Bộ Công Thương vẫn chưa báo cáo Chính phủ về các dự án điện Mặt Trời

(ĐTTCO)-Việc phát triển nguồn điện Mặt Trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 dã gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Các công trình điện Mặt Trời tại Gia Lai mất nguồn thu vì áp lực cắt giảm điện phát lên lưới. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Các công trình điện Mặt Trời tại Gia Lai mất nguồn thu vì áp lực cắt giảm điện phát lên lưới. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Đã gần 1 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện Mặt Trời.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm giữa tháng 2/2021, trước tình trạng các dự án điện Mặt Trời áp mái phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện Mặt Trời; trong đó yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện Mặt Trời mặt đất và điện Mặt Trời mái nhà, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết, không để xảy ra các hậu quả xấu.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện rà soát, tổng hợp. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm tháng 5/2021, sau khi đoàn thanh, kiểm tra của Bộ Công Thương hoàn thành việc kiểm tra tại 10 tỉnh, thành có các dự án điện Mặt Trời áp mái, đã có báo cáo lãnh đạo bộ.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiểm tra thêm 8 tỉnh nữa, để làm báo cáo chung gửi lãnh đạo bộ. Song, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đoàn kiểm tra không thực hiện được, sau đó, có chỉ đạo dừng kiểm tra.

Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ: "Bộ đang tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, cũng đã làm dự thảo 2-3 lần, để lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng lãnh đạo bộ vẫn chưa ký."

Trước đó, trong năm 2021, sau quá trình kiểm tra, thanh tra các dự án, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã cho biết, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra trước 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà lớn.

"Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện Mặt Trời; trong đó có điện Mặt Trời mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương,” ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương, EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.

Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện Mặt Trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW; trong đó, công suất các nguồn điện Mặt Trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện Mặt Trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện Mặt Trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Do vậy, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện Mặt Trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia.

Các tin khác