Bình thường nhưng chưa có gì mới!

(ĐTTCO)-Để nền kinh tế sớm vượt qua “cảnh đông tàn” và phục hồi mạnh mẽ theo hình chữ V,  đòi hỏi những giải pháp và chính sách hỗ trợ phải được triển khai một cách nhanh chóng, quyết liệt và táo bạo trước khi sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân tới hạn. “Trạng thái bình thường mới” phải là những hành động cụ thể và thiết thực chứ đừng chỉ là khẩu hiệu.
Bình thường nhưng chưa có gì mới!
Từ độ trễ của các chính sách hỗ trợ
Vậy là đã gần một tháng Việt Nam không phát hiện thêm các ca nhiễm Covid-19 mới do lây lan trong cộng đồng, trừ các ca nhiễm từ nước ngoài về và đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các lĩnh vực không thiết yếu được hoạt động trở lại bình thường và hầu hết học sinh, sinh viên đã quay lại trường lớp.
Có lẽ còn hơi sớm nhưng cũng có thể tự tin để khẳng định rằng, Việt Nam đã giành chiến thắng vẻ vang trên mặt trận y tế chống dịch, bảo vệ tuyệt đối sức khỏe toàn dân trước đại dịch toàn cầu, điều mà không phải quốc gia nào, dù có các điều kiện về y tế lẫn kinh tế - xã hội vượt trội cũng đạt được.
Nhưng ngay từ khi cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” được đẩy lên cao trào, cũng là lúc nền kinh tế bắt đầu oằn mình gánh chịu những hệ lụy nặng nề của việc thực hiện cách ly xã hội. Và khi chiến thắng từ mặt trận chống dịch ngày càng trở nên chắc chắn, thì một mặt trận khác vẫn còn bỏ ngỏ: khôi phục nền kinh tế.
Bài toán làm sao để giải cứu doanh nghiệp và đốt nóng các động cơ tăng trưởng để thúc đẩy bộ máy kinh tế bật dậy mạnh mẽ đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.
Suốt mấy ngày nay, bất cứ lúc nào thực hiện một cuộc gọi điện thoại người dân đều được kêu gọi “hãy thiết lập trạng thái bình thường mới để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa để chống dịch”, thay cho lời nhắc nhở tuyệt đối chấp hành lệnh cách ly xã hội trước đó. Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam lúc này hiểu hết ý nghĩa của cụm từ “trạng thái bình thường mới” và quan trọng hơn là làm sao, bằng cách nào để trạng thái “mới” đó giải quyết được bài toán cơm-áo-gạo-tiền đang bủa vây tứ phía.
Trong khi đó, những điểm phát gạo miễn phí ngày nào cũng đông nghẹt người xếp hàng để chờ đến lượt mình. Và tôi cũng tự hỏi không biết bao nhiêu trong số họ đã nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Điều này cũng giống hệt như tính thực tiễn của việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp.
Những câu trả lời còn bỏ ngỏ đó khiến cho tôi nhận thấy hầu như những giải pháp, kế hoạch giải cứu nền kinh tế khỏi những hệ lụy nghiêm trọng của cuộc chiến chống dịch, vốn được thiết kế một cách bài bản và toàn diện vẫn còn nằm đâu đó ở khẩu hiệu và giấy tờ, chứ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Độ trễ của chính sách, xuất phát từ sự thờ ơ của bộ máy thực thi và truyền dẫn chính sách lúc này đối với sức khỏe của nền kinh tế cũng nguy hiểm hệt như virus Corona.
Và chính Thủ tướng đã phải yêu cầu: “Các bộ ngành phải xắn tay áo vào, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cần hun đúc tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới, phát triển. Cần lưu ý trong công việc, không phải quyền anh quyền tôi mà vì lợi ích đất nước, dân tộc". Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy trong hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 9-5.
Đến triển vọng phục hồi kinh tế
Cơ chế, chính sách tuy được thiết kế nhanh chóng, toàn diện và quyết liệt nhưng đến khi thực thi vẫn phải chờ hướng dẫn, thủ tục trong khi mọi người đang được kêu gọi hãy giữ tư duy thời chiến. Vẫn còn nguyên đó căn bệnh sợ trách nhiệm và lợi ích nhóm.
