Bình ổn giá để kiểm soát lạm phát trong nước

(ĐTTCO) - Ngày 10-2, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về vấn đề điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát trong nước ngay đầu năm 2022.

* Tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi từ giá thịt heo
Về học phí, Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT xây dựng cụ thể kịch bản giá dịch vụ giáo dục trong năm 2022 và phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán, đánh giá mức điều chỉnh và tác động đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính rà soát, kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Về điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước, phản ánh, bám sát diễn biến giá thành xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Về giá điện, nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2022 trên cơ sở đánh giá kỹ chi phí đầu vào (nhất là than, khí cho sản xuất điện), kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia, kết quả kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020, ước thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2021, chi phí dự kiến năm 2022 của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các khoản chi phí khác chưa tính vào giá điện.
Về giá thịt heo, Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các địa phương xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của thương nhân mua bán thịt heo, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi. Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt heo), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có chỉ đạo, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường.
Về giá dịch vụ y tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh; đánh giá, chọn thời điểm phù hợp để kết cấu chi phí quản lý, khấu hao vào giá dịch vụ theo lộ trình thị trường. Chủ trì tham mưu trình Chính phủ danh mục mặt hàng cụ thể, biện pháp thực hiện bình ổn giá dự kiến áp dụng và chủ trì tổ chức thực hiện bình ổn giá trang thiết bị y tế theo quy định pháp luật về giá.
Tăng cường rà soát giá thuốc kê khai, kê khai lại, công khai thông tin về giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu theo quy định tại Luật Dược; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai…

Các tin khác