
Vừa qua, ông Hồ Quốc Dũng cùng với ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh bàn giải pháp giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021, giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành. Hội nghị đã tập trung tìm hiểu nhiều vấn đề còn tồn tại cùng thách thức giữa bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, lạm phát giá vật tư, nhân công… đang gặp phải trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định, đến 23-8, giá trị giải ngân vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý chỉ đạt hơn 3.129 tỷ đồng (đạt 49,14% so với kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh giải ngân gần 1.577 tỷ đồng (đạt gần 3,8% so với kế hoạch), còn vốn đầu tư cân đối có giá trị giải ngân chỉ đạt trên 37,5% so với kế hoạch (1.546 tỷ đồng). 
Riêng vốn hỗ trợ từ Trung ương 1.553 tỷ đồng, tiến độ giải ngân vốn khác ngân sách tỉnh có 2 chiều hướng, gồm: hỗ trợ từ nguồn vốn trong nước đã giải ngân được hơn 1.372 tỷ đồng (đạt trên 87%), vốn hỗ trợ từ nguồn vay ODA chỉ mới giải ngân được khoảng 180 tỷ đồng (trên 29,3%). 
Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn ngân sách giao khối huyện, xã làm chủ đầu tư khá thấp. Tính đến 24-8, tỷ lệ giải ngân vốn khối huyện đạt 26,6%, cấp xã đạt 35,7%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân của năm 2020 – theo cập nhật của Kho bạc Nhà nước Bình Định. 
Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 29-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định có tổng vốn đầu tư phát triển được sử dụng trong năm 2021 là 6.368,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước được bố trí theo dự án trong năm 2021 của tỉnh là 4.344,465 tỷ đồng, đầu tư cho hàng trăm dự án, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục, y tế… 
Ban quản lý dự án (QLDA) NN-PTNT cùng BQLDA giao thông tỉnh Bình Định là 2 đơn vị được đầu tư vốn nhiều nhất. Cả 2 ban có 61 dự án đầu tư mới trong năm 2021, trong đó có 13 dự án đã giải ngân xong, còn 48 dự án có tỷ lệ giải ngân 0%.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay của tỉnh Bình Định được đánh giá thấp so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, giữa bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Bình Định cũng như các tỉnh miền Trung sắp bước vào mùa mưa bão năm 2021 sẽ phần nào ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch giải ngân vốn, thi công các công trình. 
Có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp, trong đó có tác động mạnh của dịch Covid-19 và lạm phát giá vật tư, cước phí vận chuyển, nhân công… Cụ thể, nhiều dự án do vướng mặt bằng, cộng thêm giá vật tư cao, thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn. Một số dự án ghi kế hoạch vốn lớn, song đã dừng triển khai thực hiện. 
Ngoài ra, có không ít chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý để tổ chức đấu thầu, khởi công dự án… Có một số đơn vị trúng thầu hàng loạt dự án trên khắp các địa phương trong tỉnh dẫn đến nguồn lực phân tán, thiếu động lực thi công khiến dự án chậm trễ. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư bên ngoài, nhất là phía Bắc trúng thầu song thiếu nguồn lực thi công tại chỗ nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Bình Định: Chạy đua giải ngân vốn đầu tư công giữa đại dịch ảnh 1 Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đầu tiên bên phải) kiểm tra, chỉ đạo hiện trường dự án đường ven biển.
Kỷ luật người đứng đầu nếu để rút vốn
Mặc dù chia sẻ với những khó khăn, tác động đối với các đơn vị, chủ đầu tư trong thời điểm dịch bệnh, giá vật tư leo thang, tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư cần phải đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của các nguồn vốn đầu tư công cũng như công tác giải ngân vốn đối với sự phát triển chung của tỉnh. 
“Tôi đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư cần phải nỗ lực quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án, đồng thời tập trung giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Đề nghị UBND tỉnh cần đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị đến ngày 31-9 cơ bản hoàn thành nguồn vốn năm 2020 kéo dài và đến 31-12 phải hoàn thành hết nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh" - ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lưu ý thêm về khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án để tránh những trường hợp dự án đấu thầu xong, được cấp vốn nhưng không triển khai được. 
“Hiện, có nhiều dự án đã 3 năm chưa GPMB xong dẫn đến tồn đọng vốn, dự án không thực hiện được. Vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ từ khâu dự án được duyệt và tập trung tiến hành GPMB ngay. Tránh trường hợp dự án đấu thầu xong, nhưng vẫn chưa GPMB để thi công” – ông Hồ Quốc Dũng cho biết thêm.
Tới đây, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Bình Định sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay các dự án không đảm bảo tiến độ, chậm trễ không có lý do chính đáng. Nếu phát hiện đơn vị, địa phương nào không thực hiện tốt bị mất vốn rút vốn đầu tư công lãnh đạo cơ quan, địa phương đó sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Ông Nguyễn Phi Long đề nghị các đơn vị, chủ đầu tư cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo chung Bí thư Tỉnh ủy, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đối với các dự án dự kiến đến 30-9 chưa có khối lượng thanh toán do chưa triển khai công tác lựa chọn nhà thầu, hoặc vướng bồi thường, GPMB và các nguyên nhân bất khả kháng nên sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để dồn vốn, bổ sung cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn. Tỉnh Bình Định sẽ ưu tiên cho ứng trước nguồn vốn để thi công các dự án thuộc kế hoạch năm 2021, có tiến độ bồi thường, GPMB tốt mà chưa được đáp ứng kịp thời về vốn để thực hiện chi trả…
Đẩy mạnh thi công dự án trọng điểm
Ông Hồ Quốc Dũng phản ánh công trình sử dụng vốn lớn như dự án đường ven biển ĐT639 từ Cát Tiến đến Đề Gi (tổng vốn 1.261 tỷ đồng) lại thi công thiếu động lực, còn biểu hiện trì trệ. Khi lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra có kế hoạch thì công trường này thi công, hoạt động rầm rộ. Nhưng khi đi thực tế vào ngày thứ 7, chủ nhật các đơn vị thi công lại im ắng. Do đó đề nghị chủ đầu tư là BQLDA giao thông tỉnh cần chấn chỉnh, khắc phục ngay vì đây là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh.
Trả lời kiến nghị trên với ĐTTC, ông Lê Từ, Giám đốc BQLDA giao thông tỉnh Bình Định cho biết, hiện đơn vị đang triển khai thi công đồng loạt 2 tuyến đường ven biển Cát Tiến – Đề Gi, Đề Gi – Mỹ Thành và tuyến kết nối ven biển thị xã Hoài Nhơn, với 11 gói thầu. Riêng tuyến Cát Tiến – Đề Gi hiện đơn vị cũng gặp khó khăn về nhân công do dịch Covid-19 và khan hiếm vật liệu cấp phối đá dăm. Hiện, BQLDA yêu cầu đơn vị thi công làm tăng ca đêm để tận dụng khai thác đủ nguồn đá tại 3 đèo đá nằm trong dự án.

Các tin khác