Theo số liệu khảo sát từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đã có gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Doanh thu của các doanh nghiệp giảm 26% so với cùng kỳ và ước tính giảm khoảng 30% trong 4 tháng đầu năm. Điều đáng quan ngại nhất là tình hình của đầu tàu kinh tế TPHCM càng nghiêm trọng hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố trong quý đầu năm chỉ đạt 0,42% so với năm trước, và đó là mức thấp nhất từ khi mở cửa nền kinh tế (1986) cho đến nay. 
Tính đến hết tháng 3, TPHCM đã có 345 doanh nghiệp giải thể. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn hơn 5.500, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Và tương ứng với con số này sẽ là hàng trăm ngàn lao động đã mất việc làm và thu nhập. Bên cạnh các nguy cơ bất ổn về mặt xã hội, việc người lao động phải tự thân tìm kiếm sinh kế sẽ dẫn đến việc kém năng suất và khó khăn cho doanh nghiệp khi cần khôi phục lại hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Nếu những giải pháp hỗ trợ không được quyết liệt triển khai và đến được địa chỉ cần giải cứu, thì càng ngày bài toán ngăn chặn đà suy thoái kinh tế càng trở nên nan giải và ảnh hưởng nghiêm trọng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Thậm chí mẫu hình hồi phục và tăng trưởng sau đó của Việt Nam sẽ có phần đáy cong giống như chiếc gáo dừa, chứ không thể như mẫu hình chữ V được.
Bởi lẽ, tình hình kinh tế sẽ còn tiếp tục bi quan cho đến khi các dữ liệu quý II phản ánh một bức tranh tiêu cực hơn khi các cú sốc bất lợi đã trải qua thời kỳ ủ bệnh và bắt đầu bộc phát truyền dẫn vào nền kinh tế. 
Vì thế, chúng ta phải mất thêm một khoảng thời gian nữa trước khi chạm đáy, và sau đó là một khoảng thời gian nữa ở vùng đáy của suy giảm kinh tế để chờ đợi các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế - xã hội phát huy tác dụng, giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Quá trình đi lên cũng sẽ ổn định và chậm rãi chứ không thể bật lên mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén lâu ngày như kỳ vọng.
Để giải quyết vấn đề này không có cách nào khác là “trạng thái bình thường mới” không thể chỉ dừng lại ở một câu khẩu hiệu, mà phải bằng những hành động cụ thể, táo bạo và quyết liệt như cách nói của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, khi ông đề nghị UBND TPHCM triển khai quyết liệt các gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn của thành phố để tránh chảy máu nguồn nhân lực.
“Bây giờ mới đánh giá người lao động có bị ảnh hưởng không thì họ bỏ việc hết. Doanh nghiệp cứ kê khai thiếu bao nhiêu tiền trả cho công nhân và cam kết với thành phố. Nếu hậu kiểm phát hiện sai sót thì doanh nghiệp trả lại ngân sách kèm theo tiền lãi” - Bí thư Nhân nói.
Toàn dân được kêu gọi “thiết lập trạng thái bình thường mới” nhưng có lẽ nhiều thứ vẫn còn rất cũ. Cơ chế, chính sách tuy được thiết kế nhanh chóng, toàn diện và quyết liệt nhưng đến khi thực thi vẫn phải chờ hướng dẫn, thủ tục trong khi mọi người đang được kêu gọi hãy giữ tư duy thời chiến.
Vẫn còn nguyên đó căn bệnh sợ trách nhiệm và lợi ích nhóm. Mua sắm tài sản công, thậm chí trong lúc dầu sôi lửa bỏng vẫn bị kê giá, đội giá và nảy sinh tiêu cực. Sự thiếu nhất quán trong tham mưu và hoạch định chính sách giữa các bộ - ngành vẫn tiếp tục gây phiền hà và thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế như tình huống xuất gạo điển hình. 
Những nguồn cảm hứng mới về xây dựng và phát triển kinh tế đến từ lòng tin được củng cố mạnh mẽ trong quá trình đoàn kết chống dịch gần như bị những gáo nước cũ dội cho tắt ngấm. Cảnh đẹp huy hoàng ngày xuân phải được hun đúc bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ của cả một khu vườn, chứ không thể chỉ bằng ý muốn của người chăm.

Các tin khác